Em
Em gục đầu xuống bàn ăn, khóc nấc lên một cách tuyệt vọng. Thức ăn vương vãi. Con mèo len lén đến lượm một miếng thịt, ngơ ngác, rồi biến đi…
Tối hôm ấy chồng Em miễn cưỡng về ăn cơm nhà. Vợ chồng nói chuyện với nhau rời rạc như cơm nguội. Chồng Em lặng lẽ gắp một miếng thịt, bỏ vào miệng, nhằn nhằn ba cái, rồi lè ra, ném vào mặt Em: “Nấu ăn dở như c**.”.
Em ngồi chết trân. Chồng Em quay ngoắt một cái, dắt xe ra cổng, rồ máy, sang số cái rộp, rồi vọt đi. Chẳng biết đi đâu?
Em hận đời. Em hận mình.
1.
Từ hồi còn là bé thơ, Em đã mơ ước làm dì phước. Khi đã làm dì phước, Em lại mơ ước tận hiến cho cuộc đời của mình để phục vụ nhân sinh. Đời sống tu trì lặng lẽ trôi đi. Tham, sân, si vẫn còn đó, khi tỏ khi mờ. Nhưng tình của Chúa bao giờ cũng bao trùm tất cả.
Em là một nữ tu thông minh, đặc biệt giỏi về môn văn và ngoại ngữ. Em cảm thấy mình có hai ơn gọi song hành: ơn gọi tận hiến và ơn gọi phát huy tài năng của mình. Em không gặp may mắn. Ban lãnh đạo của Em chỉ quen đúc tượng theo khuôn, chứ không đủ khả năng làm khuôn cho những tác phẩm nghệ thuật mới . Em cảm thấy mình bị vong thân trong cái khuôn truyền thống ấy. Em đành bỏ ơn gọi tận hiến, để phát huy tài năng mà Chúa đã ban cho mình. Em bỏ dòng. Em vào đời. Đời không niềm nở với Em. Nền giáo dục khép kín và bảo thủ một thời đã biến Em thành con nai tơ, ngơ ngơ giữa thành phố. Hẫng!
2.
Em đã ngoài ba mươi. Ơn gọi làm mẹ hụ lên như tiếng còi báo động. Em thèm một đứa con, còn hơn người mù thèm ánh sáng. Nhìn cô gái láng giềng ngồi cho con bú, Em buồn tủi đến rơi lệ. Ơn gọi phát huy tài năng bây giờ tắt lịm dần đi như hơi thở của người đang hấp hối. Em thích lấy chồng, hơn là lấy bằng cử nhân. Hoàng đã đến với Em trong thời điểm ấy.
Hoàng cầu hôn với Em mà không cần suy nghĩ nhiều, vì chàng đã quá mệt mỏi trên đường tình rồi. Vả lại chàng thích cái chất ma-xơ nai tơ của Em. Còn Em thì nhận lời chàng không cần tính toán nhiều, vì còn giờ đâu nữa mà tính toán. Năm điểm trên mười là được. Hai người yêu nhau, nhưng không tha thiết, mặn nồng. Chất lãng mạn không còn nữa. Vợ chồng chỉ còn là một tổ hợp dị tính có nội quy, có điều lệ, mà cả hai đối tác có nhiệm vụ và quyền lợi song phương. Hoàng đi làm, mỗi tháng đưa về cho Em một lượng vàng. Hoàng thường ăn cơm nhà hàng với bạn và chỉ có mặt ở nhà để ngủ. Em buồn, nhưng Em không được quyền đòi hỏi tại sao. Em sanh con, nuôi con theo khoa học, giáo dục con theo tinh thần Phúc Âm. Đó là nhiệm vụ của Em, Hoàng không bao giờ khen chê, không bao giờ chống đối. Em lặng lẽ làm mẹ trong căn nhà quạnh quẽ. Hoàng làm chồng như ông tài xế: ngồi ôm vô lăng, chẳng nói chẳng rằng, đi khắp thế gian…
3. Hoàng vào đời không ngơ ngác như Em. Chàng nện gót giày cồm cộp như người chiến thắng. Chàng thuộc lòng mọi ngõ ngách của cuộc đời. Chàng không có địa vị cao, nhưng có tài, nên mọi người kính trọng và kiêng nể. Hoàng là đứa con trai độc nhất và là cháu đích tôn của một ông nội vừa giàu có vừa phong kiến. Cha mẹ Hoàng chết sớm. Hoàng được ông nội nâng hơn trứng, hứng hơn hoa. Hoàng được làm vua trong gia tộc ngay từ thuở còn bé tí. Ông vua tí hon có một thần dân là ông nội đầy quyền uy. Nền giáo dục ấy đã biến Hoàng thành một người đàn ông thông minh, nhưng cực kỳ ích kỷ và kiêu ngạo; chỉ biết nhận, mà không biết cho; chỉ biết đòi mọi người phải làm vui lòng mình, mà chẳng bao giờ làm vừa lòng ai.
