HUẤN TỪ VỀ TÁC VỤ GIÁM MỤC CỦA Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ
“Giám mục là một con người của sự hiệp thông, một con người của sự hiệp nhất”, đó là điều Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ đã lưu ý các vị giám mục (khoảng 120 vị) vừa mới được phong chức tề tựu trong một khóa bồi dưỡng tại Rôma, ngày 19 tháng 9 năm 2013 vừa qua. Đức Giáo Hoàng cảnh báo các giám mục phải cảnh giác với nguy cơ mắc vào thứ bệnh chỉ biết lợi dụng nghề nghiệp của mình để thăng quan tiến chức (le carriérisme) và chỉ rõ ba tiêu chí để giúp biện phân : “đón tiếp cách nhã nhặn”, “đồng hành với đoàn chiên”, “ở lại với đoàn chiên của mình”.
Cách đặc biệt, Đức Giáo Hoàng mời gọi các giám mục “hãy thương yêu anh em linh mục”, “hãy luôn hiện diện trong giáo phận của mình” và hãy “khiêm tốn”, “hãy yêu thương lối sống khắc khổ” (“l’austérité”) và “hãy tập trung vào những điều cốt yếu” (“l’essentialité”).
HUẤN TỪ CỦA Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ
Thánh Vịnh nói với chúng ta : “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau !” (Tv 132, 1).
Tôi nghĩ rằng đó là sự thật mà anh em hẳn đã kinh qua trong những ngày này tại Rôma, khi sống kinh nghiệm của tình huynh đệ nầy với nhau : tình huynh đệ tăng lên nhờ được liên kết với nhau trong tình bạn hữu, nhờ được biết nhau, được chung sống với nhau, nhưng nhất là nhờ những sợi dây kết nối hiệp thông trong giám mục đoàn với nhau và với giám mục Rôma, do bí tích mang lại. Ước gì thực tại “chỉ có một thân mình” mà anh em đã tạo ra được hướng dẫn anh em trong công việc hằng ngày và khiến anh em phải luôn tự hỏi mình : “Phải sống tinh thần liên đới và cộng tác giữa anh em giám mục với nhau như thế nào đây ? Phải là những người kiến tạo sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội mà Chúa đả trao phó cho tôi như thế nào đây ? Giám mục là một con người của sự hiệp thông, một con người của sự hiệp nhất, “nguyên lý hữu hình và là nền tảng của sự hiệp nhất” (Vat. II, Lumen gentium, 23).
Anh em thân mến trong hàng giám mục, tôi xin chào tất cả anh em, từng người một, các giám mục latinh cũng như đông phương : anh em đã chứng tỏ cho thấy Giáo Hội của chúng ta quả là phong phú và đa dạng biết bao ! Tôi chân thành cảm ơn Đức Hồng Y Marc OUELLET, Tổng trưởng Bộ các Giám Mục, vì những lời chào đẹp đẽ mà ngài đã tỏ bày với tôi, nhân danh cả anh em nữa, và vì đã tổ chức những ngày nầy, những ngày mà trong đó anh em là những khách hành hương đến bên mộ Thánh Phêrô để củng cố thêm sự hiệp thông, để cầu nguyện và để suy tư về tác vụ của mình. Cùng với ngài, tôi cũng xin chào Đức Hồng Y Leonardo SANDRI, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Đông Phương, và Đức Hồng Y Luis Antonio TAGLE, Tổng Giám mục Manila, cũng như Đức Cha Lorenzo Baldisseri, người thợ không biết mệt mỏi trong việc kiến tạo nên những biến cố nầy.
“Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em : lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.” ( 1 Pr 5, 2). Ước gì những lời nầy của Thánh Phêrô được ghi khắc trong trái tim của anh em ! Chúng ta được gọi và được thánh hiến để là những mục tử, không phải là những mục tử do mình tự đặt lên, mà là do chính Chúa chọn gọi, và không phải là để được phục vụ mà là để phục vụ đàn chiên đã được trao phó cho chúng ta, để phục vụ cho đến mức trao hiến cả mạng sống mình như Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành (xem Ga 10, 11).
