Kon Tum – Hàng ngàn người dân tộc Kinh, Jarai, BaNa, Sê Đăng, Rơ Ngao, Striêng, Duan…từ các buôn làng đã đổ về khu vực sân trước nhà thờ Chính tòa Giáo phận Kon Tum lúc 19 giờ 30, thứ Tư 13.11.2013, để cùng với vị chủ chăn Giáo phận là Đức cha Micae, quý linh mục, tu sĩ, quý khách mời trong và ngoài Giáo phận tham dự chương trình diễn nguyện nhân ngày kỷ niệm các biến cố lớn của Giáo phận.
Cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum, trưởng Ban tổ chức cho biết ngay từ đầu chương trình: “Đêm diễn nguyện với chủ đề ‘Việc Chúa Làm Cho Ta’, nhân dịp kỷ niệm 165 năm truyền giáo tại Tây Nguyên, 100 năm xây dựng nhà thờ Chính Tòa, 80 năm thành lập Giáo phận Kon Tum và 10 năm Đức cha Micae, vị Giám mục đương nhiệm được Đức Thánh Cha bổ nhiệm coi sóc Giáo phận”.
Đêm diễn nguyện kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ không mang tính trình diễn, nhưng như lời cha Giuse Trần Sĩ Tín, một vị thừa sai dòng Chúa Cứu Thế đã có hơn 40 năm truyền giáo tại Tây Nguyên nói: “Chúng ta nhớ về cội nguồn, cám ơn tổ tiên, tạ ơn Thiên Chúa” trong bầu khí cầu nguyện. Với 9 hoạt cảnh, xen kẽ mỗi hoạt cảnh là một đại diện dâng lời cầu nguyện theo chủ đề hoạt cảnh vừa diễn ra, sau đó có một bài hát với điệu múa, cồng chiêng phụ họa.
Trước đó, lúc 17 giờ 30, tại ngôi nhà nguyện trước đây của Đại chủng viện thừa sai Kon Tum trong khu vực Tòa Giám Mục, Đức Cha Micae, đại diện các linh mục, tu sĩ, chủng sinh, các Yao Phu, Koh Khun, cựu chủng sinh chủng viện Kon Tum (CVK) đã dâng hương tưởng niệm trước hài cốt các Giám mục, linh mục, tu sĩ đã qua đời tại Giáo phận Kon Tum.
Chương trình đêm diễn nguyện có 9 hoạt cảnh, được sắp xếp theo từng giai đoạn truyền giáo: Nhà truyền giáo được sai đi với những khó khăn gian khổ, rồi những hoa trái đầu tiên là có người theo Đạo và đến giai đoạn “người Jarai rủ nhau vào đạo” cho đến giai đoạn hiện nay của Giáo Phận. Bài ca Manificat của Đức Maria được dùng làm bài hát sau mỗi hoạt cảnh, nhưng kèm theo bài hát này là những vũ điệu múa phụ họa khác nhau của từng giáo xứ, dòng tu thể hiện nét văn hóa các dân tộc đang sinh sống tại vùng Tây Nguyên.
“Người Cao nguyên chờ đợi” là hoạt cảnh khai mạc chương trình đêm diễn nguyện. Hoạt cảnh nói về nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống tại vùng Tây Nguyên, trước khi các nhà truyền giáo tới. Giáo xứ Kon Jơdred trình diễn hoạt cảnh này: Hàng chục người vào vai các gia đình: những ông bố bà mẹ, những chàng thanh niên, cô thiếu nữ, những em bé đang quốc đất, thu hoạch mùa màng, xay lúa, dệt vải và những điệu múa, tiếng trống, kèn, sáo trong các lễ hội. Tất cả làm nên một bức tranh sinh động về những sinh hoạt của các sắc tộc trên vùng đất Tây Nguyên. Theo lời người dẫn chương trình, “nhiều người dùng tiếng “người mọi” để chỉ các sắc tộc này với ý khinh thường, chậm phát triển, lạc hâu. Nhưng thực ra, các sắc tộc nơi đây có một truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú và những điều ấy đang chờ đợi hạt giống Tin Mừng để phát triển.
