14 thg 7, 2013

MỘT TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI

Được đăng bởi: Unknown on 14 thg 7, 2013 | 14.7.13

MỘT TÌNH YÊU KHÔNG BIÊN GIỚI
Lc 10,29-37

Thầy kính mến.

Thầy soạn một vở tuồng. Ba nhân vật chính là ông tư tế, ông trợ tế và một người xứ Samari. Ba nhân vật phụ là tên cướp, người bị cướp đánh và ông chủ quán. Chỉ có một khán thính giả là ông Kinh sư. Còn con thì xin nhận công tác thuyết minh và bình luận.

1- Con đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô là một đường đèo dài hơn 20 cây số. Vào những ngày lễ hội thì khách hành hương trùng trùng điệp điệp, thương gia tầng tầng lớp lớp Nhưng trong năm, có nhiều ngày đường đèo heo hút, người đi lại thưa thớt... Có một hành khách vô tư, một mình đếm bước, vừa bước vừa ngắm trời mây nước. Bỗng một tên cướp xuất hiện. Chỉ trong một nháy mắt, người hành khách đổ xuống, thở hoi hóp...

Một thầy tư tế, áo choàng chỉnh tề, trang trọng đi qua. Thấy máu. Theo luật thì máu là đồ uế. Ông giữ luật, nhưng quên tình người. Ông tránh qua bên kia, tiếp tục đi. Tỉnh bơ.

Rồi lại có một ông trợ tế. Cũng y như thế. Tránh qua bên kia mà đi. Luật là trên hết, trên cả tình người. Người bị cướp đánh cứ nằm đó, thở hoi hóp và chờ chết.

2- Mảnh đất Samari in đầy dấu chân của các tổ phụ Abraham, Ixaác và Gia cóp. Nhưng người Samari đã bị đồng bào Do Thái loại trừ, ra vạ tuyệt thông truyền kiếp. Một trong những người bị loại trừ ấy cũng đi qua con đường này. Ông cưỡi lừa. Móng lừa đang gõ lốc cốc thì bỗng im bặt. Một thây người đẫm máu. Không. Một sinh linh đang hoi hóp. Người Samari nhảy phóc xuống, không thấy máu uế của luật, quên nỗi thù truyền kiếp, chỉ thấy người và chỉ nhớ tình người. "Người bị vạ tuyệt thông" xé áo mình để lấy vải mà băng vết thương cho người hấp hối, nhẹ nhàng bồng và đặt trên lưng con lừa, đưa về quán trọ . Nạn nhân không còn một đồng xu dính túi. Không sao. Vẫn được cứu chữa miễn phí, vì tình yêu trong tim người Samari ấy là không biên giới.

3- Ông Kinh sư là bậc thầy của người Do Thái nghe Thầy kể chuyện mà lòng buồn tê tái. Ông buồn vì thấy những thành phần ưu tú của dân Do Thái lại thiếu lòng bác ái đến như thế. Ông càng buồn hơn nữa vì thấy “người bị vạ tuyệt thông truyền kiếp” mà lại có tấm lòng quảng đại đến như vậy. Nhưng ông lại phân vân chẳng biết "luật" và lòng nhân thì cái nào lớn hơn. Ông xấu hổ quá sức khi phải thú nhận với Thầy rằng người Samari đã là người thân cận của nạn nhân. Thật ra ông né tránh từ "người Samari". ông chỉ nói trống lổng “chính là kẻ đã thi hành lòng thương xót...” Nghĩa là ông vẫn còn kỳ thị người Samari. Người Samari vẫn là kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái.

4- Con không dám bình luận về Thầy. Con chỉ nhìn ngắm thôi. Nhìn ánh mắt, nghe giọng nói và theo dõi lối hành văn của Thầy, con ghi nhận được những điểm sau đây:

- Thầy quyết tâm phá hủy bức tường ngăn cách giữa người Do Thái và người Samari. Người Do Thái từ Galilê xuống Giuđê và từ Giuđê lên Galilê chẳng bao giờ thèm đi qua Samari, dù đó là con đường vừa ngắn vừa có nhiều di tích lịch sử thân thương. Họ chấp nhận con đường bên kia sông Giođan, vừa xa vừa phải qua hai lần đò, để khỏi đặt chân lên mảnh đất bị vạ tuyệt thông. Hằng vạn, hằng triệu người từ thời này qua thời khác cứ đi như thế. Còn Thầy thì không. Thầy xuống miền Nam dự lễ, thì đi qua Samari. Đi dự lễ về, Thầy lại đi qua Samari nữa. Có lần Thầy ngồi đàm đạo với một người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp. Sau đó Thầy lưu lại hai ngày để rao giảng. Chẳng hề có dấu hiệu phân biệt đạo-ngoại.

