11 thg 9, 2015

“Amen” - Tiếng thưa “Vâng” của người Kitô hữu

Được đăng bởi: Unknown on 11 thg 9, 2015 | 11.9.15

Dẫn nhập

Từ “Amen” là một từ ngữ rất quen thuộc với người Kitô hữu trong đời sống kinh nguyện của mình. Tuy nhiên, khi nói đến ý nghĩa nguyên ngữ, ý nghĩa thần học của “Amen” thì không phải ai ai cũng có thể hiểu được cặn kẽ, hiểu đúng và đầy đủ tất cả mọi khía cạnh ngữ nghĩa của nó một cách thấu đáo, khúc chiết.
Riêng trong Phụng vụ, từ “Amen” lại mang nhiều sắc thái, nhiều cung bậc và sự đa dạng ngữ nghĩa cho mỗi hoàn cảnh. Từ “Amen” xuất hiện rất nhiều lần trong Thánh Lễ như trong công thức mở đầu Thánh Lễ “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần” của vị chủ tế và cộng đoàn đáp lại “Amen”; hay cuối các lời nguyện “Nhập Lễ”, kinh Sám Hối, kinh Tin kính, lời nguyện tín hữu, lời nguyện Tiến Lễ, lời nguyện Hiệp thông, lời nguyện Hiệp lễ, khi giáo dân rước lễ cũng được kết thúc bằng tiếng “Amen”,… Tiếng “Amen” đã trở thành tiếng đặc trưng trong mỗi hành vị phụng vụ của Hội Thánh theo suốt chiều dài lịch sử của mình. Vậy “Amen” có ý nghĩa là gì? Nó đã được sử dụng ra sao? Đâu là nền tảng của tiếng “Amen”? “Amen” mang ý nghĩa thần học như thế nào trong đời sống người Kitô hữu? Để có được câu trả lời cho những vấn nạn trên, chúng ta cùng tìm hiểu về thuật ngữ “Amen” dựa trên nền tảng Kinh Thánh, cũng như những hướng dẫn của Giáo Hội về cử hành phụng vụ thánh, và nhất là trong Thánh Lễ.

  1. Từ Ngữ
    1. Một số định nghĩa

“Amen” hay “A-men” là từ có gốc Hípri là אָמֵן[1] được viết bằng ba phụ âm cơ bản “ןמא - Aman” với nghĩa: vững chắc, được chứng thực, đáng tin, chính xác,... mà cấu thành thuật ngữ phổ biến trong một số ngôn ngữ Semit như tiếng Aram hay tiếng Syria. “Amen” được đưa vào tiếng Hy Lạp vào thời kỳ đầu của các giáo hội Do Thái giáo. Và sau này, nó được du nhập vào các ngôn ngữ khác của phương Tây như La tinh, Anh ngữ,…

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, từ  “Amen” được nhắc đến lần đầu tiên trong sách Dân số ở chương 5, 22 nói về việc vị tư tế khiển trách một thiếu nữ hư hỏng trắc nết, thì người thiếu nữ này phải đáp lại từ “Amen, Amen”[2]. Thế nhưng tác giả sách tiên tri Isaia lại có một lối nhìn táo bạo khi nói “Thiên Chúa của Amen”, có nghĩa là Thiên Chúa Thật[3]. “Amen” còn biểu lộ sự đồng tình với lời nói[4], chấp nhận một sứ mệnh[5], thừa nhận một cam kết[6] và kết thúc một lời nguyện[7] hay một lời tôn vinh Thiên Chúa[8]. Điều này được Giáo Hội ngụ ý rằng “Amen” có thể được dùng để diễn tả sự trung tín của Thiên Chúa, sự chân thật, vững vàng trong các lời hứa của Ngài và lòng trông cậy của con người đối với Ngài. (x. GLHTCG 1062)