Khi nói “chăn chiên là thường xuyên và ngày ngày chăm sóc các con chiên của mình” (Vat. II, Lumen gentium, 27), điều đó có nghĩa là gì ? Có 3 tư tưởng ngắn gọn. Chăn chiên có nghĩa là đón tiếp chiên cách nhã nhặn, cùng đồng hành với đàn chiên, ở lại với đàn chiên. Đón tiếp, đồng hành, ở lại.
1- Đón tiếp cách nhã nhặn. Ước gì trái tim anh em bao la đủ để có thể đón tiếp tất cả mọi người nam cũng như tất cả mọi người nữ mà anh em sẽ gặp gỡ trong suốt những ngày đời của anh em, và mà anh em sẽ đi tìm kiếm trên những nẻo đường trong các xứ đạo và trong mỗi cộng đoàn mà anh em phục vụ. Ngay từ bây giờ, anh em hãy tự hỏi : những người sẽ đến gõ cửa nhà tôi, họ sẽ làm thế nào để tìm ra được cửa ? Nếu họ tìm thấy cửa mở, thông qua cung cách tiếp đón chân tình và cởi mở của anh em, hẳn họ sẽ cảm nghiệm được tâm tình phụ tử của Thiên Chúa và họ sẽ hiểu ra rằng Giáo Hội vốn là một người mẹ hiền luôn nghênh đón và yêu thương tất cả mọi đứa con của mình.
2- Cùng đồng hành với đàn chiên. Đón tiếp nhã nhặn, cùng đi. Đón tiếp tất cả mọi người để cùng đi với họ. Giám mục đồng hành với và trong đàn chiên của mình. Điều đó muốn nói lên rằng phải cùng lên đường với các tín hữu của mình và với tất cả những ai sẽ tìm đến với anh em, bằng cách chia sẻ những niềm vui và những niềm hy vọng của họ, những khó khăn và những đau khổ của họ, như những người anh em và như những người bạn hữu, nhưng còn hơn thế nữa, như những người cha có thể lắng nghe, có thể hiểu, có thể giúp đỡ, có thể hướng dẫn. Đồng hành chung đòi phải có tình yêu, và công việc phục vụ của chúng ta là một thứ phục vụ của tình yêu, điều mà Thánh Augutinô gọi là amoris officium (In Io. Ev. Tract. 123, 5 : PL 35, 1967).
a- Và trong hành trình nầy, tôi muốn nhắc nhỡ anh em về tình yêu thương đối với các linh mục của anh em. Các linh mục là người gần gũi trước nhất của anh em; linh mục là kẻ lân cận đầu tiên của giám mục – hãy yêu thương người lân cận, thế mà người lân cận đầu tiên của anh em đó là linh mục - , người cộng tác viên không thể thiếu, người mà anh em cần phải tìm kiếm ở đấy lời khuyên và sự giúp đỡ, người mà anh em cần săn sóc trong vai trò như một người cha, một người anh em và một người bạn. Giữa những nhiệm vụ hàng đầu mà anh em phải có, đó là phải lo toan cho đời sống thuộc linh của linh mục đoàn, nhưng đừng quên những nhu cầu nhân bản của từng người một trong họ, nhất là trong những khoảnh khắc tế nhị và quan trọng trong tác vụ và trong đời sống của họ. Thời giờ mà anh em bỏ ra cho các linh mục của mình không bao giờ mất đi ! Anh em hãy đón tiếp các linh mục của mình khi họ tỏ bày muốn được gặp anh em; anh em đừng bao giờ bỏ qua một cú gọi nào của anh em linh mục mà không được trả lời. Khi giảng phòng cho các linh mục, tôi thường nghe các linh mục nói – tôi chẳng biết có thực đúng hay không, nhưng trong đời mình tôi vẫn thường nghe điều đó – “Mẹ kiếp ! Tớ đã gọi cho Đức Giám Mục nhưng thư ký của ngài nói với tớ ngài không có thời giờ để tiếp tớ !”