- Nhân vật lý tưởng trong vở tuồng của Thầy không phải là ông tư tế, không hề là người Do Thái, mà lại là người Samari. Thầy cố tình xây dựng nhân vật cho vở tuồng như thế, để hôm nay chúng con đặt tên cho vở tuồng là "người Samari tốt lành". Người Do Thái đè người Samari xuống tận vực thẳm. Còn Thầy thì lại bốc người Samari lên tận trời xanh.

Kết thúc vở tuồng, con thấy ông Kinh sư mặt đỏ như gấc. Xấu hổ vô cùng. Ông muốn độn thổ mà không tìm được hố. Cứ đứng trơ ra đó để muôn thế hệ dòm ngó. Ông là bậc thầy của dân, ông là cha linh hướng của nguyện đường. Thế mà Thầy lại bảo ông phải làm học trò của người Samari: "Ông hãy về và làm y như thế". Như thế là như người Samari. Người Samari là người bị vạ tuyệt thông truyền kiếp. Chua quá Thầy ơi ! Nhưng phải chua hơn thế ngàn ngàn lần, để đền cái tội ra vạ tuyệt thông cho người Samari từ năm thế kỷ về trước.

Con ôn lại lịch sử thì thấy rằng vào thế kỷ thứ 6 trước khi Thầy chào đời, vua Babilon đến chiếm quê hương của Thầy. Ông cho lưu đày những thành phần ưu tú. Ông đưa năm bộ lạc ngoại giáo vào làm kinh tế ở miền Samari. 70 năm đạo và ngoại sống bên nhau, xây dựng hôn nhân với nhau. Dòng máu pha tạp, nhưng đạo vẫn còn đó. Chỉ có thế thôi mà đồng bào phía Bắc và phía Nam nỡ tâm loại trừ họ và coi họ như người ngoại. Oan khiên và bất công ấy vừa lớn vừa dài. Dài hơn năm thế kỷ !

Thầy kính mến.

Ai cũng nghĩ rằng qua vở tuồng “Người Samari tốt lành” .Thầy muốn dạy loài người về một lòng bác ái không biên giới không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, văn hoá, ý thức hệ... Qua cách dàn dựng vở tuồng, con còn thấy Thầy lên án gắt gao óc phân biệt và kỳ thị này. Con cảm nghiệm rằng phân biệt và kỳ thị tôn giáo là ghê tởm nhất, xấu xa nhất và đáng lên án nhất.

Nhưng trong chỗ riêng tư giữa Thầy và con, con lại thấy rằng dụ ngôn "Người Samari tết lành" còn cho con một bài học tuyệt vời về sứ mạng và phương pháp truyền giáo. Phải là người Samari, phải làm người Samari mới cảm nghiệm được điều đó.

Người Samari rất đau lòng khi muốn hợp tác với người Do Thái hồi hương để xây lại đền thờ Giêrusalem, mà bị hắt hủi. Họ phải xây đền thờ ở Garidim để thay thế đền thờ ở Giêrusalem. Hai bên ghét nhau, mà họ là kẻ thua thiệt. Bị người Do Thái gọi là quân ngoại đạo và bị xếp hàng ngang với người thu thuế và đĩ điếm. Tức lắm, nhưng chẳng làm gì được để trả thù.

Nay được Thầy tôn vinh họ là bậc thầy của cả các ông Kinh sư. Họ mừng lắm. Họ thương Thầy lắm. Chắc hẳn mọi người Samari phải học thuộc lòng dụ ngôn "Người Samari tốt lành" này và coi nó là một trang sách Ngôn sứ.

Kết quả của dụ ngôn ấy là gì ? Khi Giáo Hội sơ khai bị bắt bớ ở Giuđê, thì con cái của Thầy sơ tán tứ tung. Người giàu thì ra nước ngoài. Người nghèo thì lên miền Samari tá túc .Người Samari ghét người Do Thái. Nhưng người Do Thái mang nhãn hiệu Kitô, thì người Samari lại dang tay đón nhận, kiếm nhà cho mà ở, kiếm đất cho mà canh tác. Và người Samari ùn ùn theo đạo Kitô, tạo nên một giáo hội phồn vinh và an bình.

Xin Thầy dạy chúng con biết yêu thương và đề cao "người Samari" để lại có một giáo hội phồn vinh và an bình nữa.

Lm. Pio Ngô Phúc Hậu