23 thg 10, 2014

GIÁO DỤC NHÂN BẢN CHO HỌC SINH

Được đăng bởi: Unknown on 23 thg 10, 2014 | 23.10.14

Trong những tháng đầu của năm học mới, các bậc phụ huynh đang quan tâm lo lắng cho con em mình có những điều kiện tốt đẹp nhất để được học tập hầu trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Cùng đồng hành với quý vị trong vấn đề hết sức hệ trọng này, chúng tôi xin gửi đến quý vị một vài gợi ý sau.

Thời gian gần đây, dư luận xã hội đang lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực đầy tính côn đồ của học sinh và biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng khác trong giới học sinh - sinh viên đang làm cho chúng ta ray rứt. Đâu là nguyên nhân đã dẫn đến những hành vi đáng lên án đó? Phải chăng việc giáo dục con em chúng ta đang có “vấn đề”? Chắc chắn là như vậy. Theo các nhà phân tích, những sự việc đau lòng như thế là kết quả của sự giáo dục thiên về lãnh vực trí thức mà coi nhẹ tính nhân bản.

Thật ra, câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống nhân bản cho học sinh không phải là mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Không ai phủ nhận: việc đào tạo trí thức cho học sinh là cần thiết. Nhưng việc đào tạo ấy rất cần phải đi đôi với việc đào tạo nhân bản cho chúng. Con em Công giáo chúng ta không thể là một Kitô hữu tốt, một học sinh tốt, nếu không đồng thời là một con người tốt trong gia đình và ngoài xã hội.

Vậy nhân bản là gì mà có tầm quan trọng đến thế? Xin trả lời cách ngắn gọn: nhân bản là cái gốc của con người, là thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử của một người.

Nếu nhân bản là là cái gốc của con người, thì giáo dục nhân bản là giáo dục để một người hiểu biết bản tính của mình là người, chứ không phải là gì khác...

Nếu nhân bản là thái độ sốngthái độ nhìn đời, thái độ cư xử của một người, thì giáo dục nhân bản là giáo dục một bản tính người có thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử hợp quy tắc, hợp đạo lý như mọi người nhìn nhận.

Sự trưởng thành nhân bản còn là nền tảng để xây dựng sự trưởng thành Kitô hữu bằng việc tập luyện các nhân đức Kitô giáo. Nhờ đó các Kitô hữu sẽ đạt mức độ trưởng thành Kitô hữu, được hoàn hảo, thánh thiện, trở nên giống Chúa Kitô, xứng đáng chức vị là Con Thiên Chúa.

Các đức tính nhân bản cần phải học là gì?

Những gì giúp con người dung hòa giữa tinh thần và thể chất, giữa lý trí và bản năng hạ đẳng, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội… đều có thể được coi là những đức tính nhân bản. Cụ thể như tác phong tốt đẹp, suy nghĩ chín chắn khôn ngoan, ý chí tự chủ, kiên quyết, tâm tính quân bình, điềm tĩnh, cư xử hài hòa, quảng đại vị tha.... Chúng ta có thể tóm lại trong các đức tính: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Theo các nhà giáo dục, môi trường giáo dục nhân bản tốt nhất đó là gia đình. Gia đình chính là nơi trẻ  được sinh ra, được lớn lên và được hình thành nhân cách cơ bản của mình. Ảnh hưởng giáo dục của gia đình đến với trẻ là sớm nhất. Nhờ quan hệ máu mủ ruột thịt và tình yêu sâu sắc của cha mẹ đối với con cái mà việc giáo dục tại gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Chính vì thế, giáo dục con cái trong gia đình là trách nhiệm đạo đức của những người làm cha mẹ.

Một vài lưu ý về tuổi học trò.

Lứa tuổi mầm non
Đây là giai đoạn tâm hồn các em còn đang vô tư, hồn nhiên và trong sạch như tờ giấy trắng. Các bậc cha mẹ hãy dạy trẻ biết cách ứng xử đúng đắn; giáo dục lòng thương yêu đối với sự vật và con người xung quanh mình, đặc biệt về vấn đề lễ giáo.

