Ánh sáng
về trên thôn xóm mình. Đời sống của mọi người được cải thiện và thay đổi
nhiều. Con đường làng vốn tối đen như mực đã được thắp sáng và trang
hoàng bằng những ánh đèn nê ông thật lớn.
Nhà nhà mua ti vi, tủ lạnh,
bếp điện, đầu máy video. Thôn xóm trở nên nhộn nhịp hơn.
Và cũng
kể từ dạo ấy, bầu không khí trong gia đình mình trở nên u ám, ảm đạm và
dường như tăm tối hơn. Nghe có vẻ ngược đời và nghịch lý quá nhỉ? Nhưng
đó là một sự thật đau lòng. Ngày xưa không có điện, nhưng gia đình mình
chan hòa ánh sáng của tình thương và niềm vui. Bữa cơm nào mọi người
cũng có mặt đông đủ và cả nhà quây quần, đùa vui bên nhau. Còn bây giờ.
Ba vắng nhà thường xuyên hơn. Ba đi làm sớm hơn và mãi đến khuya mới về.
Không những thế, Ba thường chẳng mấy khi tỉnh táo mỗi lần về đến nhà.
Và tính
khí của Ba cũng thay đổi hẳn. Bình thường, lúc tỉnh táo Ba vui vẻ, hiền
hòa, hài hước và dễ chịu bao nhiêu, thì khi rượu vào, Ba trở nên ngang
tàng và quậy phá biết bao. Ba không thèm nghe bất cứ ai.
*************************
Đêm nay,
ngoài trời mưa vẫn cứ rơi. Gió rít từng cơn. Con chợt tỉnh giấc. Đồng hồ
đã điểm 12 giờ nhưng Ba vẫn chưa về. Má vẫn ngồi ở phòng khách thức chờ
Ba. Vâng làm sao Má có thể an giấc và ngủ ngon được.
Mặc dù
đây không phải là đêm đầu tiên Ba về trễ nhưng sao con vẫn một nỗi lo
canh cánh bên lòng. Không biết có chuyện gì xảy ra mà sao Ba vẫn chưa
về. Đang miên man suy nghĩ, chợt tiếng xe gắn máy từ đằng xa kéo con về
thực tại. Có lẽ Ba đang trên đường về. Chưa được năm phút sau, con nghe
tiếng xe máy dừng ngay trước cổng. Con thoăn thoắt ngồi dậy và chạy ào
ra mở cửa. Bước thấp bước cao, Ba lê gót vào nhà.
Ba lại
xỉn nữa rồi. Ba mửa tháo ở phòng khách. Một mình Má âm thầm lau dọn,
giặt giũ mọi thứ. Chưa hết. Ba kiếm cớ gây sự với Má và đánh thức cả nhà
dậy. Hai người to tiếng với nhau. Cuộc cãi vã mỗi lúc một căng thẳng
hơn. Cũng giống như mọi lần, Má lại là người ra đi để trả lại sự bình an
và tĩnh lặng cho ngôi nhà của mình. Với chiếc gùi hay dùng để hái chè,
má xếp một vài bộ quần áo và chăn mùng qua vườn ngủ. Bốn chị em chúng
con chẳng biết làm gì nên đứng khóc ròng.
Lần khác,
vừa về đến nhà, Ba đi thẳng vào bếp, cầm con dao trên bàn ăn, chĩa
thẳng vào mặt Má, và bảo “Em giết anh đi.” Má không kịp hiểu sự tình gì,
chỉ kịp nắm lấy tay Ba, loay hoay tìm đủ mọi cách để lấy con dao ra
khỏi tay Ba và cất đi trong khi chị em chúng con khóc nức nở.
Hay những lần chén bát và những chiếc ghế trong nhà mình bay ra đường…
Có hôm
bạn bè của con đến nhà chơi. Mọi người đang vui vẻ kể chuyện. Ba bước vô
nhà với ánh mắt lừ đừ và quát tháo ầm ĩ. Tất cả đứng dậy ra về và rồi
không ai dám đến nhà mình nữa. Con buồn lắm nhưng biết nói gì, biết giải
thích làm sao với chúng bạn. v.v….
Ba biết
không, biết bao phen Má và chị em chúng con “hồn bay phách lạc” vì sợ.
Nhất là hôm Ba xỉn, Ba nắm một mớ dây điện, đồng hồ điện và kéo xuống.
Mặc Má và bốn anh chị em con can ngăn, Ba cứ một mực kéo nguyên giàn dây
điện xuống. Cầu dao và đồng hồ điện nằm lủng lằng ở góc nhà. Con chỉ sợ
Ba bị điện giật mà chết. Và nhiều nhiều chuyện xảy ra nữa.
Thế
nhưng, qua ngày hôm sau, tỉnh dậy, Ba hầu như không nhớ mình đã làm gì.
Ba lại xin lỗi Má và tụi con. Ba làm hết mọi chuyện trong nhà.
Rồi chuyện cũ lại tái phát khi chiều về.
Vì thế,
mỗi lần Ba ra khỏi nhà, con cố nói với theo: “Ba ơi! Đừng say nhé!” Điều
ước nhỏ nhoi đó hình như quá khó để thực hiện. Có lẽ những lần như thế
chỉ đếm trên đầu ngón tay vì Ba thường xuyên về nhà trong tình trạng say
sướt mướt.
