2 thg 9, 2013

Trao, phong hay truyền chức linh mục (phó tế)?

Được đăng bởi: Unknown on 2 thg 9, 2013 | 2.9.13

Trao, phong hay truyền chức linh mục (phó tế)?

Nguồn:  dongten.net
 
Kính thưa quý độc giả, chúng tôi nhận được khá nhiều thắc mắc và ý kiến của một số độc giả về việc sử dụng các từ ngữ: "phong chức linh mục (phó tế)", "truyền chức linh mục (phó tế)" và "trao tác vụ linh mục (phó tế)". Nay chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị bài viết "Trao, phong, truyền?" do linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ gửi cho chúng tôi.

-------------

Stêphanô Huỳnh Trụ

Khi kết thúc khoá huấn luyện ở các đại chủng viện,  thường có những đợt truyền chức phó tế và linh mục. Nghi thức truyền chức thánh thường được cử hành trong thánh lễ, nên lễ ấy được gọi là thánh lễ truyền chức. Đề cập đến các thánh lễ này, chúng ta thấy có nhiều cách nói khác nhau: Lễ truyền chức, lễ phong chức, lễ trao thừa tác vụ. Vậy giữa ba động từ: truyền, phong và trao, từ nào phù hợp hơn?

Cách nay 9 năm, đã có một cuộc bút chiến trên các trang mạng khởi đi từ bài viết của tác giả Võ Lý có tựa đề là “Hội chứng quyền lực”[1], sau đó mở ra một cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề “Tại sao gọi các linh mục là cha? ”[2]. Trong cuộc bút chiến ấy, có một số bài viết đề cập đến vấn đề “Chức linh mục là chức thánh hay thừa tác vụ? ”. Hai thuật từ “chức” (ordo) và “thừa tác vụ” (ministerium) đã được linh mục PX. Ngô Tôn Huấn và Mat. Nguyễn Khắc Hy giải thích cặn kẽ[3]. Lm. Cao Phương Kỷ cũng đã nhận xét[4]: “Việc dùng cụm từ ‘Lễ truyền chức (thánh)’ đã dùng trong tiếng Việt và các tiếng khác như Anh, Pháp là đúng với Sách Giáo Lý, số 1538. Tại Việt Nam, 10 năm nay đổi tên là “Lễ trao tác vụ” (ministry), thì xin hỏi: Việc thay đổi đó có được phép của Toà Thánh, của Bộ Phụng Tự không? Và năm nào cho phép đổi để có thể kiểm chứng”.

Vài năm sau, khi trả lời câu hỏi: “Trong Giáo hội có nghi thức nào gọi là trao tác vụ phó tế, linh mục và giám mục không? ” Cha Huấn khẳng định rõ: “Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố cho áp dụng trong toàn Giáo hội sách Nghi thức mới qua Tông thư ngày 15-8-1972. Sách Nghi thức này đã qui định:
1- Nghi thức trao thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ (Institution of readers and acolytes).
2- Nghi thức truyền chức phó tế (Ordination of a deacon).
3- Nghi thức truyền chức linh mục (Ordination of a priest).
4- Nghi thức truyền chức giám mục (Ordination of a bishop).

Như vậy, không có nghi thức nào gọi là ‘Nghi thức trao tác vụ phó tế, hay linh mục’ trong Giáo hội La tinh cả”[5].
Trong bài này, chúng tôi không bàn tới vấn đề chức linh mục là chức thánh hay thừa tác vụ nữa, vì tôi đã có một bài viết về chức và thừa tác vụ[6].
Ở đây, chúng tôi chỉ muốn tìm hiểu ý nghĩa của các động từ trao, phongtruyền trong các cách nói liên quan đến bí tích truyền chức thánh mà thôi.

1. Nghĩa của chữ trao, phongtruyền.
1.1. Trao: Tiếng Nôm, có ba chữ: 掉, 𢭂, 搔. Có hai chữ đều có cùng một nghĩa, là 𢭂, 搔, nhưng chữ搔có thể lẫn với chữ Hán (nghĩa là gãi, cào), nên dùng chữ 𢭂 tốt hơn. Chữ này nghĩa là (đt.) (1) Đưa tận tay cho ai vật gì: Trao thư; (2) Chuyển vật của người này sang người khác: Trao đổi hàng hoá; (3) Nghĩa rộng: Giao phó cho: Trao quyền lãnh đạo.

