Suy nghĩ sau một tai nạn
Trong cuộc đời không ai mà không tránh khỏi những vui, buồn, sướng, khổ; không ai mà không tránh khỏi những điều nghịch lý dù mình không muốn nhưng vẫn cứ xảy ra. Điều đó đã xảy ra với chúng tôi ngay sáng thứ Hai ngày 2 tháng 9 vừa qua.
Chúng tôi nhớ là buổi sáng hôm đó sau khi giao các hóa đơn của tháng 8 cho cha Tổng Quản Lý của Dòng, một linh mục cùng Dòng người Ấn Độ và tôi được Cha Giám Tỉnh nhờ công việc cho ngày hôm ấy. Tôi là người điều khiển chiếc xe hơi của Dòng. Vừa xong việc được giao, chúng tôi chuẩn bị trở về Chủng viện thì khi vừa rẽ trái qua đèn xanh thì một chiếc xe tải chạy phía sau mất thắng đâm thẳng vào chiếc xe chúng tôi đang cầm lái. Chúng tôi nghe một tiếng động rất lớn chỉ trong một tích tắc “Rầm!!!”. Hậu quả là cánh cửa xe bên trái nơi tôi đang cầm lái bẹp dúm, kính vỡ ra thành những mảnh li ti và không biết lúc đó hồn xác chúng tôi đang ở đâu nữa. Khi định thần lại thì thấy máu chảy do kính văng vào người, không thể mở cửa xe ra được và mọi người phải đến để giúp đỡ. Khi bước xuống thì chân trái bị cà-nhắc do cửa xe va chạm quá mạnh. Phản ứng tự nhiên của con người là muốn đấm ngay vào mặt cái gã vừa đâm vào xe mình hay chửi một trận cho hả dạ, nhưng trong đầu lại vang lên câu Kinh Thánh mà mình vừa giảng cho một nhà thờ mấy ngày trước : “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào có ích lợi gì” (Xc. Mt 16,6). Có lẽ vì thế mà chúng tôi dằn mình được. Cái gã vừa đâm vào xe chúng tôi là một người đàn ông ngoài 60 tuổi khá to con, mập mạp. Ông ta lộ vẻ hoảng sợ khi người dân chặn xe ông lại vì xe ông là một xe tải chở hàng rất cũ không biển số, không bảo hiểm. Ông ta đã đến xin lỗi khi thấy chúng tôi không bị thương nặng và thành thật nói rằng nếu chúng tôi thưa kiện thì ông ta sẵn sàng vào tù vì không hề có gì để bồi thường. Không biết ông ta có lừa mình không nhưng khi nghe ông ta nói vậy thì cơn giận giữ đã nguôi ngoai trong lòng và không muốn làm khó ông ta nữa, chỉ nói với ông ta rằng hãy cùng với chúng tôi đi đến đồn cảnh sát gần đó để tường trình sự việc và chúng tôi sẵn sàng tha thứ cho ông ta. Dù vậy chúng tôi cũng khá lo lắng vì xe của nhà Dòng vừa mới giao cho chúng tôi để lo cho Chủng viện mà bây giờ bị tanh bành như thế này. Chúng tôi đã gọi điện để báo tin cho Bề trên biết và cứ nghĩ trong lòng rằng ngài sẽ trách móc là thiếu cẩn thận hay sẽ phàn nàn về chuyện xe cộ. Nhưng không, khi ngài vừa nghe tiếng của chúng tôi báo tin về tai nạn, câu đầu tiên ngài hỏi là người có bị thương không? Có ai bị ảnh hưởng gì không khiến chúng tôi an lòng. Ngài còn an ủi chúng tôi rằng mạng sống quí gấp ngàn lần xe cộ, vì xe hư có thể sửa được chứ con người nằm xuống thì hết phương cứu chữa. Đây cũng là một bài học quí về cách hành xử của Bề trên là không nên xem trọng vật chất nhưng con người mới quí giá hơn nhiều. Cũng qua tai nạn này chúng tôi mới nhận ra là Chúa muốn nói với chúng tôi một điều gì đó qua biến cố này vì nhiều khi mình lo lắng nhiều chuyện quá, mà một chuyện khá quan trọng mà không biết lo thì có ngày chúng tôi sẽ phải trả giá. Chính Mẹ La vang đã can thiệp và cứu chúng tôi trong tai nạn này vì đi đâu chúng tôi cũng để một bức tượng nhỏ của Mẹ trên xe để Mẹ gìn giữ và đồng hành. Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ đã cho con được tai qua nạn khỏi trong ngày khủng khiếp vừa qua.
