PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA CHAY 2014
Nhiều người Công giáo Việt Nam nói rằng năm nay vào Chay khá trễ vì thường thì mọi năm thứ Tư lễ Tro rơi đúng vào những ngày Tết nên các Giám mục sở tại rộng phép dời vào một ngày khác thích hợp để giáo dân Công giáo đón Tết cổ truyền vui vẻ hơn.
Tết Nguyên Đán đã đi qua hơn một tháng nên giờ đây không ai có thể vịn vào lý do “Tết nhứt” để tránh né việc giữ chay.
Chúng tôi còn nhớ ngày xưa khi còn đi học với chúng bạn thời Trung học phổ thông, ngày thứ Tư Lễ Tro là ngày học trong tuần nên dễ quên việc giữ chay lắm. Vả lại trong lớp trường chuyên năm ấy của chúng tôi chỉ có một bạn nữ và tôi là người Công giáo nên chẳng ai nhắc đến lễ nghi Công giáo làm gì. Sau 2 tiết học buổi sáng chúng tôi có giờ giải lao. Cảm thấy trong bụng cồn cào quá nên vào căng-tin mua một cái bánh tiêu để lót bụng. Vừa ăn được nửa cái bánh tiêu thì chợt nhớ hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, giữ chay và kiêng thịt nên vội chạy ngay vào phòng vệ sinh để nôn ra hết những gì mình mới ăn vào để giữ trọn ngày chay. Ngày hôm ấy chúng tôi đã giữ chay một cách rất hình thức!
Mãi đến khi chúng tôi bước vào Học Viện Liên Dòng để bắt đầu những năm Triết, Thần chúng tôi mới dần khám phá ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và việc giữ chay và nhận ra một điều rằng ngày xưa mình ngốc nghếch thật. Nhưng chính nhờ cái “ngốc nghếch đáng thương” đó mà dần dần Chúa soi sáng cho chúng tôi để chúng tôi biết cảm thông, yêu thương những người đã có lần “ngốc nghếch” như tôi.
Mùa Chay, theo tiếng Tây Ban Nha là “Cuaresma” hay tiếng La-tinh “Quadragesimanae” hay còn gọi là Mùa 40, đây là mùa ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh của Chúa Giê-su. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc với Chúa Nhật Phục Sinh. Nó chứa đựng 40 ngày chay tịnh để tưởng nhớ đến biến cố Chúa vào trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện và sau đó chịu sự cám dỗ trong 40 đêm ngày; là thời gian của thương khó và thống hối. (thực sự là 46 ngày, nếu tính từ Thứ tư lễ Tro cho đến Chúa nhật Phục sinh, nhưng theo nghĩa hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa nhật thứ nhất đến chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử thành thánh lễ Tiệc Ly vào ban chiều "in Caena Domini", trong đó Chúa lập Bí tích Thánh Thể, rửa chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới răn mới) (Thời gian 40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Mô-sê, vị thủ lãnh dân Chúa thời Cựu ước cầu nguyện trên Núi Si-na-i và được Chúa trao cho 10 Giới răn. Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Tiên tri Elia, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của Hoàng hậu Gezabele, để tiến về Núi Oreb (cũng là núi Si-na-i, kế Biển Ðỏ và Kênh đào Suez), nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới (1 Vua 19).
Công Đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng : “Mùa Chay có hai đặc tính là hồi tưởng lại bí tích rửa tội và nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Bởi những ý nghĩa đặc biệt này, mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẳn sàng cử hành mầu nhiệm vượt qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và trong những hướng dẩn từ trung tâm của phụng tự, những chủ đề về rửa tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” (SC 109).
Như vậy Mùa Chay không có nghĩa là việc giữ chay cách hình thức như chúng tôi đã từng làm cách ngốc nghếch thời thơ bé nhưng là cần một cuộc hoán cải nội tâm để quay về với Chúa đối với những ai lầm đường, lạc lối. Chúa mời gọi chúng ta qua ngôn sứ Joel :” Hãy xé lòng, đừng xé áo “ ( Jo.2, 13).Chúa muốn chúng ta sống thành thật, đừng sống bề ngoài như những người Pharisêu giả hình vv…Nhưng hãy hết lòng quay trở về, đổi mới, và tìm gặp Người :” Hãy trở lại với Giavê, Thiên Chúa của người ! Vì Người nhân thứ, từ tâm, khoan dung và nhân nghĩa bao la”.
Mùa Chay cũng có thể nói là mùa bận rộn của các vị mục tử vì các ngài phải lo ngồi tòa cho giáo xứ mình cũng như các giáo xứ bạn lân cận để các hối nhân có dịp làm hòa với Chúa. Tuy nhiên cũng có một số vị mục tử vì thiếu kiên nhẫn hay vì cách hành xử “quan liêu” cố hữu đã đánh mất đi dung mạo của Chúa Ki-tô ngay trong tòa giải tội khi la mắng, xúc phạm đến các hối nhân. Chúng tôi không dám bênh vực hay khích bác anh em linh mục đồng môn của mình vì trong đời tu, chúng tôi đã từng là học trò của rất nhiều linh mục uyên bác và thánh thiện nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng đã gặp và tiếp xúc với các linh mục “rất đời” và “rất thường” khiến nhiều giáo dân phải thốt lên : “ông này là linh mục à!”. Nhận thấy chính bản thân mình nhiều lúc cũng có nhiều khiếm khuyết nên dễ làm cho người ta nhận ra khuôn mặt của Chúa Ki-tô cách méo mó qua hình ảnh các linh mục. Chúng tôi có đọc một bài liệt kê về những lời gièm pha, chỉ trích các linh mục từ một trang Web tiếng tây Ban Nha và muốn chuyển ngữ ra đây đê mọi người thấy được để trở thành linh mục của Chúa Ki-tô không dễ dàng tí nào và hãy cầu nguyện cho các linh mục trong mùa Chay này :
NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH LINH MỤC
Nếu linh mục đẹp trai thì thắc mắc : sao không chịu lấy vợ?