Bậc tiểu học
. Giai đoạn này, công việc học tập trở thành nhiệm vụ lao động chủ yếu. Vì vậy,  các bậc cha mẹ phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi như giúp các em rèn luyện các nề nếp thói quen học tập, vệ sinh, mua sắm đồ dùng học tập đầy đủ, đặc biệt chú trọng giáo dục về mặt đạo đức cho chúng.

Bậc trung học cơ sở
Thời điểm này, nhiệm vụ học tập càng nặng nề, thời gian đầu tư cho việc học tăng thêm, đồng thời quan hệ bè bạn, quan hệ xã hội phức tạp hơn. Ngoài việc quan tâm đến kết quả học tập của trẻ, cha mẹ nên dành thời gian chú ý đến các mối quan hệ của con cái với bạn bè, kịp thời phát hiện những lệch lạc do bạn xấu rủ rê, chú ý đến sự phát triển năng khiếu, định hướng việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của con mình.

Bậc trung học phổ thông
Đây là giai đoạn về mặt sinh lý cơ thể cũng  như đời sống tâm lý của trẻ có những biến đổi rất mạnh mẽ, chuyển từ trẻ con sang người lớn. Đây cũng được coi là thời kỳ khủng hoảng trong quá trình phát triển của tuổi thanh  thiếu niên. Ở giai đoạn này, các em thường muốn thử nghiệm khả năng, mong muốn của cá nhân mình vào thực tiễn cuộc sống. Trong khi vốn sống còn nghèo nàn, khả năng suy xét nông cạn nên thường dẫn đến những va vấp, gây những hậu quả tai hại cho bản thân và gia đình. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, nhiều em ở độ tuổi này đã sa vào các tệ nạn xã hội như trộm cắp, trấn lột, nghiện hút, vi phạm giao thông, cờ bạc, vô cảm…làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh phải đồng hành với con mình trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Những việc các bậc cha mẹ công giáo cần làm.

“Gia đình là trường giáo dục các nhân đức nhân bản Kitô giáo. Cha mẹ cần phải tự rèn luyện các đức tính nhân bản, nhất là các đức tính nhân bản Kitô giáo, để dạy con bằng gương sống sẽ có kết quả hơn nhiều.

- Dạy con cái biết cầu nguyện:
 Chính đời sống cầu nguyện của gia đình giúp đức tin ngày càng sống động hơn, tác động trên lối sống và cách giáo dục con cái trong gia đình. Con cái được sống và lớn lên trong bầu không khí cầu nguyện, chúng sẽ biết sống với Thiên Chúa. Tôn thờ và yêu mến Chúa.

Sự yêu thương chung thủy của cha mẹ là điểm tựa vững chắc nhất cho các tâm hồn trẻ thơ dễ bị thương tổn.

Dành thời gian cho con cái. Vì con cái cần gần gũi bên cha mẹ và những giây phút êm đềm bên cha mẹ sẽ trở thành những kỷ niệm hạnh phúc khó quên của con cái.

Biết quên lỗi lầm và tha thứ cho nhau. Sự tha thứ có năng lực chữa lành, sưởi ấm tâm hồn, tống khứ những nóng giận, cay đắng. Nên cha mẹ phải hướng dẫn gia đình biết mở rộng lòng tha thứ cho nhau.

Hãy dùng lời lẽ cách khôn ngoan. Vì “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm, miệng lưỡi khôn ngoan lại chữa trị cho lành” (Châm ngôn 12,18). Hãy cố gắng nói những lời khích lệ và xây dựng nhau, đừng tấn công hay xỉ vả con cái mình.

- Sau cùng, hãy đặt Chúa Giêsu vào trung tâm gia đình, để nhờ ơn Chúa chúng ta học sống theo gương Chúa, gia đình ngày một yêu thương nhau, biến thành tổ ấm, mọi người trong gia đình đều cảm nghiệm được tình thương và sự nâng đỡ lẫn nhau. “Người hạnh phúc nhất là người tìm thấy được sự bình an trong mái ấm gia đình của mình”. Triết gia Geothe đã cảm nghiệm như thế.