Thầy ơi, lớp mình học ở phòng nào?”
Cô Nhi Viện, mái nhà của Em, là nơi cưu mang và dạy dỗ biết bao mảnh đời bất hạnh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Dầu vậy, Em và các bạn đều có chung một điều, ấy là bị động thuộc về.
Em không tự ý tìm đến nơi này. Sự thật là như vậy. Sở dĩ Em hiện diện ở đây là vì hoàn cảnh đẩy đưa: hoàn cảnh của người mẹ mà Em chưa hề rõ mặt, hoàn cảnh của người cha mà Em chưa từng nghe tiếng. Và đó còn có thể là hoàn cảnh mà Thượng Đế đặt để nơi Em. Em hoàn toàn bị động.Hai tiếng “lớp mình” tưởng chừng rất đỗi bình thường của Em – một thành viên trẻ tại Cô Nhi Viện – gợi lên trong tôi thật nhiều suy nghĩ. “Lớp mình” phải chăng là để phân biệt với lớp người theo kiểu “đèn nhà ai, nhà nấy rạng”? “Lớp mình” có đồng nghĩa với thái độ vô cảm đang được nói đến như một thực tại đáng buồn trong xã hội? Hoàn toàn không. Ở đây, “lớp mình” biểu lộ một cảm thức khác. Đó là cảm thức thuộc về.
Tuy nhiên, cái bị động ấy không phải là con sóng hung thần nhấn chìm Em dưới lòng biển sâu của nỗi thất vọng. Trái lại, Em như cánh diều căng tròn bởi những ngọn gió yêu thương ngập tràn chan chứa. Ngọn gió yêu thương ấy là miếng cơm Em ăn, là tấm áo Em mặc; là cây bút Em viết, là tập vở Em ghi. Đó còn là mong ước của bao bàn tay chăm sóc trao gửi cho Em. Em được thuộc về cộng đoàn yêu thương. Nơi đây không phải “quê cha đất tổ”, cũng chẳng có ai là cha mẹ ruột thịt, họ hàng thân thích của Em, nhưng tình yêu, sự quan tâm của mọi người đã khiến trái tim bé nhỏ của Em thốt lên hai tiếng “lớp mình”. Với Em, họ đã thành “mình”.
Chính vì thành “mình” nên em để ý tới lợi ích của người khác. Em không khép kín trong ích riêng là cái “tôi”, nhưng mở ra với lợi chung là cái “lớp”. Em lo cho lớp, Em sống cho bạn. Không vô cảm nhưng là thuộc về!
Điều đáng quý trong cảm thức bị động thuộc về của Em chính là ở chỗ, Em nhận ra vả cảm nghiệm được cái tình của tất cả mọi người. Dù cân đường hay là hộp sữa, dù động viên khuyến khích hay là phê bình sửa lỗi, Em đều trân trọng và ghi khắc hai tiếng “cám ơn”. Em hiểu rằng, ẩn sau những thứ ấy là tình yêu, là khao khát muốn Em nên người. Thái độ sống biết ơn khiến Em trở nên rất khác, khác so với lối hành xử bội nghĩa vong ân. Ngày nay, không thiếu gì những người con sống trong tình thương của cha mẹ, của người thân nhưng lại dở chứng đi hoang. Họ không nhận ra và cũng chẳng mang ơn những người quanh mình. Trái lại, họ sống dửng dưng, thờ ơ, thậm chí là sát hại chính cha mẹ mình. Tệ hơn nữa, lại có những người cha, những người mẹ vô cảm đến độ nhẫn tâm “từ chối” con ruột của mình ngay khi còn trong bào thai. Họ rất cần một một thái độ sống biết ơn như Em. Biết ơn người, biết ơn đời, biết ơn Thượng Đế. Bởi đâu Em được như vậy?
Chắc chắn, cuộc đời của Em là kết tinh của bao thứ “mình” mà người khác chủ động trao ban. Họ thuộc về Em. Ngày ngày, mọi người âm thầm hy sinh, quên mình phục vụ để Em được khôn lớn. Lữ khách xa gần, bất luận tôn giáo hay không tôn giáo, vẫn luôn đều đặn trao chuyển tình thương. Họ quan tâm tới Em bằng một tấm lòng tự nguyện. Không ai ép buộc, chẳng ai nài van. Chính con tim yêu thương mách bảo họ hành động như vậy. Nói như ngôn ngữ của Gabriel Marcel, một triết gia hiện sinh thế kỷ 20, họ không coi Em là một “vấn đề” buộc phải giải quyết, nhưng là một “huyền nhiệm” cần được yêu thương. Coi Em là “huyền nhiệm”, họ chia sẻ cuộc sống “ruột thịt” với Em, đồng cảm với Em. Họ thuộc về Em.
Vậy là, cảm thức thuộc về đưa mọi người đến với Em và giúp Em đến với mọi người. Tuy nhiên, cuộc sống muôn màu vẫn hằng chứng kiến những thứ thuộc về mang đầy toan tính: thuộc về để trục lợi, để chiếm hữu; thuộc về để tranh đấu, để phe phái, để ngăn cách, để hận thù…Những biến tướng này sẽ là rào cản giam cầm nhân loại trong cái tôi ích kỷ và hẹp hòi. Cần lắm một sự thanh tẩy để hết thảy mọi người có được cảm thức thuộc về tinh ròng – cảm thức thuộc về dẫn đưa con người xích lại gần nhau.
Quang Khanh, S.J.