25 thg 7, 2014

Làm gì với lo âu

Được đăng bởi: Unknown on 25 thg 7, 2014 | 25.7.14

“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc bạn.” (1Pr 5,7)
Chúng ta ai cũng muốn một cuộc sống ổn định, an toàn, một cuộc sống mình có thể kiểm soát được. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng vậy. Tương lai là một mầu nhiệm. Chẳng ai dám chắc điều gì. Tương lai có thể đầy bất trắc, chênh vênh, vượt tầm kiểm soát của mình. Có những vấn đề ta phải đối diện mà giải pháp vẫn mịt mờ tít tắp. Có những cuộc đua “thời hạn” cứ rượt đuổi tâm trí ta từng lúc, bất kể thức hay ngủ. Cuộc sống phình to với những lo âu căng thẳng, dồn nén và tích tụ. Chỉ nghĩ tới nó thôi ta đã thấy ngột ngạt, buông xuôi, chán nản. Ừ, ta đang lo âu. Ta đang căng thẳng.

Lắm lúc nặng trĩu ưu phiền, ta ước chi đây chỉ là giấc ngủ, phải chi mình chợt tỉnh giấc, và …a ha thở phào nhẹ nhõm: “Té ra chỉ là giấc mơ thôi”. Nhưng tỉnh rồi có khi ta lại nghĩ: “Sao không ngủ và mơ luôn cho rồi, thức làm chi cho mệt óc”. Dù sao, lo âu vẫn còn đó.
Có lúc ta cũng muốn buông bỏ cho thanh thản nhẹ lòng, mà cuộc sống cứ dí theo sau sát nút. Làm sao mà buông bỏ, làm sao mà thanh thản. Muốn lắm chứ, có ai muốn mình phải lo âu, thất vọng, chỉ là ta không thể tách mình ra khỏi dòng chảy cuộc đời. Miếng cơm manh áo rượt đuổi ta hằng ngày, sức khỏe người thân và bao vấn đề cuộc sống dí sau lưng ta sát ván. Ta có bình tâm rũ mình thanh thản được ư? Nhiều lúc ta tự nhủ lòng: “Có gì mà phải lo, có gì đâu mà phải sợ. Lo cũng có giải quyết được gì đâu”. Ừ, nghĩ cho cùng thì lo cũng chẳng giải quyết được gì, có khi nó chỉ làm cho tâm trí ta rối rắm. Đã rối rắm giờ lại còn rối rắm hơn. Mà khi mất bình tĩnh ta còn tâm trí đâu mà giải quyết vấn đề. Nhưng nghĩ rồi, ta cũng không thể dập tắt dòng cảm xúc âu lo. Rốt cùng thì đâu cũng lại vào đó. Âu lo vẫn hoàn lo âu.
Thực ra, khi lo lắng, nhất là lúc lo lắng cao độ, tâm ta không dễ bình lặng. Dòng cảm xúc bất an cứ như những cơn sóng ngầm ầm ì xục xạo. Nhiều khi ta muốn quên lãng, muốn lánh ra một nơi, tìm chút thanh thản yên bình, mà làm sao ta trốn khỏi mình, khi mà âu lo ở ngay trong lòng ta. Không thể tránh né, vậy là ta gồng mình chiến đấu, ta tự nhủ mình: “Ừ, chẳng đáng để mà lo”. Và rồi ta gồng mình bắt lý trí khuất phục tâm ương ngạnh. Kết quả là ta mệt nhoài khổ sở. Thất vọng, ta để mặc cho những lo âu khuấy đảo tâm trí, vậy là nó khiến ta miên man suy nghĩ hoài cho đến khi kiệt sức.
Do-not-worry-Be-happy
