5 thg 8, 2015

Tìm hiểu về nguồn gốc Lòng Chúa Thương Xót

Được đăng bởi: Unknown on 5 thg 8, 2015 | 5.8.15

Chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh năm nay nhằm ngày 12 tháng 4 năm 2015 là Đại lễ Kính Trọng thể Lòng Chúa Thương xót.
Như mọi năm, Tại các Giáo phận Cộng đòan Lòng Chúa Thương xót sẽ tổ chừc trọng thể lễ này. Để giúp độc giả, cách riêng anh chị em thuộc các Cộng đòan Lòng Chúa Thương xót tại các giáo xứ hiểu rõ về Vị Thánh được chọn là Thánh Tổ của Phong trào Lòng Chúa Thương xót tòan cầu, gốc tích của Linh ảnh, cũng như lịch sử hình thành ngày Lễ. Xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài sau đây:


1-      Sự tích :
 
              Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina ( Ba Lan ) trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đó và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu nói với thánh nữ:

              “Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho linh hồn thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn ấy như là bảo vệ vinh quang của riêng Cha.”

             Khi Thánh nữ nói điều này với cha giải tội, chị nhận được câu trả lời thế này: "Điều ấy có ý chỉ về linh hồn của con". Người bảo chị là: "Đúng đấy, hãy vẽ hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn của con". Ra khỏi toà giải tội, chị lại nghe thấy những lời như sau:” Hình ảnh của Cha đã sẵn có nơi linh hồn con rồi. Cha mong có một Lễ Kính Lòng Thương Xót. Cha muốn bức ảnh mà con vẽ bằng cây cọ này phải được long trọng làm phép vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau Lễ Phục Sinh. Ngày Chúa Nhật này phải là ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót. Cha ước mong các linh mục loan truyền tình thương vĩ đại này của Cha cho các linh hồn những tội nhân. Để tội nhân đừng sợ tiến đến với Cha. Những ngọn lửa tình thương đang nung nấu Cha - bừng bừng muốn toé ra, Cha muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống trên các linh hồn ấy. Cha muốn bức ảnh này phải được trưng bày nơi công cộng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Chúa Nhật này là Lễ Kính Lòng Thương Xót”.
 
          2- Nguồn gốc tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót :

 
           Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock sơ Faustina được Chúa Giêsu hiện ra. Trong nhật ký sơ ghi: "Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Ngài mặc áo trắng, một tay Chúa giơ lên ban phép lành, tay kia đặt trước ngực. Từ nơi ngực Chúa có hai luồng ánh sáng chiếu tỏa ra. Một luồng màu đỏ, luồng kia màu trắng nhạt. Chúa phán với tôi: "Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa" (gốc tiếng Ba Lan là Jezu, Ufam Tobie, ta thường thấy bản dịch ra tiếng Anh là Jesus, I trust in you)

                Sơ có hỏi về ý nghĩa của 2 luồng sáng đó, Chúa nói:

              "Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ."

                 Sơ đi hỏi mẹ bề trên, và bà đã trả lời: "Con hãy vẽ Chúa đi". Nhưng vì khả năng hạn hẹp, nên dù đã cố gắng, không có bức vẽ nào đẹp.

                 Năm 1934, cha linh hướng Michal Sopócko của sơ liên lạc với 1 họa sĩ tên là Eugeniusz Kazimirowski ở Wilno, để vẽ lại ảnh Chúa theo sự mô tả của sơ, nhưng không được như ý lắm. Đêm sau Chúa phán: "Giá trị của tấm ảnh này không căn cứ trên nét đẹp của màu sắc, nét vẽ, nhưng là ơn phúc của Ta. Đó là một nhắc nhở về lòng thương xót của Ta, Ta ban cho loài người con tàu để đưa họ tới nguồn suối xót thương và múc lấy mọi ơn phúc. Con tàu đó là tấm ảnh này."

               Sau khi người nữ tu Maria Faustina qua đời ngày 05/10/1938, hương thơm thánh thiện của sơ lan tỏa nhiều nơi cùng với sự phổ biến rộng rãi việc thực hành lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Ngoài ra, nhiều người đã được những ơn lành Thiên Chúa ban cho qua lời cầu bầu của sơ Maria Faustina.  Sơ đã ghi lại trong nhật kí của mình những lần được Chúa Giêsu hiện ra và trò chuyện với chị. Cuốn nhật kí được coi như sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót.
.
               Ngày 18/04/1993, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân phước cho Nữ tu Faustina Kowalska sau khi một người phụ nữ tên Maureen Digan được chữa lành khỏi một bệnh di truyền về máu nhờ lời cầu bầu của nữ tu Faustina. Và cuộc phong thánh vào ngày 30/04/2000 với rất nhiều người tham dự là kết quả của một phép lạ chữa lành cha Ronald P. Pytel (Baltimore, Hoa Kỳ) khỏi bệnh tim.. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi Thánh nữ Maria Faustina là "món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta".
 
2-      Lễ kính Lòng Thương Xót Chúa :
 
               Ðức Thánh Cha cũng đã chính thức công bố từ nay về sau Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ".

                 Việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót hiện nay được phổ biến trong nhiều quốc gia khắp thế giới qua sự cổ võ hoạt động của khoảng 2 triệu thành viên trong tổ chức "Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa" gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

                  Quyển nhật kí của sơ Maria Faustina sau này được biên tập và xuất bản lại dưới tựa đề: Divine Mercy in My Soul: The Diary of St. Faustina.
                 Tại Việt Nam chúng ta, Phong trào cổ võ Lòng Chúa Thương Xót đã rộ lên từ đầu thập niên 90 một cách âm thầm và tự phát từ các nhóm nhỏ các tín hữu. Sau khi Nữ tu Faustina Kowalska đựoc phong chân phước, tấm ảnh Lòng Chúa Thương xót và những bản kinh được lưu truyền tại Việt Nam một cách hạn hẹp vì tình trạng in ấn lúc đó chưa được thuận tiện, công nghệ chưa hiện đại. Phải đến sau năm 2000, sau lễ nâng Chân Phước Faustina lên bậc hiển Thánh, Phong trào Lòng Chúa Thương Xót mới được lan rộng. Tấm Linh ảnh được công khai phổ biến với kỹ thuật in ấn tiên tiến cùng với tòan văn bản Thông điệp”Thiên Chúa giàu lòng Thương Xót “ được phát hành rộng rãi, cộng với việc tổ chức các giờ cầu nguyện trước Linh ảnh; lần chuỗi Mân Côi và chuỗi kinh Lòng Chúa Thương xót được đông đảo tín hữu khắp nơi khẩn nguyện.

              Ngày 1 tháng 6 năm 2008, để đưa những họat động của Phong trào sùng kính LCTX đi đúng hướng của Giáo hội, Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Giáo phận SaiGòn đã chính thức bổ nhiệm Linh Mục GB Võ Văn Ánh là Tổng Linh Hướng cho Cộng đòan Lòng Chúa Thương xót Tổng Giáo phận. Từ đó đến nay, Phong Trào tôn sùng Lòng Thương Xót của Chúa đã lan rộng trên tòan thể các Giáo phận của Giáo hội Việt Nam. Lời kinh “ Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha Thương Xót chúng con và tòan thế giới “ vẫn đang vang lên trong các gia đình và các cộng đòan mỗi ngày hầu đón nhận Lòng Thương xót của Chúa đến với nhân lọai .

                                                                                                  Fx Đỗ Công Minh
                                                                                   ( tham khảo: banthothienchua.com)