14 thg 6, 2013
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 07/06 - 13/06/2013
Được đăng bởi: Unknown on 14 thg 6, 2013 | 14.6.13
1. Buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 12 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến sứ vụ của Giáo Hội trong thế giới. Ngài giải thích rằng qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được gia nhập vào Cộng Đoàn Dân Chúa để loan truyền tình yêu, hy vọng và niềm vui cho nhân loại.
Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Kinh Tin Kính, giờ đây chúng ta xem xét Giáo Hội như Dân Thiên Chúa, được kêu gọi hướng đến cuộc sống mới trong Đức Kitô. Chúng ta trở thành một phần của dân Thiên Chúa thông qua hồng ân đức tin và sự tái sinh thiêng liêng trong nước Rửa Tội. Lề luật của chúng ta là hai điều răn sinh đôi: đó là mến Chúa và yêu người.
Sứ vụ của chúng ta là trở thành men hy vọng nảy sinh từ tình yêu của Thiên Chúa trong thế giới đang bị tổn thương bởi tội lỗi và sự dữ. Giữa bóng tối trùng điệp thường xuyên bao quanh chúng ta, chúng ta được mời gọi để là vô số những điểm sáng, chiếu soi thực tại, và chỉ đường cho nhân loại hướng đến một tương lai tốt hơn. Lòng nhân lành của Thiên Chúa mạnh hơn bất kỳ sự dữ nào! Đích điểm của chúng ta là Vương quốc Thiên Chúa mà Đức Kitô đã khai mở trên trái đất và sẽ đạt đến sự viên mãn trong niềm vui thiên đàng.
Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là một phần thiết yếu của kế hoạch yêu thương Thiên Chúa dành cho gia đình nhân loại. Cầu xin cho Giáo Hội luôn luôn là một nơi mà mọi người có thể gặp gỡ lòng thương xót Chúa và cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ và khuyến khích sống cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng.
2. ĐHY Kurt Koch cảnh báo khuynh hướng dân tộc hóa Giáo Hội của Chính Thống Giáo
Phát biểu tại Đại học Công Giáo Ukraina tại thủ đô Lviv của Ukraine, nhân vật đại kết hàng đầu của Vatican thách thức thế giới Chính Thống Giáo Đông Phương hãy "mạnh dạn xét lại vấn nạn lớn về Giáo Hội học của mình, cụ thể là, vấn đề tự trị của các Giáo Hội tại mỗi quốc gia và khuynh hướng dân tộc hóa Giáo Hội."
"Từ quan điểm của Chính Thống Giáo, Giáo Hội hiện diện tại tất cả các nhà thờ địa phương cử hành Thánh Thể, do đó, mỗi cộng đồng Thánh Thể là một Giáo Hội hoàn chỉnh," Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo nói.
"Ngược lại, từ quan điểm của Công Giáo, một cộng đồng Thánh Thể riêng biệt không thể là một Giáo Hội hoàn chỉnh. Nói cách khác, một điều căn bản trong Giáo Hội Công Giáo là sự thống nhất các cộng đồng Thánh Thể riêng biệt lại với nhau và với giám mục Rôma. Nghĩa là, Giáo Hội Công Giáo sống trong sự tương tác giữa các Giáo Hội địa phương và một Giáo Hội hoàn vũ duy nhất. "
Do đó, Giáo Hội Công Giáo nên "tăng cường luận điểm về tầm quan trọng của cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội dưới quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng,", trong khi Chính thống giáo Đông Phương nên "mạnh dạn xét lại vấn nạn lớn về Giáo Hội học của mình, cụ thể là, vấn đề tự trị của các Giáo Hội tại mỗi quốc gia và khuynh hướng dân tộc hóa Giáo Hội."
"Điều quan trọng nhất là không để đi lạc khỏi mục tiêu của đối thoại đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo, trong đó, theo quan điểm Công Giáo, ít nhất phải bao gồm việc phục hồi sự hiệp thông hữu hình của các Giáo Hội."
3. Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón tân đại sứ Mễ Tây Cơ cạnh Tòa Thánh, chia buồn về tai nạn xảy ra cho người anh trai
Hôm thứ Ba 10 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón tân đại sứ Mễ Tây Cơ cạnh Tòa Thánh là ông Mariano Palacios Alcocer tại điện Tông Tòa của Vatican. Sau khi chúc mừng Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Đại sứ nói: "Thật là một vinh dự đặc biệt cho tôi khi được hiện diện nơi đây với vị Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Châu La-tinh, người mà chúng tôi vô cùng kính trọng."
Đây là một thời điểm vừa ngọt ngào vừa cay đắng cho vị tân đại sứ, vì hôm thứ Sáu, anh trai ông đã qua đời trong một tai nạn ở bang San Luis Potosi của Mễ Tây Cơ. Đã có một lúc Tòa Thánh và chính phủ Mễ Tây Cơ lúng túng vì không biết vị tân đại sứ có thể tham dự buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha theo dự trù hay không.
Ông Mariano Palacios Alcocer đang trên đường đến Vatican thì hay tin người anh trai tử nạn đột ngột.
Đức Thánh Cha ân cần hỏi thăm về tai nạn đau lòng này.
Vị đại sứ trả lời:
- Anh con chết vì tai nạn máy bay trực thăng.
Vị tân đại sứ đã dẫn theo toàn bộ gia đình của mình, bao gồm cả cháu nội ông là những người ao ước được ông dẫn vào Tòa Thánh chào đón Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha ân cần hỏi thăm từng thành viên trong gia đình ông.
-Con tên là gì?
-Thưa Sebastian
- Còn con, tên con là gì?
-Thưa Fatima
-Fatima? Đức Mẹ Guadalupe của chúng ta không giận à?
-Chúng con đang ở Bồ Đào Nha vào thời điểm sinh cháu bé.
Đức Giáo Hoàng cũng ban phép lành cho cô con dâu của đại sứ và cả đứa cháu nội của ông vẫn còn trong bụng mẹ. Đại sứ đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách về lịch sử các nhà thờ tại bang Queretaro, nơi ông từng là thống đốc. Cháu gái của ông thì tặng Đức Giáo Hoàng một bức ảnh Đức Mẹ Guadalupe, Quan Thầy Mỹ Châu.
Sau cuộc họp, vị đại sứ đã gặp gỡ giới báo chí tại tòa đại sứ Mễ Tây Cơ. Ông cho biết Đức Giáo Hoàng đã rất thông cảm với bi kịch gia đình ông.
Đại sứ Mariano Palacios Alcocer nói:
"Ngay trong lời nói đầu tiên của mình, Đức Thánh Cha đã bày tỏ tình liên đới cá nhân của ngài với tôi và gia đình."
Mặc dù Đức Giáo Hoàng chỉ có ý tông du Brazil để tham dự ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Rio De Janeiro, Đại sứ Mariano tin rằng Đức Thánh Cha vẫn để ngỏ khả năng có thể viếng thăm Mễ Tây Cơ.
4. Thánh Tâm Chúa Giêsu diễn tả tột đỉnh tình yêu và lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa đối với con người.
80,000 tín hữu và khách hành hương đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha tại quảng trường thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 9 tháng 6. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nói về tháng 6 là tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngài nhấn mạnh rằng lòng đạo đức bình dân đánh giá rất cao các biểu tượng, và Trái tim Chúa Giêsu là biểu tượng tuyệt đẹp về lòng thương xót của Thiên Chúa: nhưng đó không phải là một biểu tượng tưởng tượng, nhưng là một biểu tượng thực sự, diễn tả trung tâm, diễn tả suối nguồn, từ đó tuôn ra ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Đức Thánh Cha nói:
Lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ là một tâm tình, còn hơn thế nữa, nó là một sức mạnh trao ban sự sống, làm cho con người sống lại! Trong Tin Mừng hôm nay khi các môn đệ Chúa Giêsu đến Naim, một làng trong vùng Galilea, chính vào lúc đang diễn ra một đám tang: người ta đem chôn một thanh niên, con trai duy nhất của một bà góa. Khi trông thấy bà, Chúa cảm động trước sự đau khổ của bà. Sự xót thương này là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, là thái độ của Thiên Chúa trước sự khốn cùng của con người, với sự nghèo nàn của chúng ta, với khổ đau và sự âu lo của chúng ta.