Kỳ thực, nếu chúng ta hiểu vấn đề chúng ta có thể từ từ giải quyết. Trước hết, ta hiểu rằng cuộc sống có những điều, những biến cố, những sự kiện khách quan xảy ra cho ta mà ta không thể thay đổi được. Điều duy nhất ta có thể thay đổi là thay đổi chính mình; và khi mình thay đổi, ta có thể biến đổi cuộc sống khách quan đang xảy ra cho mình. Lo âu xảy ra khi cái khách quan ấy có liên hệ đến ta. Nếu tháng tới ta bị sa thải, thì đó là một quyết định mà ta không làm chủ được. Vì “miếng cơm manh áo”, vì cuộc sống gia đình, vì thời buổi kiếm việc khó khăn và vì bao nhiêu “cái vì” đại loại như thế mà lòng ta bất an, ta sợ hãi. Ta đâm ra chán nản. Ta phải hiểu rằng, những lo lắng ấy là rất thật và có khi còn là chính đáng nữa, bởi chúng ta lo lắng vì chúng ta trách nhiệm, cũng có khi chúng ta lo lắng vì quyết định sa thải ấy đe dọa đến sự an toàn, đến cuộc sống của chính mình và của những người thân yêu mình.
Thứ đến, khi âu lo, điều khiến chúng ta mệt mỏi không phải là tìm cho ra một giải pháp cho vấn đề mà chính là những cảm xúc tiêu cực cứ âm ỉ trong lòng: nỗi bất an, cảm giác lo âu, sợ hãi. Muốn thanh thản, ta phải biết cách hóa giải những cảm xúc tiêu cực ấy.
Cohen, tác giả của tập sách The Opposite of Worry cho rằng, trước hết, ta phải tập đối xử tốt với tất cả các cảm xúc của mình và chấp nhận khi nó xuất hiện. Chán nản chính là cách ta phản ứng lại với những cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong tâm hồn mình. Một chút trầm lắng để dừng lại, quan sát nội tâm và ý thức tâm hồn mình có thể giúp ta hiểu cảm xúc của mình và học cách đón nhận nó.
Điều thứ hai mà ta có thể làm là hãy vỗ về nó trong yêu thương. Giải tỏa những cảm xúc tiêu cực ở trong lòng cũng giống như ta thuần hóa một chú ngựa hoang, ta cần phải kiên nhẫn, phải vuốt ve, phải nhẹ nhàng cho đến khi chú ngựa cảm thấy an toàn và cảm nhận được ta yêu thương. Khi ấy chú mới không lồng lộn mỗi khi ta muốn cưỡi và không hất ta đo đất được. Bạn cũng có thể làm như anh chàng Rancho trong bộ phim hài đầy giá trị nhân văn: “Ba chàng ngốc” của Ấn Độ: ‘Đặt tay lên trái tim mình và hãy nói với nó: “mọi sự đều ổn, mọi sự đều ổn…”’.
Cuối cùng, khi gặp một lo lắng, nhất là lo lắng cao độ, thì lời nói có thể là không đủ. Ta cần một cảm giác an toàn mà ta không thể tự mang lại cho bản thân mình. Cảm giác an toàn ấy đến từ những cái siết tay thân ái, từ những cái ôm ấm áp tình người. Có khi, chỉ cần một sự hiện diện trong thinh lặng, một vòng tay ấm áp có thể san sẻ và giải tỏa trong bạn những âu lo nặng trĩu.
Và trên hết, hãy đến với thầy Giê-su để tình yêu Thầy ôm lấy trái tim đang “vất vả mang gánh nặng nề” của bạn. Hãy mang lấy ách của thầy và hãy học với thầy, vì thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn bạn sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách thầy êm ái, và gánh thầy nhẹ nhàng (Mt 11, 28-30)
come-to-Jesus
Bạn thân mến, lo lắng là điều rất thật của cuộc sống, nhưng nó có thể là “ách êm ái, gánh nhẹ nhàng” nếu biết cách “đối xử” với nó. Một khi lòng ta an tịnh, tâm ta lặng, trí ta sáng thì mọi sự rồi sẽ ổn thôi. Cầu chúc bạn luôn có những vòng tay thân ái, những cái ôm nhẹ nhàng, nhất là những giây phút ấm áp bên Thầy Giê-su để san sẻ gánh nặng trong đời.
Dominic Vũ Chí Kiên SJ.