Lòng biết ơn
Nhớ lại thời ấu thơ, có lần một người quen của gia đình đến thăm và cho tôi một món quà, tôi mừng quá, cầm lấy và chạy vội đi mất. Mẹ tôi liền gọi lại và nói: « Con biết con cần phải làm gì khi con nhận được quà không? » Tôi sững người lại nhưng hiểu ý Mẹ, tôi liền khoanh tay lại và thưa với người cho quà: « Cháu cám ơn cô ». Sau đó, Mẹ đã nói với tôi rằng : « Con đừng quên rằng, ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước thì phải nhớ tới nguồn nghe con ». Đó là bài học về lòng biết ơn mà mẹ tôi đã dạy. Qua đó, tôi học được lòng biết ơn quan trọng như thế nào trong cuộc sống, và tấm lòng của người ban tặng lớn lao hơn món quà vật chất biết bao nhiêu.
Nếu lòng biết ơn thật quan trọng, thì sự vô ơn nguy hiểm như thế nào?
Thánh I-Nhã, một chàng hiệp sĩ được giáo dục trong một môi trường thượng lưu và sống rất quân tử, đã coi sự vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ. Trong một bức thư đề ngày 18.3.1542 gởi một anh em trong dòng là Simon Rodigues, I-Nhã đã viết: « Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỡ tồi tệ nhất phải kể đến là sự vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa, là Chủ, và trước những tạo vật được dựng nên vì danh thánh vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự vô ơn là chính sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được. Sự vô ơn là nguyên do và là khởi đầu của tội lỗi và mọi điều tồi tệ. » Nhưng nguyên do nào dẫn đến sự vô ơn của con người ?
Khi quan sát cuộc sống thực tế, có thể nhận ra một số điều « giết chết » lòng biết ơn:
- Điều thứ nhất là sự tự cao kiêu hãnh. Ai nghĩ rằng, tôi chỉ trở thành người thực sự, khi tự bản thân tôi làm hết mọi chuyện, mà không cần nhờ vả vào ai, và vì thế tôi không cần phải cám ơn ai, thì cuộc đời người đó sẽ không có hai từ biết ơn.
- Điều thứ hai là sự dĩ nhiên. Trong cuộc đời này mọi sự đều là dĩ nhiên: Dĩ nhiên là tôi phải được hưởng phúc lợi xã hội. Đương nhiên tôi được người khác chú ý. Dĩ nhiên là người kia sẽ tặng tôi một cành bông hồng. Nếu mọi chuyện đều dĩ nhiên như vậy, thì lòng biết ơn sẽ « không còn chỗ trú ngụ ».
- Điều thứ ba là sự tình cờ. Nếu mọi sự đều là tình cờ thì đâu cần biết ơn ai. Vậy thử hỏi xem tôi sinh ra là do sự tình cờ hay do tình yêu của Cha Mẹ ? Lúc này tôi được sống như là một Linh Mục cũng tình cờ sao? Rồi ánh sáng sưởi ấm cuộc đời tôi cũng tình cờ đến hay thế nào?