Lòng thương xót của Thiên Chúa trao ban sự sống cho con người, cho nó sống lại từ cái chết. Chúa luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, chúng ta đừng quên điều này, Người luôn luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Chúng ta đừng sợ đến gần Người! Người có một con tim thương xót! Nếu chúng ta cho Người thấy các vết thương nội tâm của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta. Người là lòng thương xót tinh tuyền. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu!
Sau Kinh Truyền Tin chào các tín hữu Đức Thánh Cha nói hôm nay tại Cracovia có hai nữ tu Ba Lan được tôn phong Chân phước: đó là chị Sofia Czeska Maciejowska, là người hồi tiền bán thế kỷ XVII đã thành lập Dòng các Trinh nữ dâng Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc, và chị Margherita Lucia Szewczyk, là người hồi thế kỷ XIX đã thành lập Dòng các Nữ tử Trinh Nữ Maria Sầu Bi Diễm Phúc. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa với Giáo Hội tại Cracovia.
5. Biểu tình phò sinh lớn nhất trong lịch sử Ái Nhĩ Lan
Trong khi các nhà lập pháp Ái Nhĩ Lan xem xét một dự luật hợp pháp hóa phá thai, Phong Trào Phò Sinh tại Ái Nhĩ Lan đã tổ chức cuộc tuần hành phò sự sống lớn nhất trong lịch sử nước này.
Hơn 40,000 người đã tham dự đêm canh thức toàn quốc cho sự sống ở Dublin vào tối thứ Bẩy 8 tháng 6. Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tuam, Đức Giám Mục Leo O'Reilly của Kilmore, và Đức Giám Mục Philip Boyce của Raphoe cùng tham dự chung với anh chị em.
"Số người hiện diện hôm nay cho thấy, dư luận quảng đại quần chúng Ái Nhĩ Lan đang ngày càng lo lắng về luật phá thai của chính phủ", cô Simons Caroline phát ngôn viên của Phong Trào Phò Sinh tại Ái Nhĩ Lan nhận định.
"Có những người hiện diện ở đây chưa bao giờ tham dự một sự kiện phò sự sống trước đây. Thông điệp chúng tôi muốn nói là luật này chẳng giúp gì cho phụ nữ và trẻ em, bất chấp những tuyên bố lặp đi lặp lại bởi thủ tướng Taoiseach và chính phủ của ông ta. "
6. Đức Thánh Cha gây bất ngờ cho những người hành hương tại Loreto, Italia
Khoảng 100,000 khách hành hương đã bất ngờ khi họ nhận được một cú điện thoại từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Sáng Chúa Nhật 9 tháng Sáu, Đức Thánh Cha đã gọi điện thoại chào thăm anh chị em đang tụ tập tại sân vận động Helvia Recina, ngay sau khi Đức Hồng Y Marc Ouellet cử hành Thánh Lễ cho hàng trăm ngàn anh chị em thuộc phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng.
- Hello, anh chị em vui vẻ không?
- Thưa Đức Thánh Cha. Xin hãy nghe tiếng vỗ tay. Đó là tiếng vỗ tay của các tín hữu, các thanh niên, các giám mục, và các viên chức. Hiện có hàng ngàn thanh niên ở đây thưa Đức Thánh Cha. "
Những người hành hương đã cuốc bộ trên con đường dài 30km bắt đầu từ Macerata đến Đền Thánh Đức Mẹ tại Loreto.
17 dặm hành hương qua đêm bắt đầu vào tối thứ Bảy và kết thúc vào sáng Chúa Nhật. Tất cả các cách từ Macerata đến thánh địa Đức Mẹ tại Loreto, Italia.
Cuộc hành hương này do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức, đã diễn ra trong 35 năm qua.