. Và điều đó cứ tiếp diễn tháng này qua tháng nọ. Tôi chẳng biết điều đó có đúng thực như vậy chăng. Nhưng, nếu một vị linh mục gọi cho giám mục của mình, cùng ngày đó, hay cùng lắm là ngày hôm sau, mà có một cuộc mạn đàm ngắn ngủi như thế này diễn ra thì tốt biết bao : “Tôi nghe đây, cha muốn gì ? Ngay bây giờ đây, tôi chưa thể tiếp cha được, nhưng chúng ta sẽ cố gắng tìm ra một cái hẹn”. Xin anh em, hãy làm sao để vị linh mục đó cảm thấy được rằng cha ngài đang trả lời cho ngài. Nếu không, vị linh mục đó có thể nghĩ : “Mẹ kiếp, ông giám mục nầy cũng chẳng hơn gì mình; đó không phải là một người cha, mà chỉ là một ông thủ trưởng !” Anh em hãy nghĩ kỹ điều đó. Đây mới là một quyết định tốt : khi có một anh em linh mục gọi tới, nếu ngay ngày hôm đó không thể trả lời được, thì hãy trả lời ít ra là ngay ngày hôm sau. Và rồi xem xem khi nào thì có thể gặp gỡ ngài. Hãy không ngừng gần gũi và thường xuyên tiếp xúc với các anh em linh mục của mình.
b- Và rồi hãy thường xuyên hiện diện trong giáo phận của mình. Trong bài giảng trong Thánh lễ truyền dầu năm nay, tôi đã có nói rằng các mục tử phải mang trong mình “hơi hướm của các con chiên của mình”. Anh em hãy là những mục tử mang hơi hướm đàn chiên của mình, hãy hiện diện giữa dân của mình như Đức Giêsu, vị Mục Tử Nhân Lành. Sự hiện diện của anh em không phải là điều gì thứ yếu mà là điều tuyệt đối không thể không có. Hiện diện ! Chính dân chúng đòi hỏi điều đó, họ muốn thấy vị giám mục của mình đồng hành với họ, gần gũi với họ. Dân chúng cần vị giám mục của mình để sống và để hít thở ! Anh em đừng khép kín mình lại ! Anh em hãy đi xuống giữa các tín hữu của mình, kể cả nơi những vùng ngoại biên của các giáo phận của mình, và nơi tất cả “những hiện sinh ngoại biên” nơi vẫn còn tồn tại khổ đau, cô đơn, nơi mà có những con người không còn là người. Hiện diện mục vụ có nghĩa là đồng hành với dân Thiên Chúa : đó là đi trước để chỉ đường, chỉ lối; đi ở giữa để giúp dân tăng cường sự hiệp nhất; đi sau, hoặc là để không ai bị lọt lại đàng sau, nhưng nhất là để nghe ngóng học hỏi nơi dân Thiên Chúa hầu có thể tìm ra được những con đường mới mẻ. Một giám mục sống giữa các con chiên của mình mới có được đôi tai có khả năng nghe ngóng được “điều mà Thần Khí muốn nói với các Giáo Hội” (Kh 2, 7) và mới có khả năng nghe được “tiếng nói của đàn chiên”, ở đây còn phải kể vai trò của các tổ chức cấp giáo phận vẫn đang nỗ lực cố vấn cho giám mục của mình, nhờ đó tạo ra được một bầu khí đối thoại thẳng thắn và xây dựng. Người ta không thể tưởng tượng được một vị giám mục mà lại không có những cơ cấu tổ chức cấp giáo phận : như Hội đồng linh mục, Ban tư vấn, Hội đồng mục vụ, Hội đồng kinh tế tài chánh. Điều đó muốn nói lên rằng đúng là người ta đang ở với dân mình. Sự hiện diện mục vụ như thế sẽ cho phép anh em cách ngọn nguồn biết được nền văn hóa, những thói quen, những tập tục, biết được gia sản thánh thiện phong phú nơi vùng đất mà anh em đang phục vụ. Hãy dìm mình vào trong đàn chiên của mình !