Người đàn ông ấy bây giờ là chồng và là vua của Em. Hắn đã nện gót giày cồm cộp trên hè phố, thì bây giờ lại nện cồm cộp trên cuộc đời Em.
Em.
1. Em khóc nấc lên, vì chịu hết nổi rồi. Nếu tôi là Em, tôi cũng phải khóc nấc lên như thế. Tôi muốn đau cái đau của Em và muốn nuốt cái nhục của Em. Đau quá! Nhục quá!
Có lẽ mọi người khách bàng quan cũng muốn đứng về phía Em và muốn chân thành khuyên Em: “Bỏ nó đi! Thà sống khổ chứ đừng sống nhục.” Nhưng tôi chưa muốn khuyên Em điều gì vào lúc này. Tôi chỉ muốn chia sẻ nỗi đau khổ của Em. Tôi chỉ muốn thấy Em khóc thật nhiều. Khóc đi Em! Khóc để vơi sầu. Khóc để quên đau.
2. Em chẳng biết Hoàng đi đâu. Nhưng tôi biết Hoàng đang bị bạn bè chửi mắng như tát nước vào mặt. Mọi người đàn ông có lương tri đều lên án Hoàng và xấu hổ vì Hoàng. Chính Hoàng cũng đang tự lên án chính mình. Hoàng là người trí thức. Hoàng là người biết điều. Hoàng là một nhà bình luận sắc bén. Nhưng Hoàng yếu đuối. Hoàng chỉ là nạn nhân của một nền giáo dục sai lầm.
Hoàng không dám giáp mặt Em để xin lỗi đâu. Tuy hối hận, nhưng vẫn còn kiêu ngạo. Hoàng sẽ sai sứ giả đến cầu hoà với Em. Mong rằng sứ giả của Hoàng sẽ được Em niềm nở đón tiếp.
Sau sự cố này, Hoàng sẽ thương Em nhiều hơn. Thương để đền tội. Thương để đền bù. Sau sự cố này Hoàng sẽ biết “sống cho” nhiều hơn và sẽ khiêm tốn hơn. Người trí thức là người biết tự trọng và muốn vươn lên sau một lần vấp ngã. Hoàng chính là con người trí thức đó.
3. Còn Em đã thôi làm ma-xơ, thì đừng ngơ ngơ như con nai tơ nữa. Em đẹp, nhưng hơi vô duyên. Em chưa biết làm duyên, vì Em không dám làm duyên. Người đàn ông nào cũng muốn vợ mình xinh đẹp và duyên dáng. Có vợ xinh đẹp và duyên dáng là niềm kiêu hãnh của mọi người đàn ông.
Em cũng hãy tạm quên những bữa ăn thanh đạm của Tu Viện, để trau dồi môn gia chánh. Mâm cơm, vừa ngon miệng, vừa đẹp mắt. Hoàng muốn Em và hai đứa con được ăn ngon mặc đẹp. Một cây vàng hàng tháng trao cho Em không phải chỉ dành cho ngày mao, mà còn để thấy vợ con được sung sướng. Hoàng muốn thế.
4. Em đừng nhìn mình để hận. Em đừng nhìn Hoàng để ghét. Em và Hoàng hãy cùng nhau nhìn hai đứa con để cùng yêu thương. Chúng nó không thể thiếu cha. Chúng nó không thể thiếu mẹ. Vấn đề chỉ là như thế. Chúng nó có quyền có cha và có mẹ. Quyền ấy là bất khả xâm phạm.
Trích sách Viết cho em - Lm. Pio Ngô Phúc Hậu