Trong thông điệp ngắn gọn, Đức Thánh Cha khuyến khích những người hành hương hãy sống đức tin của họ và thể hiện đức tin ấy trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đức Thánh Cha cũng nói rằng cuộc sống là một cuộc hành hương, với đích điểm là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.
7. Tín hữu Công Giáo Nga được phép kiệu Mình Thánh Chúa sau 95 năm
Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn đầu đoàn rước Mình Thánh Chúa lần đầu tiên tại Rôma. Chỉ vài ngày sau đó, một biến cố lịch sử đã xảy ra cách đó hàng ngàn dặm, trên đường phố St. Petersburg, ở Nga.
Lần đầu tiên trong 95 năm, các tín hữu Nga được phép cử hành Lễ Mình Máu Chúa Kitô bằng cách cung nghinh Mình Thánh Chúa Kitô trên lộ trình dài ba cây số giữa Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Lộ Đức và Nhà thờ Thánh Catherine thành Alexandria.
Lần cuối cùng việc kiệu Mình Thánh Chúa diễn ra vào năm 1918. Kể từ đó, những biến động chính trị và xã hội đã cấm tất cả các lễ hội tôn giáo và các nghi lễ công khai, chấm dứt những truyền thống chung lâu đời của các Giáo Hội phương Đông và phương Tây.
Các tín hữu may lắm mới được phép rước kiệu trong nhà thờ của họ. Việc rước trên đường phố bị cấm triệt để.
Sự kiện lịch sử, diễn ra vào ngày 02 tháng Sáu, với sự tham dự của nhiều thành phần, bao gồm thành viên của các dòng tu, huynh đoàn và rất nhiều trẻ em. Họ được cảnh sát hộ tống qua khắp thành phố.
8. Tổ chức Lương Nông Thế giới cảnh báo: 868 triệu người đói kinh niên
Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) báo cáo rằng 868 triệu người, tức là 12.5 phần trăm dân số thế giới lâm vào cảnh thiếu ăn kinh niên.
Trong báo cáo "Hệ thống thực phẩm cho dinh dưỡng tốt hơn", FAO ước tính rằng trên thế giới hiện có hai tỉ người bị thiếu hụt về dinh dưỡng, và 26% trẻ em dưới năm tuổi bị còi cọc do suy dinh dưỡng.
Theo tổ chức này, đây là những con số không thể chấp nhận và đề nghị rằng việc triệt tiêu nạn đói phải là một ưu tiên hàng đầu.
FAO cảnh báo rằng, bên cạnh những chi phí hiển nhiên mà xã hội phải gánh chịu, phí tổn đối phó với những hậu quả của suy dinh dưỡng có thể lên tới 5% tổng thu nhập quốc dân. Để tránh điều này, việc áp dụng các biện pháp đơn giản có thể cải thiện được tình hình.
Chẳng hạn, FAO khẳng định có thể chống suy dinh dưỡng bằng cách cho phụ nữ kiểm soát nhiều hơn tài nguyên gia đình và thu nhập của họ, vì điều này sẽ có lợi cho sức khỏe của họ và con cái họ.
Tổ chức này cũng đề nghị các chính sách lương thực phải làm tăng năng suất nông nghiệp và các biện pháp nhằm cải thiện kết quả dinh dưỡng của hệ thống cung ứng nhằm làm giảm giá, trong khi cung ứng các thực phẩm đa dạng và bổ dưỡng hơn.
9. Vatican kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ và hỗ trợ người tị nạn
Gần 100 triệu người trên khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa và sống lưu vong. Trên tầm mức quốc tế, vấn đề người tị nạn được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất. Các chuyên gia nói rằng đó là vấn đề cần phải được giải quyết cả trên bình diện địa phương và toàn cầu.
Tòa Thánh Vatican đã phát hành một tài liệu có tựa đề ‘Chào đón Chúa Kitô nơi người tị nạn và những người buộc phải tản cư’. Tài liệu này nhắm đưa ra các hướng dẫn cho các thiện nguyện viên làm việc với người tị nạn.