Hai cuộc Đại Hội Toàn quốc
Sau tai nạn không muốn có đó chúng tôi vẫn còn hãi hùng mỗi khi nghe những tiếng xe thắng dồn dập trên đường hay nghe đâu đó xảy ra tai nạn. Tuy nhiên vì công việc nên chúng tôi phải cố gắng vượt qua dù phương tiện di chuyển lúc này là xe bus.
Dù chân vẫn còn đi cà nhắc nhưng chúng tôi vẫn tham gia kỳ Đại Hội Toàn Quốc lần đầu tiên giành cho các giám đốc ơn gọi của các Giáo phận và của các Hội Dòng đang làm việc ở Paraguay. Vì là lần đầu tiên tổ chức Đại Hội tại Trung Tâm Mục Vụ của Tổng Giáo Phận Thủ Đô nên khâu tổ chức không được chuẩn bị chu đáo lắm. Số thành viên tham dự khoảng 70 người kể cả Dòng và Triều. Nhiều tham dự viên chỉ mới năm đầu làm trong ngành huấn luyện ơn gọi và nhiều người cũng đã ở tuổi thất tuần. Đại Hội lần này cũng là để lắng nghe những chia sẻ, những thao thức của những người làm công tác tuyển mộ ơn gọi trong một quốc gia đang thiếu vắng ơn gọi và cũng là dịp để tìm ra một hướng mới trong việc tuyển mộ ơn gọi trong thời kỳ khủng hoảng ơn gọi trước chủ nghĩa thế tục hóa đang lan nhanh ở Tân Thế Giới này.
Những vị diễn giả được mời là những vị có kinh nghiệm trong mục vụ giới trẻ, trong đó có cả những giáo dân chuyên về tâm lý đang làm việc ở liên giáo phận và một đại úy cảnh sát đang là phó tế vĩnh viễn cũng tham dự và chia sẻ.
Có lẽ đối với người Việt Nam chúng ta, chuyện cảnh sát nói về Chúa là chuyện lạ vì Việt Nam kể từ sau 1975 là một nước vô thần chủ nghĩa và như vài người hay nói đùa rằng nhiệm vụ chính của cảnh sát Việt Nam là dọa dân, bắt dân và hành dân mà thôi. Là một công dân Việt Nam nên chúng tôi rất có kinh nghiệm về chuyện này, nhất là những năm đầu của thập niên 90s khi chúng tôi sống đời tu trong lo sợ vì không biết lúc nào bị trục xuất khỏi Dòng chỉ vì tu chui. Có lẽ vì chuyện lo sợ đó đã đi vào tiềm thức của chúng tôi nên khi nghe nói đến từ Policeman hay Policía (công an hay cảnh sát) là mình dị ứng ngay, không phải vì có tật giật mình hay mình làm chuyện gì sai trái mà vì nổi ám ảnh ngày xưa vào những lúc nữa đêm khi nghe chó sủa là biết công an vào kiểm tra hộ khẩu nên phải vác mùng, mền chạy trốn.
Tuy nhiên, trong thời gian đi truyền giáo nhiều năm ở xứ Paraguay này và các quốc gia lân cận vùng Nam Mỹ, chúng tôi cảm thấy mến mộ những anh cảnh sát vì họ là những người bảo vệ dân, giúp dân và thật sự là những người bạn của dân. Người ta chỉ sợ cảnh sát khi họ phạm tội công khai. Có lẽ vì thế mà chúng tôi dần dần loại bỏ thành kiến với mấy anh cảnh sát và thỉnh thoảng có dâng thánh lễ hay làm các bí tích cho những đồn cảnh sát hay các gia đình cảnh sát Công giáo khi họ mời vào những dịp quan trọng.
Trong dịp Đại Hội giành cho những Giám đốc ơn gọi này, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi một viên đại úy cảnh sát chia sẻ hành trình ơn gọi của anh và làm chứng về những gì anh đang làm trong một môi trường được xem là vàng thau lẫn lộn khi vừa là đại úy cảnh sát vừa là một phó tế vĩnh viễn.
Anh cảnh sát tâm sự rằng anh lớn lên trong một gia đình nông dân (vì ở Paraguay phần lớn là quốc gia nông nghiệp) nên học ở trường làng và phụ giúp gia đình làm rẫy. Khi vừa tròn 17 tuổi, bố của anh hỏi anh muốn đi lính hay làm cảnh sát để bố anh có thể liên lạc với những người bạn vì bố anh cũng từng là một người lính. Anh thật sự chưa biết lựa chọn thế nào vì ở nông thôn không có ai hướng dẫn. Cũng lúc đó anh bắt đầu có bạn gái có tên là María Carmen (một tên rất thông dụng ở Paraguay giống như tên Hoa hay Lan ở Việt Nam). Một lần tham dự thánh lễ của một linh mục truyền giáo, vị linh mục ấy có mời gọi các bạn trẻ tham dự khóa tĩnh tâm ơn gọi để có thể trở thành những nhà truyền giáo tương lai, anh rất phân vân và cũng muốn tham dự khóa tĩnh tâm này để trở thành một Pa’í (Pa’í : tiếng Guarani nghĩa là linh mục) để làm rạng danh gia đình nhưng giữa María Carmen (tên bạn gái của anh) và Pa’í cứ luôn giằn vặt anh và làm cho người trẻ nhà quê này nhiều đêm khó ngủ nhưng có lẽ tiếng gọi của con tim mạnh hơn tiếng gọi của lí trí nên anh đã chọn María Carmen thay vì chọn Pa’í. Và cũng từ đó ơn gọi đi tu đã dần dần phai nhạt trong lòng anh.
Sau khi học trường cảnh sát 4 năm, anh bắt đầu ra trường làm việc và cưới María Carmen làm vợ. Cũng như bao nhiêu người Công giáo khác ở xứ Nam Mỹ, chuyện đạo hạnh của anh cũng rất thờ ơ, nhất là ngành cảnh sát cũng không bắt buộc nhân viên và sĩ quan phải tham dự thánh lễ. Anh chỉ lo cho công việc, tiền nong và gia đình.
Thế rồi có một lần vị Giám mục phụ trách giáo phận tòng nhân cho quân đội và cảnh sát với hàm vị tướng (Ở Paraguay và một số quốc gia dân chủ có một giáo phận tòng nhân giành cho quân đội và cảnh sát, và vị giám mục đứng đầu giáo phận tòng nhân này được mang hàm tướng và lãnh lương như một vị tướng), vị giám mục này kêu gọi một số sĩ quan và những ai muốn tham dự tuần tĩnh tâm chung với các giáo phận khác để đào sâu thêm về ơn gọi Ki-tô hữu và nếu quân nhân nào muốn thì có thể ghi danh vào Chủng viện để trờ thành những phó tế vĩnh viễn (cho những người đã có gia đình) và linh mục cho những quân nhân còn độc thân. Viên cảnh sát này đã ghi danh cho có lệ để được nghỉ ngơi vài ngày nhưng vẫn được ăn lương.
Tham dự tuần tĩnh tâm như một người ngoại đạo (dù anh là người Công giáo từ nhỏ), anh chỉ ngồi ở dãy cuối và ngày đầu tiên cảm thấy nhạt nhòa nhưng vì lỡ ghi danh rồi nên cứ tham dự cho có lệ. Tuy nhiên, chính những lúc này Chúa đã đánh động con người của anh. Từ một viên cảnh sát hám danh, hám lợi và lạnh nhạt với người Công giáo, anh đã tham dự những ngày kế tiếp với một tinh thần phấn chấn và sau khi kết thúc khóa tĩnh tâm, anh đã ghi danh thật sự để tham dự khóa đào tạo 6 năm giành cho những người có gia đình muốn trở thành phó tế vĩnh viễn.
Nhiều người đã không ngờ một con người như anh mà chỉ sau một kỳ tĩnh tâm đã biến đổi nhanh đến thế. Chính anh cũng tâm sự rằng dù anh không muốn nhưng từ đáy lòng anh một điều gì đó đã thôi thúc anh và anh không cưỡng lại được. Anh đã dùng câu Kinh Thánh của Is 50, 5 để nói về điều này : “Ðức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui”. Khi anh tâm sự điều này với người vợ thân yêu María Carmen, cô ta đồng ý ngay với chồng và thế là thuận lợi cho anh trong việc theo đổi ơn gọi của một giáo dân muốn làm Phó tế vĩnh viễn.
Có lẽ giáo dân Việt Nam chúng ta không mấy khi chứng kiến một người đã có gia đình mà được phong chức phó tế vĩnh viễn và trong các dịp đại lễ các phó tế này giúp bàn thánh bên cạnh các giám mục và linh mục đồng tế vì Việt Nam còn quá nhiều ơn gọi Triều và Dòng. Nếu có chăng các phó tế vĩnh viễn ở Việt nam thì đa số họ là các tu sĩ Dòng chứ người giáo dân làm Phó tế vĩnh viễn còn khá ít. Tuy nhiên, ở các quốc gia Nam Mỹ này vì thiếu vắng ơn gọi nên người giáo dân tham dự vào phụng vụ trong vai trò phó tế vĩnh viễn khá phổ biến. Theo một thống kê chưa chính thức thì chỉ tính riêng châu Mỹ, con số phó tế vĩnh viễn hiện nay khoảng 20 ngàn, trong đó Hoa Kỳ đã hơn 12 ngàn phó tế vĩnh viễn. Họ làm việc rất hiệu quả vì họ là những người sống trong bậc gia đình và làm việc tại các tổ chức xã hội nên có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đa phần họ đều có nghề nghiệp ổn định và có bằng cấp chuyên môn nên sứ mệnh của họ là vượt ra khỏi khung cửa nhà thờ, giáo xứ và họ có thể liên kết với những giáo dân và các vị mục tử để đem Lời Chúa đi vào cuộc sống ngoài đời, nâng đỡ, khuyến khích và như là một điểm tựa cho người khác.
Chính vì thế, anh cảnh sát này sau khi hoàn tất việc học đã được phong chức phó tế vĩnh viễn và cũng vừa được thăng cấp vì những việc anh làm trong ngành. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi đứa con gái đầu của anh cũng thổ lộ là muốn trở thành Nữ tu khi vừa xong trung học. Anh đã sẵn sàng để con gái mình vào Dòng và hiện nay con gái anh đang ở năm thứ hai Tập viện. Riêng cá nhân anh, anh rất hài lòng và hãnh diện vì đang là người hữu dụng cho giáo hội như là một phó tế vĩnh viễn và là môt sĩ quan cảnh sát trong xã hội. Sắp tới đây anh sẽ được thăng cấp thiếu tá vì anh đã có công trong việc triệt phá một băng cướp ngày. Xin chúc mừng anh, một sĩ quan cảnh sát có tâm, có tình.
Trong dịp này lần đầu tiên chúng tôi gặp được một Nữ tu người Argentina gốc Việt có tên là Ana Nguyễn vừa mới đến Paraguay cách đây một tháng. Đây là là đầu tiên sau nhiều năm làm việc ở xứ người chúng tôi gặp được một Nữ tu gốc Việt với giọng Việt lơ lớ vì được sinh ra và lớn lên ở Argentina. Cả hai đều rất vui mừng vì Nữ tu này cũng tâm sự rằng từ lâu có nghe biết các nhà truyền giáo Việt Nam làm việc ở Nam Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên Soeur được gặp và nói chuyện nửa Tây Ban Nha, nửa tiếng Việt. Soeur Ana Nguyễn thuộc Dòng Truyền Giáo thánh Phan-xi-cô Xavie và đến Paraguay để thay thế một Nữ tu khác vừa mới chuyển công tác. Dù sinh ra và lớn lên ở Argentina nhưng có lẽ “gen” của cha mẹ là người Việt Nam nên dáng người Soeur cũng khiêm tốn. Vị Tổng Giám Mục Dòng Don Bosco khi nghe chúng tôi nói chuyện nửa Việt, nửa Tây Ban Nha đã tò mò hỏi thăm và khi được biết chúng tôi là đồng hương thì ngài ồ lên vì trong Dòng của ngài hiện nay cũng có 4 tu sĩ người Việt đang ở Paraguay. Ngài khuyến khích chúng tôi nếu có dịp thuận tiện thì nên gặp nhau ít là 1 năm 1 lần để hâm nóng tình đồng hương và ngài sẽ sằn sàng hỗ trợ. Chúng tôi chỉ vâng dạ cho qua chuyện vì mỗi người chúng tôi thuộc mỗi Dòng khác nhau và lịch trìch làm việc cũng khác nhau nên khó có thể gặp nhau được.