Vào thời Tân ước, thuật ngữ “Amen” được chính Đức Giêsu sử dụng như một công thức mặc khải. “Amen” như là cách để Người nhấn mạnh về những điều Người giảng dạy, những gì Người nói là chính Lời của Thiên Chúa vậy[9]. Tác giả sách Khải Huyền đã sử dụng thuật ngữ “Amen” để chỉ chính tước hiệu của Đức Giêsu. Chính Người là “Amen” của Thiên Chúa, vì Người thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa[10]. Sách Khải Huyền dùng từ “Amen” trong các lời nguyện xin hay lời tung hô như: “Amen dùng kèm với từ đúng thế (Kh1,7); Amen kết thúc lời tung hô (Kh 1,6b); Amen khởi đầu và kết thúc một lời tung hô (Kh 7,12); Amen là lời đáp sau lời tung hô (Kh 5,13); Amen đứng trước từ Ha-lê-lu-ia làm thành lời tung hô độc lập (Kh 19,4); Amen đứng trước lời nguyện xin (Kh 22,20)”.[11] Điều này được thánh Phaolô làm nổi bật hơn khi gọi người là chứng nhân trung thành và chân thật của Thiên Chúa.[12]

Trong truyền thống Phụng vụ, thuật ngữ “Amen” được Giáo Hội sử dụng như công thức để bày tỏ sự thông hiệp của cộng đoàn với vị chủ tế, cùng tin nhận và tôn vinh Thiên Chúa.[13]

Như vậy, thuật ngữ “Amen” có nhiều nghĩa, “Amen” vừa đảm bảo tính xác thực về những lời Đức Giêsu vừa mở đầu những mặc khải quan trọng. Mặt khác,  “Amen” cũng cho thấy Đức Giêsu cũng chính là Đấng Amen, là Đấng hiện có, đã có và đang đến[14] là “Chứng Nhân trung thành và chân thật”[15]; đồng thời “Amen” cũng là lời tung hô và ca ngợi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa. Sau cùng “Amen” còn là lời nguyện xin, niềm xác tín vào Thiên Chúa - Ngài sẽ thực hiện điều đã hứa,… Vì tính đa nghĩa của thuật ngữ “Amen”, cũng như cách dùng đa dạng của nó nên “Amen” không thể dịch sang tiếng Việt[16]cách sát nghĩa được.

  1. Các vị trí thường gặp của từ “Amen”

“Amen” không chỉ là một từ ngữ phong phú về ngữ nghĩa mà còn là một từ có vị trí trong cấu trúc câu văn khá phong phú. “Amen” có thể đứng trước hay sau một câu văn. “Amen” cũng có thể được lặp đi lặp lại nhiều lần hay đứng độc lập. “Amen” đứng trước hay đứng sau trong mỗi cấu trúc câu văn cũng có thể có một ý nghĩa khác. Thông thường “Amen” được xuất hiện trong Thánh Kinh theo ba cách: “Amen” được dùng ở đầu câu văn, “Amen” được dùng độc lập, và “Amen” được dùng ở cuối.

“Amen” được dùng ở đầu câu nhằm ám chỉ đến những lời của người đối thoại và đưa ra một câu khẳng định, như trong sách Các Vua có viết: “Amen, xin Ðức Chúa, Thiên Chúa của đức vua Chúa thượng của hạ thần phán như vậy!”[17]

“Amen” được dùng độc lập cũng ám chỉ đến những lời của người đối thoại nhưng không bổ sung thêm lời khẳng định, như trong sách Nơkhêmia: “Rồi tôi giũ vạt áo mà tuyên bố: Thiên Chúa cũng sẽ giũ như thế này bất cứ người nào không giữ lời thề đó, làm cho nhà cửa, của cải nó ra tan hoang. Nó sẽ bị giũ sạch như thế này và ra xác xơ.” Toàn thể đại hội thưa: Amen!, rồi ca ngợi Đức Chúa. Và dân đã làm theo lời thề hứa.”[18]

“Amen” được dùng cuối đoạn, như một lời tán đồng mà ta có thể bắt gặp trong các Thánh Vịnh 41, Thánh Vinh 89, Thánh Vịnh 106 như “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen. Amen.”[19]; “Chúc tụng Chúa đến muôn đời. Amen. Amen.”[20]; “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Toàn dân hãy hô lớn: Amen! Amen!”[21]

  1.  “Amen” Trong Kinh Thánh
    1. Trong Kinh Thánh Cựu Ước

Ngay trong Kinh Thánh Cựu Ước, “Amen” được dùng với ý nghĩa mong ước hoạt động của Thiên Chúa mạnh mẽ hơn, hoặc để liên kết với lời ca tụng Thiên Chúa[22]. Để hiểu thêm về nghĩa của chữ “Amen” chúng ta có thể đọc lại bản văn Kinh Thánh có từ “Amen”. Chẳng hạn, trong sách ngôn sứ Giêrêmia, tác giả viết “Amen”, Ứơc gì Đức Chúa làm như thế”[23] thay cho kiểu dùng lặp lại Amen, Amen. Hay nói cách khác “Amen, Amen” có cùng một ý nghĩa với “Amen, Ứơc gì Đức Chúa làm như thế”. Trong khi đó tác giả sách Isaia lại muốn diễn tả về một danh xưng của Thiên Chúa là “Thiên Chúa Chân Thật” nhưng không sử dụng cụm từ “God of Truth” mà đã sử dụng cụm từ “God of Amen.”[24]