Nếu xấu quá thì cho là không ma nào thèm lấy mới đi tu!
Nếu ăn mặc đồ thường thì bị cho là quá trần tục, bụi đời!
Nếu lúc nào cũng mặc chùm thâm thì bị cho là quá bảo thủ.
Nếu không tiếp chuyện ân cần với mọi người thì bị gán là ông cha gì mà lạnh lùng thấy gớm!
Nếu nói chuyện ân cần, tử tế thì bị cho là có dụng ý xấu.
Nếu linh mục mà để tóc dài thì bị cho là ông cha này đang làm cách mạng đây!
Nếu lúc nào cũng để tóc ngắn như quân đội thì bị cho là ông cha quá cù lần!
Nếu lúc nào cha cũng ở nhà xứ thì thắc mắc là sao không thăm viếng các gia đình.
Nếu đi thăm các gia đình nhưng giáo dân đến không gặp thì lại lớn tiếng là không bao giờ thấy cha ở nhà xứ!
Nếu cha sở sửa sang nhà cửa vì xuống cấp thì bị chỉ trích là ném tiền qua cửa sổ.
Nếu không làm gì thì bị cho là nhà xứ bị bỏ hoang.
Nếu cha rửa tội và làm đám cưới nhiều thì bị chỉ trích là thích phô trương bí tích.
Nếu cha yêu cầu các thủ tục nghiêm ngặt thì bị gán là ông cha này hay làm khó.
Nếu cha có Hội Đồng Mục Vụ : Ông cha này bị người khác điều khiển!
Nếu không có : cha này rất cá nhân chủ nghĩa và muốn thâu tóm tất cả…!
Nếu cha xây lại nhà thờ quá cũ kỹ : Điều gì đang xảy ra đây?
Nếu vẫn giữ y nguyên nhà thờ xập xệ : Giáo xứ này không bao giờ tiến lên được
Nếu cha giảng quá 20 phút : Cha già này bao giờ nói mới nói xong đây!
Nếu bài giảng qua ngắn : Cha này chẳng biết giải thích gì cả. Quá vội vàng!
Nếu cha giảng với giọng dõng dạc : Cha này thích làm diễn viên.
Nếu giảng với cung điệu bình thường : Chẳng nghe gì cả, không biết ông cha này đang nói gì!
Nếu đụng đến vấn đề xã hội : Cha này đang xen vào chính trị đây!
Nếu nói nhiều về Chúa : Cha này đang bay và không biết lúc nào hạ cánh đây!
Nếu cha thui thủi một mình : Cha này không chịu chia sẻ với ai
Nếu nói chuyện chỉ với cánh đàn ông : Cha này trọng nam khinh nữ.
Còn nếu hàn huyên với các bà : Cha này đang có ý đồ và chẳng bao lâu sẽ cởi áo Dòng cho mà xem!
Nếu cha quá trẻ : Không có kinh nghiệm, ai mà thèm nghe đây?
Nếu cha quá già : Xin về hưu và nghỉ ngơi là vừa!
Nhưng… Nếu cha sẽ chuyển đi xứ khác hay qua đời : Tất cả mọi người lúc đó sẽ khóc thương và nói đủ thứ chuyện tốt đẹp về cha.
Anh chị em thân mến! Linh mục cũng chỉ là những con người tầm thường như bao người khác nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành những người hướng dẫn chúng ta về đời sống tâm linh. Có những vị rất thánh thiện, tuy nhiên cũng có những vị không được thánh thiện cho lắm. Nhưng nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó để giúp họ, hãy cầu nguyện cho họ và hãy cộng tác với họ trong sứ vụ. Nếu ai đó biết rõ một linh mục đang trong tình trạng tội trọng công khai thì hãy đi gặp cha bề trên hay giám mục của linh mục đó để các ngài giúp đỡ và giải quyết. Đừng lên án hay xét xử cách bất công khi chỉ nghe tin đồn hay vị một chút tư thù cá nhân. Chúng ta cảm tạ Chúa vì qua thừa tác vụ linh mục của Chúa Ki-tô chúng ta có các linh mục để thi hành các bí tích trong đời sống tinh thần của chúng ta.
(Dịch từ nguồn : http://www.catolico.org/sacramentos/orden_sac/criticas.htm )
Hôm nay là ngày “thứ Ba Béo” theo cách nói đùa của những giáo dân bợm nhậu vì họ cho rằng ngày mai là thứ Tư Lễ Tro-giữ chay và kiêng thịt, nên hôm nay cần chén một bữa cho thật no, say. Chúa cho chúng ta cơ hội hàng năm để chuộc lại lỗi lầm vì Ngài biết chúng ta mỏng dòn, yếu đuối. Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời chúng ta phải để Chúa thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta. Xin Chúa củng cố đức tin còn non yếu của chúng con để chúng con luôn sẵn sàng vâng theo Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong đời sống của chúng con.Xin Chúa ban cho chúng con đức tin vững mạnh để chúng con biết sống khiêm nhường :”Hãy xé lòng, đừng xé áo”.
Paraguay, 4 tháng 3 năm 2014 – Thứ Ba “Béo”
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD