Nhân ngày 20/11 gửi bài viết về Thầy Cô Giáo.
Nhà trường phát động phong trào quyên góp hoa, cô sợ
học sinh của mình phải tốn tiền nên đã đồng ý để cho một học trò nhà có trồng
hoa vạn thọ đem lên nộp...
Tôi tình cờ gặp lại cô giáo ngày xưa trong một buổi
trưa nắng oi ả, ẩn sau chiếc khẩu trang là khuôn mặt vẫn còn phảng phất nét đẹp
dù đã mang dấu ấn thời gian. Cô giản dị trong trang phục hàng ngày, nhờ tôi
chuyển món quà tới người thân một học trò cũ của cô. Tôi thật sự xúc động khi
biết rằng cô đã trăn trở rất nhiều cho một vấn đề tưởng chừng như đơn giản đối
với người khác.
Cô vẫn dõi theo cuộc sống của những học trò bé bỏng
ngày xưa cho dù đã nghỉ hưu từ lâu. Cô không nói gì nhiều, chỉ gặp nhờ tôi
chuyển giúp và vội vã đi. Tôi cầm món quà trên tay, quay lưng bước vào nhà và
lặng lẽ nhìn, lặng lẽ mơ màng nhớ về thời trước, thời mà có lẽ hầu như tất cả
chúng tôi đều mang theo trong mình những kỉ niệm cho đến tận bây giờ.
Dù thời gian, công việc, những mối quan hệ, mối bận
tâm khác chiếm hết tâm trí chúng tôi nhưng tôi tin rằng một góc nhỏ trong trái
tim, trí óc ai cũng vẫn còn thương và nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ, ngây thơ một
thời. Những kỷ niệm ấy được xây dựng và kết dính đến tận bây giờ đều xuất phát
từ cô giáo đáng kính của chúng tôi.
Chúng tôi, những đứa trẻ vừa học xong tiểu học, được
gặp cô tại ngôi trường điểm của thành phố. Nói là trường điểm chứ ngôi trường
chúng tôi học còn sân đất đỏ, trời mưa sình lầy khó đi, những dãy lớp học thời
đó còn tuềnh toàng chứ không khang trang và đầy đủ cơ sở vật chất như trường
điểm bây giờ.
Tôi còn nhớ buổi xếp hàng đầu tiên vào lớp, dưới gốc
cây mít, chúng tôi gặp một cô giáo dáng người thanh thoát, cao và trang phục
thanh lịch. Khuôn mặt cô rất đẹp nhưng toát lên nét nghiêm nghị đến sợ. Bắt đầu
hành trình dài suốt bốn năm là chuỗi các quy tắc, nguyên tắc, kỷ luật mà cô đưa
ra và yêu cầu các học trò của mình thực hiện một cách nghiêm túc.
Chúng tôi ngày đó lộ rõ vẻ mặt ngây thơ trộn lẫn lo
sợ. Giờ lên lớp của cô và những buổi họp lớp trở thành gánh nặng đôi khi quá
sức đối với bờ vai còn non nớt của lứa tuổi 12, 13. Năm đầu trôi qua, lớp tôi
bắt đầu xuất hiện những học trò bức bối, bực bội với cách quản lý của cô. Những
người bạn này của tôi thời đó cũng là cô cậu học trò nhỏ đáng thương, tuy chỉ
hơi tinh nghịch, hiếu động và chưa chín trong hành động bởi nhiều lý do khác
nhau.
Các bạn tôi ghét cô và đưa ra những trò đùa vụng dại
của tuổi học trò thơ ngây. Nhưng với cô, những vấn đề này không làm cô bận tâm
và từ bỏ tâm nguyện rèn luyện học trò mình thành người. Tôi vẫn còn nhớ những
câu chuyện về cô do bạn bè kể lại.
