WHĐ (06.02.2014) – Sáng thứ Ba 04-02-2014, Phòng Báo chí Toà Thánh đã tổ chức họp báo để giới thiệu Sứ điệp Mùa Chay 2014 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Chủ trì buổi họp báo là Đức hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Toà ThánhCor Unum. Hiện diện tại buổi họp báo còn có Đức ông Giampietro Dal Toso, Thư ký và Đức ông Segundo Tejado Muñoz,Phụ tá Thư ký Hội đồng Cor Unum, cùng với ông bà Davide Dotta và Anna Zumbo, thừa sai giáo dân tại Haiti.
Trước khi giới thiệu Sứ điệp, Đức hồng y Chủ tịch Cor Unum thông báo ngài sẽ đến thăm Haiti một lần nữa vào tháng Ba sắp tới, để khánh thành một trường học. Ngôi trường này do Đức Thánh Cha tài trợ để bày tỏ sự gần gũi của ngài với người dân Haiti, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất năm 2010.
Sau đó, Đức hồng y Sarah cho biết nội dung Sứ điệp Mùa Chay năm nay đặt trọng tâm vào sự khó nghèo, đặc biệt là cái nghèo của Chúa Kitô. Chủ đề của Sứ điệp trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô: “Người đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Người” (x. 2 Cr 8,9). Đây là chủ đề yêu thích của Đức Thánh Cha Phanxicô; ngay từ khi khởi đầusứ vụ giáo hoàng, ngài đã luôn nhấn mạnh đến chiều kích này của đời sống Kitô hữu. Quan niệm của Kitô giáo về khó nghèo không theo nghĩa thông thường, vốn chỉ xét đếnchiều kích xã hội học là thiếu thốn vật chất. Khái niệmGiáo hội nghèo cho người nghèo thường được nêu ra đểthách đố Giáo Hội, khi người ta đối chiếu đặc tính này với các đặc tính của Giáo hội như rao giảng, chân lý, cầu nguyện, bảo vệ tín lý và luân lý...
Điều đầu tiên Kitô hữu phải quy chiếu đến để hiểu được khó nghèo là gì là phải biết rằng Chúa Giêsu đã nên nghèo khó để chúng ta được nên giàu có nhờ sự khó nghèo của Ngài... Ngài đã chọn những người nghèo để chỉ cho chúng ta thấy rằng nghèo khó có một chiều kích tích cực, được diễn tả trong Tin Mừng với lời chúc “phúc cho những ai nghèo khó”. Chiều kích này bao hàm một sự từ bỏ, vì sự giàu có đích thực của Chúa Giêsu là phận làm Con Thiên Chúa. Đừng nghĩ rằng chúng ta có một lương tâm ngay chính khi mình cảm thấy xót xa vì người khác thiếu thốn vật chất hay khi chúng ta lên án một hệ thống làm phát sinhnghèo đói. Cái nghèo chạm đến con tim con người vì Chúa Con đã hạ mình để thi hành ý Chúa Cha hầu cứu giúp những người anh em mình đang khao khát ơn cứu độ.
Như thế người Kitô hữu đi vào tinh thần của cái nghèo và ân huệ vì họ đang giàu có bởi họ là con Thiên Chúa ... Đó là lý do tại sao Sứ điệp Mùa Chay này phân biệt rõ rệt cái nghèo và sự khốn khổ. Chúng ta không chống lại cái nghèo khó vốn là giá trị của Tin Mừng, nhưng chúng ta muốn đấu tranh diệt trừ sự khốn khổ ... Đức Thánh Cha phân biệt sự khốn khổ về vật chất, luân lý và tâm linh.
Khốn khổ vật chất là sống trong điều kiện không xứng với phẩm giá con người. Giáo hội giúp đỡ những người túng thiếu theo nghĩa này. Khốn khổ luân lý là nô lệ cho thói xấu và tội lỗi, có thể dẫn đến khốn khổ vật chất, và luôn đi đến chỗ khốn khổ tâm linh, đó là khi người ta xa rời Thiên Chúa, khước từ tình yêu của Ngài.
Một quan điểm rộng rãi như vậy về cái nghèo, về sự khốn khổ và sự trợ giúp của Giáo hội đối với các nạn nhân, giúp chúng tahiểu rõ con người với những nhu cầu của nó, mà không rơi vào sự giản lược về nhân học muốn giải quyết những vấn đề của con người với những giải pháp đem lại tiện ích về thể chất hoặc xã hội ...
Chọn lựa ưu tiên người nghèo phải là mối quan tâm đầu tiên của Giáo hội... Để không biến Giáo hội thành một tổ chức phi chính phủ, chúng ta hãy nhìn đến những ai đang thiếu thốn, không chỉ do nỗi khốn khổ về tâm linh - vốn thường ẩn chứa trong lòngmọi người và làm cho họ day dứt, dù họ có nhiều của cải... Và nếu chúng ta thực sự muốn hiểu được Sứ điệp của Đức Thánh Cha, đừng đọc Sứ điệp ấy theo ý nghĩa nhân học. Con người theo bản tính là con Thiên Chúa. Đó chính là sự giàu có của con người.
Sai lầm lớn nhất của nền văn hóa hiện nay là tin rằng con người có thể có hạnh phúc mà không cần Thiên Chúa. Như thế khi loại bỏ điều sâu thẳm trong con người, người ta chối bỏ điều liên kết con người với Chúa Cha là Đấng ban sự sống ... Đó là một tộiác, vì tước mất của người nghèo sự hiện diện của Thiên Chúa, mà cũng vì xem rằng con người có thể sống như thể Thiên Chúa không tồn tại, phủ nhận chiều kích thụ tạo và sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa.
(Theo VIS)