TÌM HIỂU SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Phần II: CÁC BÍ TÍCH
Bài 48. TRÂN TRỌNG SỰ SỐNG
“Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian” (Ga 16,21). Trong diễn từ Từ Biệt, Chúa Giêsu vận dụng kinh nghiệm sinh nở của phụ nữ để cung cấp cho các môn đệ một hình ảnh sống động về “Giờ” mà Người và các môn đệ đang trải qua trước cuộc Khổ nạn. Đau buồn và mừng vui, khổ sở và hạnh phúc rất gần nhau. Thập giá và Phục sinh cũng giống như nỗi đau và niềm vui khi sinh con.
Sự lạ lùng trong việc sinh nở cũng cho thấy sự lạ lùng của việc “tái sinh” trong ân sủng (Tit 3,5). “Niềm vui vì có một con người sinh ra trong cuộc đời” khiến chúng ta ngỡ ngàng. Không ai đến trong cuộc đời này mà không qua con đường thụ thai và sinh nở. Mọi người đều là con của một bậc cha mẹ, dù họ bất toàn chăng nữa, và không ai thấy ánh sáng trong thế giới này mà lại không có một người mẹ chăm sóc và sinh hạ.
Tuy nhiên trong tiến trình hết sức tự nhiên này, điều kỳ lạ là một con người, một nhân vị độc đáo, được Thiên Chúa tạo dựng và yêu thương tự ngàn đời, nay được sinh hạ. Linh hồn thiêng liêng bất tử làm cho một con người là một nhân vị, linh hồn ấy được Thiên Chúa tạo dựng vào chính thời điểm sự sống bắt đầu (GLHTCG số 366).
Trách nhiệm thông truyền sự sống, một trách nhiệm hết sức nghiêm túc, làm cho đôi phối ngẫu thành “những người cộng tác tự do và có trách nhiệm với Đấng Tạo Hóa” (Thông điệp Sự Sống Con Người). Không có một hành vi nhân linh nào, qua đó con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa cách trực tiếp và huyền nhiệm cho bằng hành vi thông truyền sự sống. Như Đức Chân phước Gioan Phaolô II nói: “Ở khởi điểm của mọi con người đều có hành động tạo dựng từ phía Thiên Chúa. Không ai bước vào cuộc đời này do may rủi, nhưng luôn luôn là mục đích của tình yêu tạo dựng nơi Thiên Chúa”. Chính tầm nhìn vĩ đại nhưng cũng rất thực tiễn này giúp chúng ta hiểu điều gì đang diễn ra trong hành vi thông truyền sự sống: “Từ chân lý nền tảng này của đức tin và lý trí, chúng ta hiểu rằng năng lực sinh sản đã được ghi khắc trong tính dục của con người… là sự cộng tác với năng lực tạo dựng của Thiên Chúa”.
Dù có những tranh cãi về thông điệp Sự Sống Con Người, thì điểm cốt lõi – tức là mối liên hệ nội tại giữa sự kết hợp trong tình yêu và sự thông truyền sự sống – chỉ có thể hiểu được ở mức độ sâu thẳm nhất trong viễn tượng này, đó là tình yêu hôn nhân luôn gắn với sự sinh sôi nảy nở, cho dù vì những lý do thể lý hoặc vì muốn sinh con có trách nhiệm (số 1654, 2368), hành động yêu thương ấy không dẫn đến việc thông truyền sự sống. “Chúng ta là một vì tình yêu làm cho nên một; chúng ta là hai vì tình yêu bày tỏ sự kính trọng; chúng ta là ba vì tình yêu vượt lên trên chính nó”, cha Moliné viết như thế và thật đáng suy nghĩ.
ĐHY Christoph Schönborn