Hồi đó, cô cố gắng đến nhà động viên, mong mỏi học
trò muốn nghỉ học giữa chừng sau loạt ‘thành tích quậy” quay trở lại học hành
vì tương lai. Cô tới từng nhà học sinh nghèo, những bạn có sức học chưa đạt như
cô mong muốn để xin cha mẹ cho con tới nhà cô học phụ đạo. Cô luôn cố gắng sắp
xếp vị trí lớp học một cách hợp lý, để mỗi bạn khá phải ngồi gần trao đổi và
kèm cặp cho bạn học chưa tốt.
Buổi tối, chúng tôi đôi lúc bị cô kiểm tra đột xuất
bằng cách gọi điện thoại đến nhà hỏi thăm tình hình học tập. Thay vì dồn tất cả
tâm huyết của mình để đào tạo những học trò giỏi đi thi đạt danh hiệu để cô có
vị trí nào đó trong nghề nghiệp thì chúng tôi thấy dường như cô dồn thời gian,
sức lực cho những học trò quậy, học hành chểnh mảng hơn của lớp tôi.
Có lẽ vì thế mà sau khi ra trường, xa vòng tay của
cô, những người bạn khi xưa “ghét” cô luôn đầy ắp những kỷ niệm không thể nào
quên với cô.
Thời gian trôi qua đã hai mươi năm, chúng tôi giờ đã
trưởng thành và cô cũng đã già đi sau những tháng năm thăng trầm trong nghề.
Tính tình, suy nghĩ, hành động con người cũng thay đổi theo thời gian, tuổi
tác…, nhưng chúng tôi đều hiểu ai cũng đều đã, đang và sẽ trải qua .
Đối với chúng tôi, dù thế nào đi nữa thì cô cũng là
giáo viên đáng trân trọng, đáng quý. Suốt cả cuộc đời học sinh, sinh viên, cô
luôn là người thầy duy nhất mà tôi nhớ và thăm.
Ngày 20/11 giờ đây quá xa xỉ, hình thức… làm tôi nhớ
lại một buổi họp lớp vào ngày thứ 7 khi nhà trường phát động phong trào quyên
góp hoa, cô sợ học sinh của mình phải tốn tiền nên đã đồng ý để cho một học trò
nhà có trồng hoa đem lên nộp.
Buổi giao nộp hoa cho bí thư đoàn trường tuần sau của
lớp tôi đã trở thành đề tài bàn tán, có lẽ không quên ai trong chúng tôi có thể
quên được việc lớp tôi lần đầu tiên trong lịch sử bị xếp hạng C khi nộp hoa vạn
thọ. (Hoa cúc vạn thọ thường không được dùng để tặng ai đó). Sau này tôi mới
biết cô bị nhà trường họp trách mắng tại sao lại để học sinh của mình làm như
thế, cô đứng lên phản ứng lại “học trò của chúng tôi chỉ có thế và tất cả là tấm
lòng của học sinh”. Cô nhận lỗi xếp hạng này của nhà trường không một lời trách
phạt chúng tôi.
Còn rất nhiều câu chuyện mà có lẽ tôi chưa biết hết
và không nhớ hết, có lẽ lời bài hát “Cô giáo như mẹ hiền” đã đúng trong tình
cảnh của lớp tôi thời đó. Khi tôi theo cô đi chợ mua đồ nấu ăn cho buổi cắm
trại hàng năm của lớp ở trường, cô đi lên đi xuống con đường chợ Điện Biên Phủ
xưa chỉ để tìm mua cà chua, khoai tây ngon nhưng giá rẻ hơn một chút. Như vậy
cô có thể mua được nhiều đồ ăn hơn cho chúng tôi, bởi vì cô đang cầm trong tay
số tiền lớp đóng để cắm trại.
Mỗi người ai cũng đều có nhiều điều để nhớ và chúng
tôi cảm ơn cô vì cô đã sống bằng trái tim và cái tâm của nghề giáo một cách
đúng nghĩa. Chúng tôi thật may mắn khi có được những kỷ niệm này trong cuộc đời
mình. Tôi xin gửi đến cô giáo của chúng tôi lời tri ân chân thành nhân ngày
20/11.
Nguồn Vnexpress