- Điều thứ bốn phá hủy lòng biết ơn là những đòi hỏi sai lầm và lòng tham vô đáy. Nếu tôi luôn tự nhủ với mình rằng : « Tôi có quyền được sở hữu tất cả và có quyền nhận được mọi sự một cách nhưng không », thì lòng biết ơn đang bị đẩy lui về phía sau, để nhường chỗ cho lòng tham lam vô đáy. Triết gia người Pháp Pascal Bruckner đã miêu tả con người như là một em bé « vĩ đại » có lòng tham lam không đáy và luôn đòi hỏi xã hội hết điều này đến điều khác. Nếu « em bé vĩ đại » không nhận được điều mình muốn để có cuộc sống sung sướng, thì em sẽ coi mọi người xung quanh là những người có lỗi với nó. Ngược với điều trên, Dieter Hildebrandt, một nghệ sỹ người Đức đã nói rằng “Thay vì cứ than van rằng, chúng ta không nhận được tất cả những gì chúng ta muốn, thì tốt hơn chúng ta cần ý thức luôn sống biết ơn, vì may mà chúng ta không phải nhận những hậu quả của những hành động và thái độ xấu xa của chúng ta. »
Có lẽ chứng kiến quá nhiều sự vô ơn trong xã hội và cuộc sống của con người, nên nhà văn người Nga Fjodor Michailowitsch Dostojewski đã mỉa mai rằng: « Tôi nghĩ rằng, câu định nghĩa hay nhất về con người là : Con người là con vật hai chân vô ơn ». Câu định nghĩa này một cách nào không sai. Chúng ta nhớ lại câu chuyện của Chúa Giê-su gặp gỡ mười người phong hủi. Khi thấy Chúa Giê-su đi vào một làng nọ, họ đã đón Ngài và đã xin Ngài chữa lành. Với tất cả lòng nhân từ Chúa Giê-su đồng ý chữa lành cho họ, và nói họ hãy lên đường đi trình diện với các tư tế. Khi đang ở trên đường, thì cả mười người thấy mình được khỏi, nhưng sau đó chỉ có một người quay lại cám ơn Chúa. Thấy thế, Chúa Giê-su đã lên tiếng : « Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa ? »
Không trở lại để tỏ lòng biết ơn, đó là dấu hiệu chỉ ra chín người kia, dù được khỏi nhờ lòng nhân từ của Chúa và lòng tin của mình, nhưng niềm tin của họ vẫn chưa xác thực và còn hời hợt, vì niềm tin của họ không đi đôi với lòng biết ơn Thiên Chúa. Và vì không ý thức biết ơn Thiên Chúa, nên họ cũng không ý thức sống trong tương quan gần gũi với Ngài và với anh chị em. Vâng, người vô ơn là một con người sống trong một hoang đảo. Họ là người cô đơn, người tự xây bức tường thành cao và kiên cố trước bất cứ tương quan nào.
Ngược với chín người vô ơn, người biết ơn duy nhất trở lại để gặp Chúa Giê-su và cám ơn Ngài. Lời cám ơn của anh ta kết hiệp với niềm vui sâu sa, và niềm vui đó thúc dục anh ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa. Theo François Bovon, nhà chú giải thánh kinh người Thụy Sĩ, thì thái độ của người biết ơn này giúp cho anh ghi sâu ơn chữa lành vào trong lòng, làm cho niềm tin của anh vào Chúa được mạnh mẽ và trưởng thành hơn. Vâng, niềm tin trưởng thành luôn đi đôi với lòng biết ơn và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng biết ơn cũng giúp cho anh hoán cải hoàn toàn, để giờ đây anh được sống trong tương quan gần gũi với Chúa. Thực vậy, ai học sống biết ơn, thì họ sẽ được chữa lành và mạnh khỏe trở lại. Mạnh khỏe trong thân xác và tinh thần, cũng như « mạnh khỏe » trong tương quan với Thiên Chúa và với mọi người.
Khi ai luôn sống biết ơn, thì người đó cũng đang sống trong tương quan thân mật với mọi người. Người biết ơn luôn coi trọng người khác và quý những tương quan. Lòng biết ơn là một nhịp cầu để người đến với người. Qua nhịp cầu đó tôi đến với em, và chị đến với anh. Lòng biết ơn làm nảy sinh một bầu khí yêu thương, một tinh thần chung với nhiều cảm thông và sẵn sàng sẻ chia. Và lòng biết ơn giúp cho đời người tránh được những ích kỷ chôn vùi con người trong một ốc đảo vắng bóng hai từ « cám ơn ». Hơn nữa, lòng biết ơn cũng đem lại sức mạnh cho người khác để xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ, như Albert Schweizer nói. Vì thế, một xã hội mà trong đó mọi người đều ý thức sống tinh thần biết ơn nhau, thì xã hội đó sẽ tốt đẹp biết chừng nào.