c- Và nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm điều nầy : đó là ước gì cung cách phục vụ đàn chiên của anh em là cung cách khiêm tốn, hẳn tôi cũng muốn nói về lối sống khắc khổ của thập giá (de l’austérité), và về lối sống tập chú vào những điều cốt yếu của Tin Mừng (de l’essentialité). Tôi xin anh em, chúng ta khác, là những mục tử, chúng ta đừng là những con người “mang tâm lý của những ông hoàng” - xin lỗi anh em – đừng là những con người tham vọng, đứng núi nầy trông núi nọ, đã là hôn phu của Giáo Hội nầy mà vẫn còn mơ mòng một Giáo Hội khác đẹp hơn và giàu có hơn. Nhưng như thế quả thật là gây gương mù gương xấu ! Nếu có một người nào đó đến xưng tội với anh em và thưa : “Thưa Cha, con đã có vợ, con vẫn đang sống với vợ con, nhưng con vẫn cứ mãi miết nhìn ngắm một người phụ nữ khác đẹp hơn vợ con : đó là một tội phải không, thưa Cha ?” Tin Mừng nói : đó là tội ngoại tình. Liệu có có một thứ tội ngoại tình thuộc linh” ? Tôi cũng chẳng biết nữa, anh em hãy suy nghĩ kỹ về điều đó thử xem. Đừng cứ ở trong tâm trạng đợi chờ một Giáo Hội khác đẹp hơn, có tầm vóc quan trọng hơn, giàu có hơn. Anh em hãy cảnh giác đừng sa vào tinh thần chỉ biết lợi dụng nghề nghiệp của mình để được thăng quan tiến chức (l’esprit de carriérisme) ! Đó là một tai họa ! Chúng ta là những thầy dạy và là những nhà giáo dục con dân chúng ta không chỉ bằng lời nói mà còn và nhất là bằng chứng tá cụ thể của đời sống chúng ta. Loan báo niềm tin đòi phải có sự tương ứng giữa đời sống và điều mà người ta giảng dạy. Sứ vụ và đời sống không thể tách rời nhau (xem Gioan-Phaolô II, Pastores gregis, 31). Đây là một câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra cho mình mỗi ngày : Liệu điều tôi đang sống có phù hợp với điều tôi đang giảng dạy ?
3- Đón tiếp, đồng hành. Và yếu tố thứ ba cũng là sau cùng : ở lại với đàn chiên của mình. Liên quan đến sự ổn định, có hai khía cạnh cần minh định rõ : “ở lại” trong giáo phận của mình, và ở lại trong giáo phận “nầy”, như tôi đã nói, không tìm cách thay đổi hay để được thăng quan tiến chức. Người ta không thể biết được đàn chiên của mình, cách đích thực, trong tư cách là những mục tử, cũng không thể đi trước, đi giữa hay đi đàng sau đoàn chiên, cũng không thể chăm sóc đàn chiên qua việc giảng dạy, qua việc cử hành các bí tích và chứng tá đời sống, nếu như người ta không ở lại trong giáo phận của mình. Theo nghĩa nầy, công đồng Triđentinô vẫn còn rất hợp thời : sự thường trú (la résidence). Thời đại chúng ta cho phép chúng ta dễ dàng đi du lịch, dễ dàng di chuyển từ chỗ nầy qua chỗ nọ, đó là thời đại mà người ta có thể tương quan được với nhau rất nhanh, thời đại internet. Nhưng, qui luật thường trú ngày xưa không vì thế mà đã trở nên lỗi thời ! Qui luật thường trú vẫn còn rất cần thiết cho việc có thể có được một cung cách điều hành mục vụ tốt (Directoire Apostolorum Successores, 161). Đã hẳn, vì nhu cầu đối với các Giáo Hội khác và Giáo Hội hoàn