Cũng vào trung tuần tháng 9 này chúng tôi có tổ chức một cuộc Đại Hội Toàn Quốc cho giới trẻ để họ chuẩn bị bước vào mùa Xuân vui tươi sau một mùa Đông dài khô khan và lạnh lẽo. Theo lời hiệu triệu thì mỗi giáo xứ hay mỗi trường trung học Công giáo mà Dòng Ngôi Lời đảm trách chỉ mời khoảng 5 bạn trẻ tuổi từ 17 đến 25 tham dự Đại Hội giới trẻ lần này để các em có dịp học hỏi, vui chơi và gắn kết với nhau trong bầu khí thân thiện, cởi mở của các nhà truyền giáo trẻ. Chúng tôi không ngờ là con số tham dự khá đông ngoài dự kiến nên chúng tôi cũng hơi lung túng trong khâu tổ chức từ ăn, ở và sinh hoạt trong 3 ngày này. Rất may là thời tiết lúc này cũng mát mẻ nên các em không nề hà gì việc chia sẻ chung phòng với nhau.
Chúng tôi được nhà Dòng giao cho làm trưởng ban tổ chức với sự cộng tác của hơn 10 linh mục trẻ và các giám đốc trường học. Cũng may nhờ có Internet và điện thoại nên việc liên lạc cũng thuận tiện vì mỗi người ở một nơi khác nhau và địa điểm tổ chức lại ở một nơi khá xa. Tạ ơn Chúa là những người cộng tác luôn nhiệt tình, hy sinh trong công việc chung dù chúng tôi là những người khác quốc tịch, màu da, văn hóa. Chính điều này đã làm cho chúng tôi trở thành một nét riêng biệt vì chúng tôi tuy thuộc nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ, màu da nhưng chúng tôi có chung một điểm vì đều là nhà truyền giáo của Dòng Ngôi Lời.
3 ngày Đại Hội với hơn 200 bạn trẻ tuy khá mệt nhưng sống chung với giới trẻ làm mình cũng trẻ lây và quên hết những mệt nhọc, buồn bã vì giới trẻ rất năng động, sáng tạo và hồn nhiên. Có lẽ nhiều lúc chúng ta đánh giá sai về giới trẻ vì chúng ta chưa hiểu họ nhưng một khi chúng ta dấn thân và sống với giới trẻ, các em sẽ thật sự nhập cuộc và làm hết mình mà không đòi hỏi gì nhiều, chỉ một điều mà các em muốn nơi những người đồng hành với các em là người dám nói và dám làm, là người luôn vui tươi và rộng lượng.
Có lẽ những anh em linh mục trẻ của chúng tôi đang làm việc ở đây cũng đã học điều nhiều điều từ Đại Hội lần này cho công tác mục vụ giáo xứ của mình và sẽ tự hỏi tại sao giới trẻ ngày nay ít tham dự thánh lễ. Ở các giáo xứ Việt Nam, các cha xứ có thể dùng quyền để chế tài các gia đình nều cha mẹ và người lớn không nhắc nhở con cái học giáo lý hay đi lễ vì xã hội Việt Nam mình người Công giáo cần sống căn tính của mình với các tôn giáo khác. Bên các quốc gia Nam Mỹ thì không như vậy vì đây là một quốc gia tuy là quốc gia Công giáo nhưng rất thế tục và tự do. Không ai có quyền chế tài ai cả nhưng chính việc sống chứng nhân có thể lay động lòng người, nhất là giới trẻ. Bởi thế người mục tử thành công không phải là người chỉ biết chế tài nhưng là người phải biết thu phục nhân tâm qua lời nói và bằng việc làm cụ thể.
Hôm nay là ngày Giáo Hội mừng kính thánh Pio Năm Dấu Thánh, một vị linh mục giản dị Dòng Phan Sinh Capuchino vừa được Phong Thánh vài năm gần đây. Hôm nay cũng là ngày chúng tôi được sinh ra cách đây hơn 40 năm. Tạ ơn Chúa đã cho con được sinh ra và được trở nên một dụng cụ của Chúa. Xin cảm ơn những ai đã nhớ đến qua những lời chúc mừng sinh nhật. Xin Chúa trả công.
Paraguay, 23 tháng 9 năm 2013 – Lễ Thánh Pio 5 Dấu Thánh, Kỷ niệm ngày Sinh nhật
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.