Một người
khách đến bấm chuông cửa và hỏi đứa bé: “Bố cháu có ở nhà không?” Chú bé biết
là bố ở nhà, nhưng nếu nói cho khách biết thì sợ bố sẽ lánh mặt. Để bảo vệ sự
thật là bố có ở nhà, chú bé đành nói dối: “Dạ bố con đi vắng”!
Có lẽ không đâu trên thế
giới này người ta che giấu sự thật dễ dàng như ở nước ta. Nguyễn văn Vĩnh đã từng
than thở “An nam ta có cái lạ là gì cũng cười”, bây giờ nếu ông còn sống ông sẽ
lại than “có thêm cái lạ là gì cũng thêm bớt”.
Cậu bé đi mua cho mẹ một
ký nho. Khi cậu về đến nhà, người mẹ cân lại thấy chỉ có 800g. Bà chạy ra chợ hỏi
tội cô bán nho cân thiếu. Cô bảo: “Chị cân lại con chị trước đi!”. Cô bán nho
cân gian hay cậu bé ăn bớt, hay cả hai?
Từ lúc còn nhỏ xíu, học
sinh đã được dạy gian dối để giúp cô giáo thao giảng đạt điểm cao, để nhà trường
có thành tích, để bố mẹ vui lòng. Đi học có mấy người không quay cóp khi làm
bài. Khi tôi kể với sinh viên rằng trước đây khi tôi học các cha dạy, ai quay
bài có thể bị đuổi học, sinh viên cười ồ tưởng tôi nói đùa. Họ không hiểu rằng
có những nơi mà sự thật được tôn trọng, ngay trên đất nước này.
Sự thật là điều hiển
nhiên, thực sự có mặt hoặc xảy ra. Sự thật vẫn có đó dù người ta che giấu. Cái
bi đát là khi người ta che giấu sự thật, lòng họ càng không yên vì họ biết sẽ
có ngày sự thật hiện ra. Những anh phóng viên báo Hà nội mới chẳng hạn, nếu có
chút lương tâm ắt sẽ rất lo buồn vì những điều họ nói năm ngoái bây giờ ai cũng
biết sự thật.
Tôi ra công an phường để
xác nhận giấy tờ cháu bé nhà tôi. Bà công an khu vực đã biết cháu bé, nhưng lại
bảo là không biết nên không đóng dấu. Tôi bảo: “Chị nhìn lên năm điều dạy công
an đi, phải trung thực và lễ phép với dân, sao chị nói dối?”. Bà ta gân cổ lên
cãi. Tôi không ngạc nhiên nhưng bực bội vô cùng.
Đối với những người có
lương tâm ngay chính, nói dối là điều khó khăn. Nhưng trong xã hội này, nói dối
đã thành điều quá dễ dàng, thậm chí người ta xác tín điều họ nói dối, lâu ngày
sự giả dối được coi là sự thật. Rồi có ngày sự thật được phát hiện, người ta lại
bảo những người phát hiện là kẻ nói dối! Tại sao lại như vậy được? Tại sao?
Có một số học trò hỏi
tôi rằng biết sự thật để làm gì, vì chỉ cần đi học, đi làm mà sống thôi, giả thật
có gì quan trọng. Một phụ huynh sinh viên gọi điện thoại hỏi tôi làm sao để có
chứng chỉ B tiếng Anh nộp cho cơ quan nhà nước nơi bà đang làm việc. Tôi trả lời
là hãy cố gắng học lại và đi thi. Mấy hôm sau cô sinh viên con của bà đến nói với
tôi: “Mẹ em nói cám ơn thầy, nhưng thầy khỏi giúp nữa vì mẹ có chứng chỉ B rồi!
Trong cơ quan mẹ em có khoảng mười cô chú góp tiền lại, mỗi người một triệu hai
để mua rồi thầy ạ”. Rõ ràng không cần sự thật thì mọi chuyện cũng xong xuôi!
Vậy nói thật để làm gì?
Câu trả lời không dễ trong một xã hội vốn không đề cao sự thật và các giá trị
căn bản. Nhưng sự thật là nền tảng xây dựng cuộc đời và xã hội, không có sự thật,
tất cả sẽ tan tành! Vậy tại sao sự giả dối tồn tại lâu dài? Vì có ma quỷ, cha sự
dối trá, đỡ đầu cho nó.
Nói lên sự thật là bảo vệ
sự sống, bảo vệ nền hoà bình và nhân phẩm con người. Nói lên sự thật còn là
cách giải thoát con người khỏi vòng kiềm toả của “thế gian điêu ngoa” (theo
cách nói của Cha Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt nam). Chỉ có sự thật mới xua
tan cái điêu ngoa đang làm thế gian này lao đao và băng hoại.
Sự thật đem lại hoà
bình, đem lại an vui và giúp con người tự tin với giá trị của mình. Những người
có quyền chức mà mua bằng cấp thì có hãnh diện gì khi xưng học hàm học vị? Những
kẻ nhờ gian xảo mà thành công thì có an lòng với địa vị mình hay không? Ngay cả
các vị chủ chăn, khi đã lỡ che giấu sự thật thì liệu có bình an trong đời sống
và công việc mục vụ?
“Sự thật ở đâu?” vẫn còn
là nỗi khắc khoải khôn nguôi, nếu người ta không nhớ rằng chính Đức Giêsu đã mạc
khải “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”, và sứ mạng Giáo Hội chính là
loan báo Sự Thật mà Người đã mạc khải, không che giấu và không sợ hãi.