Ngoài ra, người biết ơn trong sâu thẳm của tâm hồn không bao giờ quên rằng bây giờ tôi là ai và tất cả những gì tôi có hiện nay, đều do bởi ân sủng của Thiên Chúa, và nhờ sự nâng đỡ của Cha Mẹ và của nhiều anh chị em thân yêu khác. Và khi luôn ý thức sống trong sự biết ơn người khác, thì trong tâm hồn người đó bầu khí tươi vui của mùa hè vĩnh cửu luôn hiện diện, như thi sĩ người Hoa Kỳ Celia Layton Thaxter đã nói. Cũng thế, lòng biết ơn làm cho cả những người nghèo khổ nhất trở nên giàu có, như suy nghĩ của nhà giáo cũng là triết gia người Đức Andreas Tenzer.
Hơn nữa, lòng biết ơn luôn xuất phát từ chính sâu thẳm của tâm hồn. Nói cách khác, lòng biết ơn chính là trí nhớ của con tim. Triết gia người Pháp Gabriel Marcel cũng thấu hiểu giá trị của lòng biết ơn khi ông nói rằng: « Lòng biết ơn là sự tỉnh thức của tâm hồn chống lại tất cả những thế lực có sức mạnh tàn phá. » Và khi tâm hồn càng tỉnh thức và trân trọn cuộc sống, thì hai chữ « cám ơn » không ngớt vang lên.
« Cám ơn » hai tiếng nói rất đơn sơ nhưng chứa đựng một sứ điệp rất cao quý. Sứ điệp của tình Chúa với tôi, của tình người với người, sứ điệp của lòng khiêm nhường và của sự tôn trọng. Chẳng phải là vô lý và vô nghĩa khi từ nhỏ cha mẹ đã dạy con mình hai tiếng cám ơn. Chúng ta thử mường tượng xem một đứa bé lớn lên trong một môi trường không có hai tiếng cám ơn, nơi đó lòng người không rung động trước những hành động cao cả, thì thử hỏi xem em bé đó sẽ trở thành một con người như thế nào? Hai tiếng cám ơn gắn liền với đời sống ấu thơ, nhưng hai từ này cũng gắn bó với người trưởng thành. Người ta có thể đánh giá một con người qua một điều, là người đó có biết cám ơn và có tỏ lộ lòng biết ơn hay không. Vì thế thật là đau đớn khi bị mắng là kẻ vô ơn, là “đồ ăn cháo đá bát”. Và ngược lại cuộc sống đang đẹp sẽ càng đẹp hơn, khi con người mỗi ngày cất lên bài ca tạ ơn.
Johann Kaspar Lavater, triết gia người Thụy Sĩ đã nói rằng : « Mỗi ngày tôi muốn cám ơn về tất cả những gì tôi nhận được, về những gì tôi được phép tận hưởng trước cả vạn người. Luôn luôn sống biết ơn. Đó là đức hạnh đầu tiên tôi cần cố gắng tập. » Và David Steindl-Rast, một tu sĩ Biển Đức, viết trong cuốn sách Sự chú ý của con tim: « Từ sáng tới tối, trong từng khoảng khắc của thời gian, chúng ta nhận được vô vàn món quà và hồng ân. Chúng ta chỉ cần chú ý đến điều đó và lòng biết ơn sẽ từ từ lớn lên trong chúng ta. Nhưng chúng ta có chú ý đến những món quà và hồng ân đó không? Đây chính là câu hỏi đặt ra cho chúng ta. » Câu hỏi này cũng chính là động lực giúp mỗi người ý thức biết ơn và mở lời cám ơn.
« Cám ơn Cha Mẹ đã sinh tôi vào cuộc đời, đã nuôi nấng và bao bọc tôi ? Cám ơn Anh Chị trong gia đình, các Thầy Cô Giáo, các Cha và các Sơ, Anh Em trong nhà Dòng, Cô Chú cùng biết bao người thân yêu đã đón nhận tôi, và đồng hành hướng dẫn cùng dạy dỗ tôi. Cám ơn những người Bạn tri kỷ luôn có mặt bên cạnh tôi, lắng nghe, cảm thông và chia sẻ với tôi cả niềm vui cũng như nỗi buồn. Cám ơn tất cả mọi người gần và xa đã cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể sống tinh thần dâng hiến và phục vụ.