Hoạt cảnh thứ hai và ba mang tên “Ta sẽ sai ai đây” và “Kết nghĩa anh em”. Hai hoạt cảnh này diễn tả việc Đức cha Têphanô Cuénot Thể (1802-1861), vị Giám mục Đại diện Tông Tòa, cai quản Địa phận Đông Đàng Trong canh cánh làm sao có thể đem Tin Mừng cho các dân tộc đang sinh sống tại vùng rừng núi Tây Nguyên. Sau nhiều lần cử người đi đều thất bại, đến năm 1848 ngài đã sai thầy Do theo một con đường mới lên Tây Nguyên để loan báo Tin Mừng. Trước khi đi, thầy Do đã được Đức cha Cuénot Thể trao chức Phó tế. Sau đó thầy Do đóng vai làm nhà buôn, làm người giúp việc, rồi dần tiến vào vùng đất Tây Nguyên.
Biến cố thầy Sáu Do và những người đi với thầy gặp Bok Kiơm, (một tù trưởng khét tiếng hung dữ) và kết nghĩa anh em với vị này là một mốc quan trọng trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại vùng đất Tây Nguyên, bởi chính nhờ Bok Kiơm mà các nhà truyền giáo mới có thể đi xa, tiến sâu vào miền đất Tây Nguyên.
Kết thúc hoạt cảnh này, Đức viện Phụ dòng Xitô cầu nguyện: “Qua việc Bok Kiem kết nghĩa với thầy Sáu Do, bên ngoài có vẻ cụ ban ơn, nhưng bên trong có ơn soi sáng của Cha để nhờ cụ Tin Mừng của Cha đến với con cháu của cụ” Sau khi xem hoạt cảnh này, một số bạn trẻ thuộc Gx. Vinhsơn (Kon Tum) cho biết: “Lần đầu tiên bọn em biết đến câu chuyện thầy Sáu Do kết nghĩa với một tù trưởng có tên là Bok Kiơm”.
Các hoạt cảnh tiếp theo là “Đi gieo rưng rức khóc, về gặt rộn rã cười”, “Nông trang Rơhai”. Hai hoạt cảnh này nói về những kết quả đầu tiên của các nhà truyền giáo trên vùng đất Tây Nguyên: Năm 1852 cha Dourisboure ban Bí tích thanh tẩy cho một em bé người Xê Đăng, năm 1885 ngài ban Bí tích thánh tẩy cho ông Hmur, người Bahnar.
Hoạt cảnh tiếp theo là xây dựng nhà thờ Chính tòa Kon Tum, năm 1913 và thành lập Giáo phận Tông tòa Kon Tum, năm 1931.
Hai hoạt cảnh cuối cùng “Người Jarai rủ nhau vào Đạo”, nói về việc DCCT lên Tây Nguyên loan báo Tin Mừng cho người Jarai năm 1969, nhưng mãi đến năm 1988, năm Giáo hội phong thánh cho các tử đạo Việt Nam thì rất đông anh chị em Jarai gia nhập Đạo. Hoạt cảnh “Toàn cảnh Giáo phận Kon Tum năm 2013, nói về số dân Công giáo, các linh mục, tu sĩ của các dòng tu đang làm việc tại Giáo phận Kon Tum.
Chương trình diễn nguyện kết thúc vào lúc 23 giờ 30 với phép lành của Đức Giám mục Micae. Nhìn chung, các hoạt cảnh không “trau truốt”, nhưng sống động, công phu và diễn tả được những điểm cốt yếu về quá trình truyền giáo tại vùng đất Tây Nguyên. Ông Luyện đang sống tại Kon Tum đã theo dõi chương trình từ đầu đến cuối cho biết: “Chương trình diễn nguyện có tâm tình. Nội dung của chương trình thống nhất xuyên suốt và rất có ý nghĩa”. Cùng một tâm tình như ông Luyện, chị Xuân thuộc Gx. Tân Hương cho biết: “Các tiết mục đặc sắc, vì nói diễn tả được quá trình truyền giáo của các ngày xưa.”
PV.VRNs Kon Tum