Katrine Camilleri, Phó Giám đốc dịch vụ người tị nạn của Dòng Tên tại Malta nói:
"Tài liệu này làm rõ sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của những người tị nạn, vì thế tài liệu phân tích vai trò của chúng ta như những tổ chức, và cá nhân tiếp đón người tị nạn. Chúng ta phải đối xử với người tị nạn như những cá nhân với những quyền lợi của họ. Chúng ta không thể nhìn họ như những con số thống kê, nhưng là những cá nhân cần được tiếp đón, chăm sóc và tôn trọng".
Tài liệu đã được Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Mục vụ Di dân và Hội đồng Giáo hoàng "Đồng Tâm" phát hành . Văn bản này bổ sung cho tài liệu đã được phát hành vào năm 1992. Với thực tế về tình hình di dân đã thay đổi, phiên bản này cập nhật tình hình mới nhất hiện nay.
Đức Thánh Cha cũng đã từng lên tiếng về sự cần thiết phải giúp đỡ những người tị nạn trong những thời điểm thử thách này. Hiện nay Tòa Thánh đang đưa ra lời kêu gọi đến tất cả các Kitô hữu để phẩm giá của những người di dân và tị nạn được tôn trọng nơi những nước ra đi và những nước tiếp nhận họ.
10. Cuộc gặp vui nhộn giữa Đức Thánh Cha và các thanh thiếu niên các trường Dòng Tên
Hàng ngàn thanh thiếu niên đang theo học các trường Dòng Tên đã có buổi gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican. Các em học sinh đã chào đón Đức Thánh Cha tại Đại thính đường Phaolô Đệ Lục bằng những tiếng reo hò, những bài hát vui nhộn và những tràng vỗ tay vang dội. Nhân cơ hội này các em hỏi Đức Thánh Cha một số câu hỏi tự phát.
Đức Thánh Cha đã đề cập đến vai trò giáo dục của Dòng Tên trong việc củng cố đời sống tinh thần. Bản thân Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là một tu sĩ Dòng Tên, vì thế một giáo sư đã đặt ra câu hỏi đặc biệt với ngài về lý do tại sao ngài quyết định trở thành một tu sĩ Dòng Tên.
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: "Điều thôi thúc cha trở thành một tu sĩ dòng Tên chính là ý thức trở thành một nhà truyền giáo. Ra đi, mang theo sứ mạng truyền giáo để loan báo Chúa Giêsu Kitô. Đây chính là linh đạo của chúng ta. Ra đi và loan báo Tin Mừng, thay vì lặng lẽ đóng kín trong chính tổ chức của mình, thường là trong những tổ chức lỗi thời".
Những thanh thiếu niên thuộc các trường khác nhau của Dòng Tên ở Ý và Albania, và ở các độ tuổi khác nhau đã đặt cho Đức Thánh Cha một số câu hỏi đầy ngẫu hứng, trong đó có cô gái trẻ đặt ra câu hỏi rất trực diện: “Thưa cha, cha có muốn trở thành Giáo Hoàng không?”
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: "Con biết đấy, một người muốn trở thành Giáo Hoàng là một người không quan tâm nhiều đến bản thân mình. Thiên Chúa không muốn như thế. Cha đã không mong trở thành Giáo hoàng".
Một bé trai đặt ra một loạt các câu hỏi gay go: "Làm thế nào cha lại quyết định trở thành linh mục chứ không phải là Giáo Hoàng? Khi nào thì cha quyết định trở thành một tu sĩ Dòng Tên? Cha có khó khăn khi phải rời bỏ gia đình và bạn bè để đi tu hay không? Có khó không cha?"
Đức Thánh Cha trả lời: "Nghe này. Điều đó thực sự gây khó cho cha. Thật không dễ chút nào. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian tốt đẹp. Chúa Giêsu nâng đỡ các con và mang đến cho các con niềm vui. Tuy nhiên cũng có những khoảnh khắc u tối nội tâm, có những khó khăn, nhưng thật là tốt đẹp khi bước theo Chúa Giêsu và con đường của Ngài. Sự quân bình cho phép các con tiến về phía trước và đó là lúc những khoảnh khắc dễ thương ùa đến".