vũ, người ta có thể vắng mặt khỏi giáo phận của mình, nhưng mong rằng điều đó chỉ diễn ra trong một thời gian nào đó thôi, chứ không nên trở thành như một thói quen thường hằng. Như anh em thấy đấy, qui luật thường trú không chỉ nhằm mục đích có được một cơ cấu tổ chức tốt, đó không phải là một yếu tố liên quan đến chức năng; qui luật thường trú còn có những cội rễ căn cơ thuộc về lãnh vực thần học nữa. Anh em là hôn phu của cộng đoàn của anh em, cách sâu xa liên kết với cộng đoàn đó ! Tôi xin anh em vui lòng ở lại giữa đoàn dân của anh em. Ở lại, ở lại…Anh em hãy tránh gương mù gương xấu khi trở thành điều mà người ta gọi cách mĩa mai là “những giám mục lữ hành” (nguyên văn : “évêques d’aéroport” = những giám mục phi trường) ! Anh em hãy là những mục tử sẵn sàng đón tiếp tất cả mọi người, đồng hành với dân mình, trong yêu thương, với lòng thương xót, dịu dàng, và với sự kiên định của một người cha, khiêm tốn và kín đáo, cả luôn khả năng có thể nhìn ra được những giới hạn của mình, kèm theo khả năng có đầu óc hài hước hóm hĩnh vừa phải. Đó là một ân sủng mà chúng ta, các giám mục, cần phải cầu xin cho có được. Tất cả chúng ta đều cần phải cầu xin cho được ân sủng nầy : Lạy Chúa, xin cho con có được một chút đầu óc hài hước hóm hĩnh. Trước tiên, hãy tìm cho ra phương cách để tự cười chính bản thân mình, và sau đó cười một chút về các sự việc. Và rồi hãy cứ ở lại với đàn chiên của mình !
Anh em cộng sự thân mến, khi trở về với các giáo phận của mình, anh em hãy cho tôi gửi lời chào thăm đến tất cả mọi người, đặc biệt, các linh mục, những người nam và nữ đang sống cuộc đời thánh hiến, các chủng sinh, tất cả mọi tín hữu, tất cả những ai đang cần hơn sự gần gũi của Chúa.
Sự hiện diện của hai Đức Giám Mục đến từ Syria, như lời Đức Hồng Y OUELLET đã nói, một lần nữa thúc đẩy chúng ta cùng nhau cầu xin Thiên Chúa ban cho hòa bình. Hòa bình cho Syria, hòa bình cho vùng Trung Đông, hòa bình cho toàn thế giới ! Nếu được, cũng xin anh em cầu nguyện cho cả tôi nữa; phần tôi, tôi cũng cầu nguyện cho anh em. Tự đáy lòng mình, tôi chúc lành cho mỗi người trong anh em và cho các cộng đoàn của anh em. Cảm ơn.
Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG chuyển ngữ.
(Nguồn ZENIT, từ bản Pháp ngữ của Hélène GINABAT)
24 thg 9, 2013
HUẤN TỪ VỀ TÁC VỤ GIÁM MỤC CỦA Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ
Được đăng bởi: Unknown on 24 thg 9, 2013 | 24.9.13
Giáo Xứ Thánh Tâm:Mời các bạn tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài viết này. Đóng góp ý kiến, để trang nhà được hoàn thiện và phát triển hơn. Đóng góp ý kiến
Bài Liên Quan
Đăng nhận xét
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hôm nay:
Giờ Thánh Lễ
NGÀY CHÚA NHẬT:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 30.
- Thánh Lễ II: 9 giờ 30.
- Thánh Lễ III: 17 giờ 30.
NGÀY THƯỜNG:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 00.
- Thánh Lễ II: 17 giờ 30.
ĐC: 542 Hùng Vương - Pleiku - Gia Lai.