1.2. Trao chức: Trao, theo nghĩa rộng, giao phó chức vụ cho.


1.3. Phong: Có nhiều chữ Hán: 風 (风), 鋒 (锋), 峰, 峯, 豐 (丰), 豊, 封, 楓 (枫), 蜂, 蠭, 烽, 犎, 瘋 (疯), 酆, 葑, 渢 (沨), 灃 (沣), 碸 (砜), 丯, chữ đang nói là chữ封. thuộc loại chữ hội ý. chữ Kim Văn bên trái là hình cây mọc trên đất (thổ), biểu tượng bồi đất trồng trọt, nguyên nghĩa là ranh giới. Chư hầu được phong tước thì được cấp đất. Từ cách diễn tiến của chữ cũng thấy được nghĩa đó:

Giáp cốt văn chỉ là cây cối, bắt đầu từ chữ Kim văn, bên trái của chữ là cây mọc trên đất, bên phải là chữ thủ (tay). Chữ này nghĩa là: (dt.) (1) Bờ cõi: Phong cương (cương giới). (2) Mộ mã: Phong thực. (4) Một hình thức chế xưa : Phong kiến. (3) Đống: Tích mì thành phong (tích trữ mì thành một đống). (5) Họ Phong. (đt.) (6) Vua ban tước lộc và đất đai cho bầy tôi: phong hầu. (7) Vua ban vinh hàm cho bố mẹ những người có quan chức: Làm lễ sinh phong. (8) Đắp đất cao lên: Phong phần (đắp mã). (9) Giàu có: Tố phong (vốn giàu). (10) Bì thư: Tín phong (phong thư). (11) Giới hạn: Cố bộ tự phong: (Tự giới hạn mình trong lối cũ). (12) Đóng lại / bao vây: Phong toả. (13) Kiểm tra niêm phong: Tra phong. (14) Thiên tử xây đàn tế Trời.  (tt.) (15) To lớn. (loại từ) (16) Lá, bức, số lượng của những vật được gói lại: Nhất phong thư (một lá thư). Nghĩa Nôm: (đt.) (1) Bọc: Phong gói quà. (dt.) (2) Vật được bọc: Phong bánh khảo.

1.4. Phong chức: Cấp trên ban cho cấp dưới chức vị và danh hiệu.
Trước khi xem xét thuật từ “phong chức”, thiết tưởng cần nhắc lại ở đây tính chất đặc thù của chức linh mục:
Cả hai Công Đồng Trentô và Vaticanô II đều khẳng định chức linh mục là một bí tích ghi “ấn tín” (character) đặc biệt và trường tồn. Bí tích, ân sủng và ấn tín là ba từ ngữ căn bản chung cho cả hai Công Đồng. Công Đồng Trentô lên án những ai quan niệm chức linh mục như một quyền bính tạm thời, và có thể trở thành giáo dân nếu không thi hành tác vụ nữa (x. DZ 964). Vaticanô II xác nhận: “Chức linh mục, tuy đòi hỏi phải có những bí tích khai sinh đời sống Kitô Giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt” (LM 2). Cả hai Công đồng đều quan niệm chức linh mục như một hồng ân đặc biệt Chúa ban (gratia ministerii), không phải ai cũng có được.
Một trong những hệ luận tu đức rút ra từ “ấn tín” là cho phép hiểu chức thánh như là một tước vị được Chúa ban cho, như lời bài hát “Từ ngàn xưa”: “Từ bụi tro Chúa nâng con lên hàng khanh tướng, và gọi con là bạn nghĩa thân tình”. Vì thế mà chúng ta dùng chữ “phong chức”.

Tuy nhiên, một hệ luận rất quan trọng rút ra từ giáo huấn của Công đồng Vaticanô II về “ấn tín” của bí tích truyền chức thánh là nêu rõ chức năng đặc thù của linh mục trong Giáo hội, đó là “ut in persona Christi Capitis agere valeant: thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động” (LM 2). Linh mục là dấu chỉ của Đức Kitô, Đầu của Hội thánh. Linh mục không chỉ là người chủ sự Thánh Thể nhân danh Đức Kitô, mà còn là đầu trong toàn bộ sứ vụ. Sứ vụ làm đầu này không do phép rửa, nhưng do “bí tích riêng in dấu đặc biệt”. Đó là điều khác biệt căn bản nhất giữa linh mục và Kitô hữu giáo dân.

Trong chiều hướng này, chúng ta cũng cần lưu ý: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng: “Chức tư tế thừa tác là để phục vụ cho chức tư tế do phép rửa” (GLHTCG số 1120). Do đó, nếu không có chức tư tế chung, thì không thể có chức tư tế thừa tác hoặc chức tư tế thừa tác không có lý do gì để tồn tại. Và vì thế, sẽ không đúng, nếu bảo rằng giáo dân phải phục vụ giáo sĩ (như người ta quen nói từ những thế kỷ đầu tiên cho đến thời gian gần đây, trong một nền Giáo hội học hình tháp); hoặc bảo rằng giáo sĩ phải phục vụ giáo dân (như đôi khi nghe được từ những người đề xuất một nền Giáo Hội học dân chủ). Đúng ra, chúng ta phải nói rằng cả giáo dân lẫn giáo sĩ đều phục vụ, một cách bình đẳng, cho thực tại căn bản là chức tư tế do phép rửa. Như vậy, hệ quả là cả giáo dân lẫn giáo sĩ đều đủ tư cách để thực thi những việc phục vụ trong Giáo Hội, những việc không đòi hỏi bí tích truyền chức thánh (thực ra, rất ít nhiệm vụ quan trọng trong việc quản lý Giáo hội đòi hỏi dứt khoát phải có chức thánh).