Mọi người cùng cười trong bầu khí trẻ trung, các em học sinh đã dâng tặng Đức Thánh Cha một vài bức thư và tranh vẽ. Đáng ngạc nhiên nhất là các em cũng tặng Đức Thánh Cha một con cừu.
11. Album mới của các nữ tu Dòng Biển Đức phá kỷ lục
Tu viện Đức Bà thành Êphêsô là một cộng đoàn nhỏ của 22 nữ tu dòng Biển Đức ở bang Missouri, Hoa Kỳ. Cho đến năm ngoái, không ai biết đến họ, nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng Mười Hai năm 2012 sau khi cộng đoàn này được ca ngợi trên các báo như USA Today và Washington Times.
Nữ tu Scholastica, Phó viện mẫu cho hay: "Chúng tôi được mô tả như một cộng đoàn khổ tu. Chúng tôi dành hầu hết thời gian vào việc tìm kiếm Thiên Chúa, như vẻ đẹp, lòng nhân từ và sự thật".
Tất cả bắt đầu với một album mang tên 'Mùa Vọng ở Êphêsô'. Tất cả họ tự làm mọi thứ, từ đồ họa, ảnh nghệ thuật và chụp ảnh. Ngoài ra họ hát tất cả các bè bài theo kiểu cappella.
CD được thực hiện khá tốt. Nó đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng các album cổ điển trong suốt sáu tuần và các nữ tu được vinh danh là 'những nghệ sĩ truyền thống cổ điển số một năm 2012'.
Vào tháng Năm, các tu sĩ Biển Đức của Đức Maria đã đứng đầu bảng xếp hạng khi phát hành album thứ hai của họ với tựa đề 'Thiên thần và các Thánh ở Êphêsô'. Album này nhằm tỏ lòng tôn kính các nhân vật thánh thiện như Đức Mẹ, Thánh Giuse và Thánh Phanxicô Xaviê, và nó cũng được thực hiện rất tốt.
Mẹ Cecilia, bề trên tu viện cho hay: "Với CD mới này, được mang tên 'Thiên thần và các Thánh ở Êphêsô', mọi người sẽ tìm thấy một album tương tự như 'Mùa Vọng ở Ephesus.' Tất cả chúng tôi cùng nhau hát, một lần nữa hát theo kiểu cappella, hoàn toàn không có nhạc cụ hỗ trợ".
Album được sản xuất bởi nhà sản xuất từng đạt giải thưởng Grammy, là Christopher Alder, ông nói rằng ban đầu ông không bao giờ hình dung là mình đang nghe nữ tu hát. Ông nói: "Trước hết tôi rất ngạc nhiên, làm thế nào mà họ lại hát hay như thế. Tôi bị thuyết phục ít nhất là chất giọng cao của họ, vì vậy tôi cảm thấy chìm đắm trong âm nhạc. Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi như đã xảy ra khi nghe các nữ tu Biển Đức hát ngay tại Hoa Kỳ!"
Các nữ tu Biển Đức nhấn mạnh rằng họ không phải là chuyên nghiệp, nhưng họ tập ít nhất ba giờ mỗi ngày. Họ nói rằng ca hát là hình thức cầu nguyện ưa thích của họ.
12. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Đức Thánh Cha Phanxicô
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức đưa công hàm phản đối với Vatican sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập đến việc tàn sát hàng loạt người Armenia trong thời gian từ 1915 – 1918 là "cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20."
Đức Giáo Hoàng đã đề cập một chút về những tội ác diệt chủng chống lại người Armenia trong một cuộc tiếp kiến hôm 04 tháng 6 với Đức Thượng Phụ Công Giáo Nerses Bedros Tarmouni thứ 19 của thành Cilicia.
Đức Thượng Phụ đã tặng cho Đức Giáo Hoàng một cây thánh giá bằng đồng hai người mới khiêng nổi. Trong đoàn tùy tùng của Đức Thượng Phụ có một cặp vợ chồng đi theo với trách nhiệm khiêng cây thánh giá này. Người phụ nữ nói với Đức Giáo Hoàng rằng gia đình cô là nạn nhân của nạn diệt chủng Armenia hồi năm 1915.