Cũng xin cám ơn về bầu trời xanh đẹp đẽ, về tiếng hót thánh thót của chú chim trên cành cây xanh. Cám ơn vì hôm nay tôi có một cuộc sống thanh bình, một sức khỏe dồi dào và một cộng đoàn ấm cúng. Cám ơn về không khí trong lành và về vẻ đẹp tuyệt vời của những cành lá đang đổi màu trong mùa Thu. Cám ơn vì tôi có một đêm thật ngon giấc, vì tôi lại được bắt đầu một ngày mới, và vì tôi có một công việc để làm.
Cũng xin cám ơn vòng tay của người bạn thân sau những giờ phút tâm sự, về cái bắt tay nhân ái với chính người mà tôi mới tranh luận cách gắt gao. Lời cám ơn cũng xin được thốt lên, vì tôi được khỏe lại sau một cơn bệnh, và vì tôi được phép về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn sau thời gian dài phải xa quê. Và trên hết, lời cám ơn xin gởi đến Thượng Đế trên cao, Đấng mà tôi tin. Vâng, xin cám ơn Ngài về lòng nhân hậu của Ngài sẵn sàng tha thứ khi tôi lỡ lầm và về lời thật dịu êm của Ngài nói với tôi : « Trong đôi mắt Cha con thật là quý giá ».
Thực vậy, lòng biết ơn mang một giá trị cao quý. Thánh I-Nhã đánh giá rất cao lòng biết ơn, đến nỗi ngài đã đề nghị hồi tâm mỗi ngày hai lần, và mỗi lần khoảng mười lăm phút để nhìn lại đời sống của mình trong ngày. Điều đầu tiên cần làm trong những phút hồi tâm là xin Chúa giúp cho mình nhận ra tất cả những món quà và hồng ân mà mình nhận được trong ngày, và cũng xin giúp luôn ý thức biết ơn Chúa và mọi người về những món quà đó. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, khi ý thức để cám ơn một người ban tặng cho tôi món quà, thì giá trị món quà đó tăng lên gấp đôi, và tương quan tình yêu và tình thân của tôi với người đó sẽ được xây dựng và thăng tiến hơn. Tóm lại, qua những giây phút hồi tâm, cụ thể với sự ý thức sống biết ơn mỗi ngày, thánh I-Nhã giúp chúng ta xây dựng một cuộc sống sung mãn trong tương quan với người thân, với anh chị em, với bạn bè xung quanh, với cả thiên nhiên, và đặc biệt với Thiên Chúa là tình yêu.
Kết thúc bài chia sẻ này, xin mời mọi người cùng với tôi, mỗi buổi tối trước khi đi nghỉ đêm, giành vài phút để cám ơn Chúa và anh chị em, để sống tinh thần « ăn quả phải nhớ người trồng cây, uống nước thì phải nhớ tới nguồn » của dân nước Việt. Cụ thể, trong thinh lặng giơ đôi bàn tay của mình ra và thử hỏi xem hôm nay tôi đã nhận được những món quà và hồng ân gì? Sau đó đưa đôi bàn tay của mình úp chéo vào ngực, cúi đầu và với tất cả lòng thành cám ơn Chúa và anh chị em cùng mọi người, về tất cả những món quà và hồng ân trong ngày sống vừa qua.
Lạy Chúa,
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của con tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều đầu tiên con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài.
không bao giờ con cám ơn Chúa đủ.
Mỗi hơi thở của cuộc đời,
con xin cám ơn Chúa.
Mỗi nhịp đập của con tim,
con xin cảm tạ Ngài.
Cảm tạ Chúa
cho đến giây phút cuối cùng của đời con.
Cám ơn Chúa
là điều đầu tiên con ấp ủ mỗi ngày.
Lạy Chúa,
con xin cám ơn Ngài.
Amen.
Nguyễn ngọc Thế SJ