Sự bất tín của con người
Các bạn trẻ thân mến,
Người ta thường thích kể về quá khứ của mình với những chiến tích lẫy lừng và vang danh hơn là những thất bại hay vết xấu. Và nếu có lưu lại sử thế, hẳn là ai cũng chọn cho mình những điều tuyệt vời để kể. Ta lại thấy điều ngược lại nơi dân Do Thái năm xưa. Toàn bộ cuộc hành trình của họ trong đất hứa chỉ là tập họp của những lần bội nghĩa và bất tín với Thiên Chúa. Dường như lịch sử ấy đại diện cho toàn bộ lịch sử của mỗi người chúng ta. Hai hành trình luôn đi song song nhau, một bên là lòng trung tín của Thiên Chúa, còn bên kia là vô số những lần bội phản với vong ân.
Nghe tiếng kêu than ai oán của dân Do Thái nơi vùng đất Ai Cập, Thiên Chúa nhớ lại lời hứa với Apraham. Chạnh lòng thương, Ngài đã sai Môsê đến gặp vua Pharaô để xin vua để dân Do Thái được rời Ai Cập mà trở về với vùng đất quê hương của mình. Trước sự cương quyết của Pharaô, Thiên Chúa đã phải thực hiện nhiều dấu lạ qua tay Môsê. Cuộc giải cứu ngoạn mục nhất có lẽ là việc Thiên Chúa đã rẽ nước đại dương ra làm đôi, khiến toàn thể dân chúng đi qua và dìm chết vô số chiến binh chiến mã hùng mạnh của Pharao. Chứng kiến cảnh tượng uy hùng đó, không ai lại không thán phục trước quyền năng to lớn của Thiên Chúa. Tại Núi Xi Nai, họ đã đồng lòng kí kết một giao ước với Thiên Chúa, hứa rằng trọn đời trọn kiếp chỉ thờ phượng một mình Chúa mà thôi. Nhưng khi máu tế chưa kịp khô, họ đã quay sang sùng bái bò vàng, một hình tượng vô tri, vô giác.
Ngày còn ở Ai Cập, họ sống một kiếp thân nô lệ. Sống không bằng chết! Họ một mực kêu than đến Chúa, xin Chúa đến giải phóng họ. Lúc đó, họ chỉ mong ước một điều là nhanh chóng được rời khỏi mảnh đất tai họa này để trở về vùng quê yên ấm của họ. Ngày Thiên Chúa đến giải thoát, họ như được hồi sinh. Ai cũng hừng hực sức sống, hăng hái lên đường. Vậy mà khi được dẫn đi trong sa mạc, chịu một chút đói chút khát, họ đã ta thán đủ điều. Họ trách Chúa sao để họ phải vất vả lầm than. Thấy thế, Chúa cho trời mưa xuống manna làm lương thực. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ lại tiếp tục đòi hỏi. Chúa lại chiều chuộng họ khi ban chim trời làm của ăn. Chẳng mấy chốc, họ ta than vãn. Họ còn lớn tiếng trách cứ Môsê rằng tại sao không để họ chết ở Ai Cập, lại kéo họ vào đây, nơi sa mạc khô cằn này để chịu biết bao cay đắng. Dường như giao ước tại Xi Nai năm xưa chỉ một mình Thiên Chúa thực thi. Lòng trung nghĩa của Thiên Chúa đã được đền đáp bằng hàng loạt những thất tín và vô ơn của dân Ngài.
Các bạn trẻ thân mến,
Hình ảnh dân Do Thái năm xưa có lẽ cũng phản ánh phần nào hình ảnh của chúng ta ngày nay. Nhận lãnh từ Thiên Chúa biết bao nhiêu hồng ân, nhưng chưa bao giờ ta một lòng một dạ thờ phượng Người. Thiên Chúa đã cho chúng ta hiện hữu trong tư cách một con người, đã mời gọi chúng ta vào trong gia đình Hội Thánh của Người, ban cho chúng ta biết bao ơn lành hồn xác qua các bí tích, đã cứu chúng ta khỏi biết bao tai ương rình rập trên đường. Vậy mà có bao giờ ta thành tâm nhìn nhận Chúa là Chúa tể của cuộc đời ta chưa? Ta đi lễ, ta đọc kinh, ấy là vì ta yêu Chúa và muốn bày tỏ tình cảm ta dành cho Chúa với trọn con tim, hay chỉ vì ta thấy đó là những bổn phận bắt buộc? Ta thực hành những điều ấy vì được lòng yêu mến thúc đẩy, hay vì ta lo sợ sẽ bị Chúa phạt? Những khi ta lâm vào cảnh khó khăn, ta chạy đến với Chúa, xin Ngài ra tay chở che nâng đỡ. Đến khi mọi chuyện qua đi, ta sống một lối sống như thể không biết Ngài. Đối với ta, Chúa không còn là Chúa của ta, nhưng chỉ là một vị thần có nhiệm vụ phải đáp ứng tất cả những đòi hỏi của ta. Đối với ta, Chúa chỉ là Chúa khi ngài thỏa mãn những nguyện vọng của ta. Mỗi lần phạm tội, ta thấy bất an. Khi đã được thứ tha, ta sốt sắng hứa với Chúa đủ điều, hứa sẽ cải thiện đời sống, sẽ dốc lòng ăn năn, hứa sẽ sống bác ái hơn, yêu người hơn. Nhưng khi thời gian trôi qua, ta thậm chí không còn nhớ là đã nói gì với Chúa. Ta và dân Do Thái xưa, tuy cách xa nhau ngàn vạn năm, nhưng sao giống nhau quá.
Đến muôn đời, Chúa vẫn luôn là một Thiên Chúa của tình yêu và trung tín. Dù ta có đối xử với Ngài thế nào, Ngài vẫn cho mặt trời mọc lên ban ánh sáng cho ta, vẫn cho mưa rơi thấm đất, cho cây cối mọc lên, trổ sinh hoa trái cho chúng ta hưởng dùng. Có bao giờ các bạn thấy hỗ thẹn vì sự bất tín và bội nghĩa của mình không? Có bao giờ các bạn nghĩ đến những hy sinh mà Người phải chịu khi lúc nào cũng yêu thương ta, còn ta lúc nào cũng hứa rồi lãng quên không?
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