CHUYỆN KHÓ NGHĨ
Thi thoảng gia đình, người thân chia sẻ, trao đổi với nhau về cuộc sống.
Lòng người hết sức tự nhiên sẽ chạnh thương khi thấy những người nghèo sống thiếu thốn hay bị đẩy ra bên lề của cuộc sống.
Cách đây vài hôm, như mọi lần thăm hỏi, người cô vào đề ngay trước khi chia sẻ về cuộc sống đó là chuyện cô đọc được thông tin của một sinh viên nghèo nào đó phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Cô tìm địa chỉ để liên lạc chia sẻ nhưng chỉ biết tên của người sinh viên đó, ngoài ra không biết gì hơn về địa chỉ hay số điện thoại để liên lạc.
Cô kể ra và tôi nghe. Nghe tôi cũng đành chịu bởi lẽ cái biển người nghèo chạy ăn từng bữa và thiếu trước hụt sau quá nhiều. Chưa lo đủ cái ăn làm sao lo đến chuyện học nên dù có đậu đại học đi chăng nữa nhưng cổng trường còn ở thật xa với những người nghèo.
Những người tha hương cầu thực quá vất vả để lo toan cho cuộc sống. Thế nhưng, khi rảnh rỗi, họ đọc tin tức và đâu đó bất chợt gặp những hoàn cảnh khó khăn lòng của họ lại hướng về với những người nghèo, những người kém may mắn để sẻ chia.
Đây không phải là lần đầu tiên gặp những người có thiện ý sẻ chia như vậy. Nhiều lần nhiều lúc người thân cũng đã dò đến địa chỉ để sẻ chia dẫu rằng sự sẻ chia đó quá ít so với nhu cầu thực tế của những người nghèo. Nhưng, dù sao đi chăng nữa người nghèo cũng nhận được chút tấm lòng của người đồng loại.
Với những người thân quen, với những tấm lòng chạnh thương là như vậy. Họ cũng phải đi cày, họ cũng phải quá vất vả để đi kiếm tiền nhưng họ tằn tiện để giúp những người đồng loại kém may mắn.
Trở về với thực tại của cuộc sống, không phải những ngày này nhưng quá khứ cũng đã có những câu chuyện buồn của cuộc sống. Những câu chuyện buồn đó là những đồng tiền được người ta chuyền tay nhau chi dùng một cách vô tội vạ. Số tiền đó không phải nhỏ. Người ta đem quy ra đầu người thì số nợ đó thật kinh khủng.
Chẳng phải là nhà kinh tế, cũng chẳng phải là nhà nghiên cứu nhưng nhìn thực tại sao mà đau lòng. Khi nhìn những con số ngàn ngàn tỷ mà người ta vun vít nó làm sao đó so với những nhu cầu nhỏ bé của những con người nghèo.
Cách đây không lâu, chuyện cậu bé đậu đại học nhưng người cha phải tá túc trong ống cống với nghề bơm vá xe và người mẹ làm thuê làm mướn thật đau lòng. Với ý chí, với nghị lực, cậu bé đã đủ điểm vào đại học nhưng cổng trường khép lại vì gia đình quá nghèo. Thật may mắn đến với cậu khi có gia đình kia mời gia đình của cậu về ở trong một phòng của gia đình và đồng thời quản lý các phòng trọ khác của gia đình để có kế sinh nhai và đắp đổi qua ngày.
Nghịch lý là đứng trước những cảnh nghèo như thế, những người nghèo lại mở lòng và đùm bọc lẫn nhau trong khi những người khác lại cứ thoải mái "đưa tiền ra cửa sổ". Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày một tăng khi người ta đánh mất quân bình của thu nhập. Người nghèo cảm thấy đuối khi phải lăn lộn với cuộc sống hàng ngày.
Ta thấy nghịch lý và mâu thuẫn khi số tiền bạc tỷ nhảy múa trong tay những người trục lợi để rồi những người nghèo chỉ mong có số lẻ như thế để đắp đổi qua ngày.
Dĩ nhiên trong xã hội nào cũng thế, cũng có những chuyện này chuyện kia trong đầu tư hay quản lý. Thế nhưng, khi những đồng tiền do công sức của người dân đóng góp lại chảy vào túi của những người nào đó, của nhóm người nào đó thì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Và, khi khoảng cách giữa giàu nghèo ngày một tăng thì lại nảy sinh ra nhiều chuyện đau đầu cho con người và xã hội.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người dân không thể nào nghĩ ra được số tiền khổng lồ như thế mà nó cứ vui vẻ "nhảy múa và hát ca" trong tay của một số người.
Vài tỷ với một gia đình cũng chỉ là niềm mơ ước mà cả đời chẳng bao giờ có được. Nói gì đến tiền tỷ cho cam. Chỉ cần vài trăm triệu để mua căn nhà ở với mức bình dân trong xã hội hiện tại nhưng nằm mơ cũng chẳng hề có. Dẫu rằng không nghĩ ra nhưng rồi nó vẫn xảy ra. Những điều khó nghĩ đã xảy ra và để lại hậu quả tổn thấy vô cùng to lớn cho con người và xã hội.
Mới đây thôi, khi đoạn đường cao tốc nọ chưa kịp khánh thành thì đã phát hiện ra những điều thật khó nghĩ. Số tiền chạy ra khỏi công trình quá lớn so với số tiền thực tế để thi công. Và như vậy, chất lượng của con đường cũng sẽ chỉ đạt được với số tiền thực sự bỏ ra. Tất cả những thiệt hại như thế lại cứ phải đổ lên đầu của những người dân đen nghèo khổ. Không phải người ta không biết hậu quả để lại khi người ta làm như thế nhưng vì lý do nào đó thật khó hiểu và cũng chẳng ai lý giải được. Chỉ biết là ngày mỗi ngày cuộc sống càng thêm những gánh nặng của khó khăn, của bế tắt khi tìm kế sinh nhai.
Và, cũng qua những phương tiện thông tin đại chúng, còn có quá nhiều người nghèo chạy ăn từng bữa phải đương đầu với cuộc sống. Cánh cửa bước vào đời của những con người nghèo ngày càng hẹp lại và những lắng lo của cuộc sống ngày càng lớn. Thương thay cái phận nghèo.
Khi cuộc sống có quá nhiều điều khó nghĩ thì khi ấy càng nhiều điều phải lắng lo.
Vẫn là những trăn trở về những mảnh đời khó nghèo và chật vật phải đương đầu với cuộc sống ngày một khó khăn.
Anmai, CSsR