            Trong Kinh Thánh Cựu Ước chữ “Amen” cũng được nhắc tới nhiều, nhưng chủ yếu thể hiện sự khẳng định, hay sự đồng thuận với ý kiến của người khác. Điều này được tác giả sách Đệ Nhị Luật nhắc đến ở chương 27, 14-26 như sau: “Các thầy Lêvi sẽ cất giọng và lớn tiếng nói với mọi người Ít-ra-en: Ðáng nguyền rủa thay người tạc tượng đúc tượng - điều ghê tởm đối với Ðức Chúa, đồ vật do tay thợ làm ra - và đặt ở nơi bí mật mà thờ! Toàn dân sẽ thưa: Amen! Ðáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ! Toàn dân sẽ thưa: Amen!”[25] Đây là đoạn văn ngụ ý về một sự chúc dữ không chỉ là của cá nhân vị tư tế nhưng mang tính cách ưng thuận của toàn dân đối với những ai vi phạm luật tôn thờ ngẫu tượng. Sự đồng thuận đó được toàn dân xác nhận bằng tiếng “Amen”. Đối lập lại với một lời chúc dữ như trên, tác giả sách ngôn sứ Giêrêmia lại cho ta thấy rằng “Amen” lại mang hơi hướng của một lệnh truyền và một lời chúc lành khi viết: “Đức Chúa phán thế này: nếu các ngươi nghe tiếng Ta và làm theo tất cả những điều Ta truyền dạy, thì các ngươi sẽ trở thành dân của Ta, và chính Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, để giữ trọn lời Ta đã thề hứa với cha ông các ngươi, là ban cho họ đất tràn trề sữa và mật như ngày hôm nay.” Tôi đã đáp lời và thưa: “Amen, lạy Ðức Chúa!”[26] Bên cạnh tác giả sách ngôn sứ Isaia và ngôn sứ Giêrêmia có cách sử dụng từ “Amen” đối nghĩa nhau thì tác giả Thánh Vịnh còn đi xa hơn nữa khi dùng “Amen” như một lời cầu nguyện mang tính tôn thờ và chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa của mình: “Chúc tụng ÐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen. Amen.”[27] Và “Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh, ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu! Amen. Amen.”[28]

            Như vậy, trong Kinh Thánh Cựu Ước, “Amen” được sử dụng như một ngôn từ phổ biến của mọi sinh hoạt trong xã hội Do Thái thời đó. “Amen” vừa được sử dụng như ngôn ngữ trần tục như một sự thừa nhận, thuần phục con người; lại vừa mang ý nghĩa tôn giáo bởi vì “Amen” như một lệnh truyền, một lời chúc lành của Thiên Chúa dành cho con người; đồng thời cũng thể hiện thái độ chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa của dân Israel xưa.

  1. “Amen” Trong Kinh Thánh Tân Ước

Trong Kinh Thánh Cựu Ước, từ “Amen” dù đã được sử dụng rộng rãi không chỉ ở trong môi trường xã hội nhưng trong cả đời sống tôn giáo. Tuy vậy, ý nghĩa và cách dùng của từ “Amen” vẫn còn những hạn chế nhất định. Ý nghĩa của từ “Amen” chỉ có thể được hiểu sâu xa hơn dưới ánh sáng của Kinh Thánh Tân Ước nhằm đề cao chiều kích thần linh của  lời cầu nguyện. Thường Đức Giêsu dùng “Amen” cách đặc biệt để dẫn vào một lời nói quan trọng. “Amen” ở đây làm nổi uy thế của lời nói[29]. Cao điểm nhất, “Amen” chính là Đức Giêsu.[30]