1.5. Truyền. Chỉ có hai chữ là傳 (传) và 伝, trong thuật từ truyền chức là chữ傳. Truyền(傳) thuộc loại chữ hình thanh, có bộ nhân (亻) và chữ chuyên (專). Thời xưa, chuyên là mảnh tre dùng khắc chữ để ghi nhớ, chuyên (專) còn có nghĩa là sứ giả tống đạt lệnh truyền. Chữ truyền có những diễn tiến như sau:
Truyền cnghĩa là (dt.) (1) Một trong những tiểu thuyết hay kịch cổ điển: Truyền kỳ. (2) Họ Truyền. (đt.) (3) Chuyển từ người này đến người khác, đời này đến đời khác, cho kế thừa: Gia truyền. (4) Chuyển dịch: Truyền cầu (chuyển banh). (5) Dạy: Truyền đạo, truyền nghề. (6) Giúp lan tràn: Truyền bá. (7) Biểu hiện: Mi mục truyền tình (con mắt đưa tình). (8) Gọi ra toà: Truyền phiếu. (9) Sai người báo: Truyền kiến (truyền cho vào yết kiến). (10) Từ từ lan ra: Truyền nhiễm. (11) Tiếp dẫn: Truyền máu.

1.6. Truyền chức: Chúa Giêsu là linh mục đời đời, Chúa Giêsu cho con người chia sẻ chức linh mục của Ngài, hay đúng hơn, Chúa Giêsu thông truyền chức linh mục cho các tông đồ, các tông đồ lại thông truyền cho thế hệ sau. Truyền chính là cho kế thừa, chuyển thông cái bên trong của người này sang người khác. Nên giám mục thông ban chức linh mục cho ứng viên linh mục chính là “truyền chức linh mục”.

2. Kết luận.
Khi muốn chọn một mục từ, thì không những cần phải hiểu được ý nghĩa của thuật từ đó, mà còn phải tìm hiểu ý nghĩa của công việc hay sự vật mà ta muốn diễn tả. Như trường hợp ban “Bí tích truyền chức thánh” thì nên hiểu nội dung của chức thánh, và tìm hiểu ý nghĩa của từng thuật từ. Ở đây, thiết nghĩ thuật từ “Truyền chức linh mục hay phó tế” thì đúng hơn.

Bài viết do linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ gửi cho chúng tôi và bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, quản xứ giáo xứ thánh Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam) TGP. Sài Gòn.

(*) Chúng tôi đã lược bớt một số chi tiết

[1] Bài đăng trên Nguyệt San Dấn Thân (Houston, Texas) số 7 tháng 12, năm 2003.
[2] Chúng tôi đã có dịp đề cập trong bài viết “LINH MỤC, CHA” (đăng trên BGCN, số tháng 9/2009).
[3] Xin đọc bài: “BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO” của Lm. PX. Ngô Tôn Huấn tại http://danchuausa.net/print.php?id=song-dao/bi-tich-truyen-chuc-thanh-cua-giao-hoi-cong-giao/) và bài “TẠI SAO GỌI LÀ CHỨC LINH MỤC?” của Lm. Mat. Nguyễn Khắc Hy tại http: //www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/LinhMuc/59TaiSaoGoiLaLM. htm. Và chúng tôi cũng đã có bài “THỪA TÁC VỤ, THỪA TÁC VIÊN” đăng trong Bài giảng Chúa nhật số 05/2009.
[4] Xin đọc bài: “NHẬN ĐỊNH VỀ QUYỀN BÍNH TRONG GIÁO HỘI, CHỨC THÁNH CỦA LINH MỤC, VÀ DANH XƯNG CHA-CON” tại: http: //www. conggiaovietnam. net/index. php? m=module2&v=detailarticle&id=61&ia=5759.
[5] Xin đọc bài: “CÓ NGHI THỨC NÀO GỌI LÀ TRAO “TÁC VỤ PHÓ TẾ VÀ LINH MỤC” KHÔNG?” của Lm. PX. Ngô Tôn Huấn, tại http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=30&ia=772.
[6] Bài Giảng Chúa Nhật, số 7/2012.