Đức Thánh Cha đáp lại:
-Đó là tội ác diệt chủng tàn ác trên quy mô lớn đầu tiên của thế kỷ XX.
Giáo Hội Armenia hiện có khoảng 350.000 thành viên ở rải rác trong khu vực Trung Đông; đông nhất là là tại Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ
Vài năm trước đây, khi còn là Tổng Giám mục của Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio đã mô tả vụ sát hại và trục xuất hàng triệu người Armenia là "tội phạm trầm trọng của Đế Quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người dân Armenia và toàn thể nhân loại."
Ước tính từ 1 triệu đến 1.5 triệu người Armenia bị giết chết giữa năm 1915 và năm 1918 trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, và trong các cuộc cưỡng bức trục xuất.
Cho đến nay chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã kiên quyết phủ nhận một chiến dịch diệt chủng như thế đã diễn ra và tìm mọi cách để chối quanh một tội lỗi nghiêm trọng chống lại nhân loại của họ.
Trong công hàm chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ "bày tỏ sự thất vọng" về những nhận xét của Đức Giáo Hoàng, bày tỏ sự không hài lòng của mình với đại diện ngoại giao Vatican tại Ankara và ở Rôma.
Trong thế kỷ thứ 20, một cuộc diệt chủng kinh hoàng khác thường được đề cập đến là việc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc Xã. Nhưng đó là cuộc diệt chủng thứ hai. Ngoài ra còn có những cuộc diệt chủng khác tiêu biểu là cuộc diệt chủng do Liên Sô thực hiện đối với người Đông Âu, cuộc tàn sát hơn 60 triệu người Trung Hoa của Mao Trạch Đông trong các chiến dịch thanh trừng giai cấp và trong 10 năm thi hành cuộc cách mạng văn hóa (1966-1976).
13. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không đi nghỉ hè như các vị tiền nhiệm.
Tin của thông tấn Reuters cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không đi nghỉ hè tại Castel Gandolfo như các vị tiền nhiệm, thay vào đó Ngài sẽ ở lại Vatican trong chung cư Domus Santa Marta là nơi Ngài đã ở từ khi đến Roma để bầu Giáo Hoàng.
Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, cho hãng thông tấn Reuters biết Đức Giáo Hoàng sẽ ở lại Vatican cho dù thời tiết mùa hè ở đây rất oi bức.
Theo thống kê chính thức của Ý trong năm 2012, được ký giả của Reuters trích dẫn, thì cứ hai người Ý, chỉ có một người đủ khả năng tài chánh đi nghỉ hè một tuần, còn lại họ phải ở tại nhà. Ký giả Reuters nêu ra sự kiện trên với ngụ ý Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn chia sẻ hoàn cảnh khó khăn với mọi người.
Ngay từ thời còn là Hồng Y tại Á Căn Đình, ngài đã luôn kêu gọi tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới hãy quan tâm giúp đỡ người nghèo và hãy sống khó khăn với chính mình
Đức Giáo Hoàng không đến Castel Gandolfo để nghỉ nhưng ngày 14 tháng 7 Ngài sẽ đến đó cử hành thánh lễ và sau đó Ngài lên đường đi Ba Tây tham dự ngày Giới Trẻ Thế Giới.
Đây là chuyến du hành đầu tiên ra khỏi Ý của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Giáo Xứ Thánh Tâm:Mời các bạn tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài viết này. Đóng góp ý kiến, để trang nhà được hoàn thiện và phát triển hơn. Đóng góp ý kiến
Bài Liên Quan
Hôm nay:
Giờ Thánh Lễ
NGÀY CHÚA NHẬT:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 30.
- Thánh Lễ II: 9 giờ 30.
- Thánh Lễ III: 17 giờ 30.
NGÀY THƯỜNG:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 00.
- Thánh Lễ II: 17 giờ 30.
ĐC: 542 Hùng Vương - Pleiku - Gia Lai.