“Vô tri bất mộ” – không
biết thì không mến. Điều Cổ nhân dạy rất chính xác trong đời sống Đức Tin. Vì
thiếu kiến thức giáo lý, nhiều tín hữu sống Đạo một cách dửng dưng hời hợt bên
ngoài. Giáo Hội miền Bắc đã trải qua những năm tháng khó khăn vì thiếu linh
mục. Vì không có linh mục, nên cũng không có giáo lý viên và những người cộng
tác tông đồ. Rất may là chúng ta vẫn có Ban Hành giáo tại các giáo xứ, giáo họ.
Họ là những cộng sự viên nhiệt thành và hiệu quả trong việc điều hành xứ họ
Đạo. Tuy vậy, phần lớn các thành viên Ban Hành giáo chỉ làm viêc theo lòng
nhiệt thành truyền thống, nên họ cũng chỉ giúp cho các tín hữu “giữ Đạo” mà
không “sống Đạo”.
Thiếu kiến thức
giáo lý sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực trong đời sống đức tin và đời sống xã
hội. Nhiều người chỉ có Đạo trong nhà thờ, còn cuộc sống thường nhật, trong lời
nói việc làm thì không được hướng dẫn bởi đức tin. Những thanh niên thiếu nữ
đến tuổi trưởng thành, vì thiếu kiến thức giáo lý, nên không hiểu biết vai trò
bổn phận của mình. Đến lượt họ trở thành cha mẹ, cũng không hướng dẫn giáo dục Đức
Tin cho con cái. Những bạn trẻ không được học giáo lý dễ dàng bỏ lễ Chúa nhật,
lơ là việc lãnh nhận các Bí tích. Họ dễ dàng mất đức tin khi đi làm hoặc đi học
xa nhà. Nếu thực hiện một cuộc thăm dò để biết kiến thức giáo lý của giáo dân ở
các xứ đạo sầm uất toàn tòng, có lẽ kết quả cho thấy các tín hữu của chúng ta
còn ở trình độ rất khiêm tốn về những điều căn bản của chân lý Đức Tin.
Trong Tông Huấn Dạy
Giáo Lý trong Thời Đại Chúng Ta, Chân Phước Gioan Phao-lô II đã khẳng định,
đối với Giáo Hội, dạy giáo lý là nhiệm vụ tối thượng và là quyền lợi của Giáo
Hội, một quyền bất khả xâm phạm vì phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa và
là nhiệm vụ sống còn để củng cố đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu
và hoạt động truyền giáo bên ngoài (x. số 15).
“Là nhiệm vụ tối thượng” nghĩa là chúng ta
phải dành ưu tiên mọi phương tiện, về tài chính cũng như trí tuệ công sức cho
việc dạy giáo lý. Tại khá nhiều giáo xứ, xem ra điều ưu tiên không được đặt
đúng trọng tâm. Người ta chú ý đến việc xây cất, rước xách và đồng phục của các
hội đoàn nhiều hơn là việc huấn luyện đức tin. Kinh nghiệm cho thấy, thiếu kiến
thức giáo lý, những công trình đồ sộ sẽ trở thành vô nghĩa, thiếu tinh thần đức
tin, những cuộc rước xách sẽ chỉ là lễ hội bề ngoài.
“Là quyền lợi của Giáo Hội”, vì mỗi tín hữu có
quyền được học hỏi và khám phá chân lý, nhờ đó mà họ sống điều họ học hỏi. Những
người có trách nhiệm như Giám mục đối với giáo phận, linh mục với giáo xứ bị bó
buộc theo lẽ công bằng phải phân phát Lời Chúa cho những cộng đoàn thuộc về
mình. Nhờ việc giảng Lời Chúa và dạy giáo lý, các ngài dẫn đưa các tín hữu đến
gặp gỡ Đức Giê-su, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta, để nhờ Người mà họ đến
gặp gỡ Chúa Cha, là đích điểm của muôn loài muôn vật.
