Chiều tà, công việc vừa xong, trên đường về ghé thăm gia đình người thân quen. Trong tâm sự buồn, người con rể cho biết bà cụ giờ đây sức khỏe đã xuống và đã phải vào nhà thương để dưỡng thương trong tuổi già sức yếu. Bà ở ngoại quốc và bà đã hưởng phần bảo hiểm nhưng phải đóng thêm một phần cho bệnh viện. Viện phí chia đều cho đầu người trên các con khoảng 150 đô la 1 tháng. Mấy người con dường như từ chối bởi lẽ đưa ra lý do xem chừng như hợp lý. Người anh cả đã đảm nhận phần lo cho mẹ dù anh chị em đã từ chối. Gia đình người con út thân quen mà tôi ghé thăm tuy ở lại quê nhà và cũng gánh vác phần nặng nề lo cho gia đình, lo cho con cái nhưng cũng không nỡ chối từ phần sẻ chia đóng góp.
Người con rể bộc bạch : "Cha ơi ! Ai không đóng thì kệ, tụi này vẫn đóng. Bà đâu còn bao nhiêu lâu đâu mà tính toán".
Tâm tình của hai vợ chồng người con út quả là hay. Dẫu điều kiện sống ở quê nhà đang rơi vào phần chật vật do kinh tế đang xuống nhưng hai vợ chồng người con út vẫn sẵn lòng với bà cụ. Trong khi đó những người còn lại đều ở ngoại quốc cả. Dĩ nhiên họ có lý do riêng để từ chối phần đóng góp của họ nhưng nó thấy nó làm sao đó.
Lần nọ, hỏi thăm sức khỏe của ông bà cố kia thì được biết là ông bà năm nay ngoài tám mươi cả. Hai ông bà cũng hom hem bệnh tật nhưng thui thủi với nhau cô quạnh trong căn nhà vắng vẻ. Người con trai út cho biết là ông bà cố có mười đứa con. Ban ngày thì người chị gái đến nhà ông bà để bán hàng và nấu cơm. Tối đến thì lại về nhà. Người con làm linh mục thì thi thoảng tạt ngang nhà thăm ông bà tí. Con cháu quá nhiều nhưng chẳng có đứa nào chịu đến ngủ đêm để canh chừng hai ông bà cả.
Nghe xong cũng chạnh lòng. Dẫu biết rằng ông bà cũng khó tính tăng theo thời gian khi tuổi đà quá lớn. Dẫu biết rằng con cháu thuộc hai, ba thế hệ khác nhau nhưng không phải vì thế lại để ông bà trong cô quạnh. Nửa đêm nửa hôm huyết áp lên đột ngột và lỡ có chuyện gì thì ai sẽ là người lo cho ông bà. Cũng dĩ nhiên là ai cũng có lý do riêng để từ chối chuyện ngủ đêm coi sóc ông bà nhưng lẽ nào lũ cháu đàn con đó không lên lịch đủ để chia nhau mỗi ngày một người đến để ngủ trực đêm với hai ông bà.
Cũng chuyện ông bà cha mẹ, nhớ lại lần kia ở Viện Tim để giúp cho một cha trong nhà. Cùng chung phòng bệnh với cha có hai vợ chồng già nằm cạnh. Hỏi thăm bà cho biết là ông ra Huế chơi, bỗng dưng bị té và đưa vào Sài Gòn ngay để chữa trị. Vào bệnh viện X bác sĩ cho biết ông phải đặt stent mạch vành cho ông. Chi phí đặt khá cao. Ở bệnh viện X đặt rẻ hơn một tí nhưng không có bảo hành. Nghe đâu Viện Tim làm tốt hơn nhưng đắt hơn một tí. Nghe thế, 4 đứa con xúm lại chia nhau mỗi người một phần và chuyển ông qua Viện Tim để chữa cho ông.
Bà mẹ nói : "Bốn đứa con tui nó thấy ba nó như vậy và tự động góp lại với nhau mỗi đứa mấy chục triệu để cùng lo cho ông. Tụi nó nói mắc một chút nhưng bảo đảm cho ba ...".
Chào bà sau khi trò chuyện với bà về bệnh tình của ông.
Trên đường về lại nhà dòng hôm ấy, lòng của mấy người con và hình ảnh của mấy người con của ông cụ đẹp làm sao đó dẫu rằng tôi không biết họ là ai. Nghe tin ba đau như thế và đã sẻ chia với nhau để lo cho ba thật tươm tất.
Gần đây nhất, một cụ già đã cao tuổi phải mổ khớp gối để cho bà được đi lại bình thường. Nhà thì neo đơn và vắng vẻ. Chỉ có 2 vợ chồng người con gái duy nhất lo lắng cho bà. Trong hoàn cảnh neo người đơn chiếc cộng với trăm công ngàn việc nơi công sở nhưng hai vợ chồng cùng chung tay lo lắng cho bà với chi phí mổ không phải là thấp. Trong những ngày nằm bệnh. Hai vợ chồng đã dành cho bà những gì tốt đẹp nhất có thể để lo cho bà. Giờ đây bà bình phục và có thể từng bước từng bước đi lại. Có hôm bà bắt taxi cùng đi đến cả ... chợ Tân Định để sắm vải may đồ.
Dĩ nhiên là hai vợ chồng cũng phải còn lo trăm công ngàn thứ nhưng tình cha nghĩa mẹ nó lớn hơn cả những cái bận tâm đó. Trong suy nghĩ của họ. tình cha nghĩa mẹ lớn lắm và chắc chắn rằng ba mẹ cũng đã một đời lo cho con cái nên nay bằng mọi giá họ lo lại cho cụ.
Vẫn là sự tự do lựa chọn của mỗi người khi đứng trước tình trạng tật bệnh của cha mẹ khi đã tuổi già sức yếu. Dĩ nhiên ai cũng có lý do riêng và xem chừng ra hợp lý để từ chối hay dè dặt khi phải bỏ thời gian, công sức, tiền của ra lo cho cha mẹ. Dù lý gì đi chăng nữa, lẽ gì đi chăng nữa vẫn không bằng cái lý cái lẽ của đạo lý con người.
Ngày hôm nay ta được như thế này, ta có như thế kia là nhờ ai ? Phải chăng là tự trên trời rơi xuống hay tự bàn tay của cha mẹ nuôi ta từ ngày còn thơ bé.
Hãy làm điều gì đó cho cha cho mẹ khi các ngài còn sống để kẻo khi các ngài ra đi ta không phải ngậm ngùi nuối tiếc
Anmai, CSsR