Có hôm
đang đùa vui cùng chúng bạn ở nhà hàng xóm kế bên, nghe tiếng xe máy của
Ba từ đằng xa, con chỉ kịp xách vội đôi dép và chạy về ngay lập tức.
Con chằng làm gì cả. Chỉ pha một ly nước chanh để giã rượu cho Ba, hay
đưa Ba vào phòng ngủ, bỏ màn cho Ba được yên giấc, đưa Ba đi vệ sinh….
Ba biết
không, lần nào Ba về đến nhà mà còn tỉnh táo là anh chị em chúng con
mừng rỡ lắm thôi. Gia đình mình bữa đó êm ấm. Bầu không khí trong gia
đinh chan hòa niềm vui và tiếng cười.
Và con
mãi không quên những lần Ba nồng nặc mùi rượu đến trường đón con sau khi
tan học. Ngồi đằng sau xe, tim con như muốn ngừng đập. Ba lạng qua lạng
lại. Con sợ phát khiếp lên được.
Một chiều
thứ bảy, Ba đến trường đón con trễ hơn thường lệ. Con lầm lũi đi bộ hơn
bảy cây số một mình dù trời đã nhá nhem tối. Con thấy Ba từ đằng xa,
nhưng con trốn không về cùng Ba. Con vừa buồn vừa sợ. Con thấy xấu hổ
với chúng bạn biết bao.
Nhiều lần
đến nhà thờ, con thì thầm cầu nguyện xin Chúa “hóa rượu bia thành nước”
vì chỉ như thế Ba sẽ không say nữa. Và Má sẽ không phải thức và sống
trong tâm trạng chờ đợi Ba một cách thấp tha thấp thỏm. Có ai biết ngày
nào đó, tiếng chuông điện thoại reo và báo rằng Ba bị tai nạn. Nhưng ước
mơ và lời cầu nguyện đó dường như mỏng manh quá.
Những năm
tháng đi học xa gia đình, con chỉ mong Tết đến để anh chị em trong nhà
được quây quần tề tụ đông đủ, nhưng rồi lại xảy ra biết bao nhiêu
chuyện. Nó như thành cái lệ trong nhà mình, hễ tụ tập lại là ăn uống,
nhậu và đánh nhau. Riết rồi con sợ về Tết lắm thôi. Con sợ chứng kiến
cảnh anh chị em trong họ hàng nhà mình cầm dao rựợt nhau, hay nói chuyện
với nhau bằng nắm đấm.
Con lớn
dần và chợt nhận ra xã hội ngày hôm nay, người ta bàn bạc trên bàn ăn dễ
hơn là bàn giấy. Có đồ ăn ngon, và một vài chai rượu ngoại, hay một vài
két bia, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Và Ba của con cũng bị cuốn vào
dòng xoáy đó.
Ngày ngày qua báo chí hay xem ti vi con đọc và nghe biết bao gia đình tan vỡ vì bia rượu. Và chuyện gần đây nhất là gia đình Cô Chú Tư, hàng xóm của mình đưa nhau ra tòa ly dị vì Chú Tư cũng say xỉn suốt ngày, tự dưng con thấy sợ. Con cứ lo lắng mãi không biết đến khi nào thì cái điều khủng khiếp đó xảy ra cho gia đình bé bỏng của mình. Vì vậy, mỗi ngày đến nhà thờ, con tha thiết cầu xin Chúa cho Ba đừng say. Xin Chúa gìn giữ và ban cho gia đình mình được đầm ấm, hạnh phúc.
Ngày ngày qua báo chí hay xem ti vi con đọc và nghe biết bao gia đình tan vỡ vì bia rượu. Và chuyện gần đây nhất là gia đình Cô Chú Tư, hàng xóm của mình đưa nhau ra tòa ly dị vì Chú Tư cũng say xỉn suốt ngày, tự dưng con thấy sợ. Con cứ lo lắng mãi không biết đến khi nào thì cái điều khủng khiếp đó xảy ra cho gia đình bé bỏng của mình. Vì vậy, mỗi ngày đến nhà thờ, con tha thiết cầu xin Chúa cho Ba đừng say. Xin Chúa gìn giữ và ban cho gia đình mình được đầm ấm, hạnh phúc.
Viết
những dòng này hôm nay, con thành tâm xin lỗi nếu con làm tổn thương Ba
cách nào đó. Con thật sự không có ý trách Ba. Và con cũng không hy vọng
Ba sẽ bỏ rượu, nhưng con chỉ muốn Ba nhớ rằng, mỗi lần cầm ly rượu cụng
với ai đó, xin hãy nhớ đến đứa con gái nhỏ bé này. Con thương và lo cho
Ba biết bao.
Đêm nay
Ba đừng say Ba nhé!!! Nếu có uống, xin hãy uống một chút thôi. Con tin
rằng Ba của con không phải là người nghiện rượu. Chỉ vì công việc xã
giao nên Ba mới nhâm nhi một chút cho vui. Con không muốn mình bị mồ côi
vì khi Ba say ai biết có chuyện gì xảy ra với Ba của con.
Niềm vui của con là Ba tỉnh táo.
Với con Ba vẫn mãi là khung trời, là điểm tựa, là niềm tự hào và là cánh chim đưa con bay thật xa.
Dã Quỳ