“Là một quyền bất khả xâm phạm”. Trong Tông huấn
nêu trên, Vị Chân phước Giáo Hoàng đã nêu rõ, tại một số quốc gia, việc học
giáo lý vẫn bị cấm đoán hoặc là lý do để gây phiền nhiều. Ngài mạnh mẽ phản đối
và kêu gọi các vị lãnh đạo những quốc gia hãy tôn trọng và mở cánh cửa tự do
cho những ai muốn đi tìm kiếm sự thật, và một khi đã được gặp gỡ Đức Giê-su là
Sự Thật tuyệt đối, họ sẽ góp phần xây dựng quê hương đất nước của họ (x. số 14).
Việc học hỏi giáo
lý sẽ góp phần củng cố đời sống Đức Tin, đồng thời xây dựng tình hiệp thông
trong cộng đoàn địa phương, góp phần cho công cuộc truyền giáo. Đây là một
nhiệm vụ “sống còn”, tức là liên hệ đến sự phát triển hay suy thoái của Giáo
Hội.
Dạy giáo lý cho
những thế hệ tương lai là bổn phận chung của mỗi người tín hữu, từ hàng giáo sĩ
đến giáo dân. Một số phụ huynh có thói quen “khoán gọn” việc dạy giáo lý cho
giáo xứ, không để ý quan tâm đến việc trau dồi kiến thức Đức Tin cho con cái
mình. Thậm chí có những người cha mẹ còn viện đủ lý do cho con mình “trốn” việc
học giáo lý.
Dạy giáo lý không
phải là truyền đạt một mớ kiến thức, như những giáo viên truyền đạt kiến thức cho
học sinh ở trường học. Người dạy giáo lý vừa chuyển tải kiến thức trong sách
vở, vừa phải dẫn học viên đến gặp gỡ Chúa. Vì thế mà trước mỗi buổi học, giáo
lý viên và học viên phải cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần. Cuối buổi học cũng
là lời cầu nguyện để mỗi người biết sống những điều vừa học. Quả vậy, Chúa đang
hiện diện và ngỏ lời với chúng ta trên từng trang sách. Học Giáo lý giúp chúng
ta trưởng thành trong Đức Tin và dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống mới, cuộc sống
kết hợp với Đức Kitô, nên một với Người.
Sách Giáo lý Hội
Thánh Công giáo, được soạn thảo và công bố năm 1992, bao hàm những nội dung căn
bản của Đức tin. Nhân Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI mời gọi chúng ta
hãy tái khám phá giá trị vô song của cuốn sách này. Ngài đã viết: “Qua cách cấu trúc, Sách Giáo Lý Hội Thánh
Công giáo trình bày sự phát triển Đức Tin vươn đến tận những đề tài lớn của đời
sống hằng ngày. Qua các trang sách, có thể thấy điều được trình bày trong sách
Giáo Lý không phải là một lý thuyết, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Người
đang sống trong Giáo hội. Quả thật, sau phần Tuyên xưng Đức Tin, là phần giải
thích đời sống bí tích, trong đó Chúa Kitô hiện diện, hoạt động và tiếp tục xây
dựng Giáo hội của Người. Nếu không có phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên
xưng Đức Tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu ân sủng nâng đỡ việc làm chứng của các
Kitô hữu. Cũng vậy, giáo huấn của sách Giáo Lý về đời sống luân lý đạt trọn vẹn
ý nghĩa nếu được đặt trong tương quan với Đức Tin, phụng vụ và cầu nguyện”.
Theo truyền thống
của giáo phận Hải Phòng, tháng Bảy dương lịch dành cho việc học giáo lý của các
em thiếu nhi. Đáng tiếc là con số giáo lý viên của giáo phận vẫn rất khiêm tốn.
Phải chăng chúng ta chưa đặt mối quan tâm cần thiết cho công việc quan trọng
này? Chúng ta hãy cầu nguyện và cộng tác để mọi người thấy được ý nghĩa của
việc huấn luyện quan trọng này. Giáo Hội tương lai sẽ thuộc về những thiếu nhi
mà chúng ta đang vun trồng hôm nay. Nhờ được huấn luyện, các em sẽ trưởng thành
trong Đức Tin và trong đời sống con người.
+Gm Vũ Văn Thiên