Có thể nói, từ “Amen” như là thuật ngữ đặc trưng của Kinh Thánh Tân Ước bởi lẽ có thể nói được như vậy là vì chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều bản văn Kinh Thánh dùng từ “Amen”. Chúng ta có thể liệt kê một số đoạn văn tiêu biểu để minh chứng về điều này. Tác giả Tin Mừng Gioan có đoạn viết như sau “Amen, Amen, Thầy nói cho các con biết là nếu người nào trong các con nhớ lời của Thầy sẽ sống đời đời.”[31] Cũng với câu này, Nhóm Giờ Kinh Phụng Vụ Giờ Kinh đã dịch như sau: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” Theo cách trình bày như trên, từ “Amen” có nghĩa là “thật”. Một sự thật được Đức Giêsu khẳng định cách chắn chắn cho những ai tuân giữ luật của Người thì người đó tránh được cái hư mất. Từ “Amen” còn được nhấn mạnh hơn nữa qua mẩu đối thoại của Đức Giêsu với Phêrô như sau: “Anh bảo anh sẽ thí mạng cho Thầy? Amen, Amen, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.”[32] Điều này đã được thánh Phaolô xác quyết cách mạnh mẽ trong thư thứ hai gửi cộng đoàn Côrintô như sau: “Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “Amen” để tôn vinh Thiên Chúa.”[33] Và thánh nhân đã cho thấy Đức Kitô chính là Đấng trường sinh với câu kết bằng từ Amen: “Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã hay có thể thấy: Kính dâng Người danh dự và uy quyền muôn đời. Amen”[34]

            Trong khi đó, tác giả sách Khải Huyền muốn mặc cho Đức Giêsu một danh xưng: “Đấng Amen, Chứng Nhân Trung Thành và Chân Thật.”[35] Đấng ấy đã từng phán rằng “Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống muôn đời. Amen, Ta giữ chìa khóa của Âm phủ và Tử Thần.”[36]Tác giả sách Khải Huyền cũng chỉ cho cộng đoàn Laođikhia thấy về Đấng sắp đến lần thứ hai như sau: “Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là khởi nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng.”[37] Đấng ấy sẽ xuất hiện giữa đám mây: “Kìa Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, ngay kẻ đã đâm người. Mọi dân trên mặt đất sẽ than khóc khi thấy Người. Đúng thế. Amen.”[38] Trước sự trung thành và chân thật của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu đã khiến tác giả sách Khải Huyền phải dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời! Amen.”[39] Lời tung hô chúc tụng này hòa điệu cùng muôn tinh tú và thú vật mà tung hô rằng “Xin kính dâng Ðấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” Bốn Con Vật thưa: Amen.”[40]

Thật vậy, từ “Amen” trong Kinh Thánh Tân Ước được sử dụng rất phong phú và rất năng động bởi nó có thể đứng ở nhiều vị trí khác nhau. Trong Kinh Thánh Tân Ước, chữ “Amen” được dùng nhiều trong ý nghĩa “phải, đúng như thế”. Đức Giêsu khi giảng dạy, Người không chỉ loan truyền Lời Chúa, nhưng chính Người là Lời của Thiên Chúa. Chính vì vậy mà Người hay dùng chữ “Amen” ngay ở đầu câu nói: “Amen, Thầy nói cho anh em biết, họ đã nhận được phần thưởng rồi.”[41] Chữ “Amen” không chỉ được Người sử dụng một lần mà Người còn nhấn mạnh qua cách nhân đôi từ “Amen”: “Amen, Amen, Thầy nói cho anh em hay, anh em sẽ thấy Trời mở ra, và các Thiên Thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người.”[42]

Thế nên, khi đọc lại bản văn Kinh Thánh Tân Ước người đọc không khỏi ngạc nhiên về lối hành văn của các tác giả sách Kinh Thánh. Bộ Kinh Thánh Tân Ước đánh dấu sự chấm dứt bằng từ “Amen”: “Chúc mọi người được ân sủng của Chúa Giêsu. Amen.”[43] Điều này thánh Phaolô đã cảm nhận được khi viết “Vì muôn vật đều do Người mà có; nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.”[44] Sự kết thúc như trên cho thấy từ “Amen” có một ý nghĩa trổi vượt và bao trùm toàn bộ lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Giáo Hội từ lúc khởi nguyên cho đến tận cùng trong Đức Giê-su Ki-tô – Đấng Emmanuel Thiên Chúa ở cùng nhân loại.[45]

  1. Ý Nghĩa Thần Học Của “Amen” Trong Thánh Lễ
    1. Ý nghĩa lời đáp “Amen” trong phụng vụ[46]

Trong cử hành phụng vụ và khi đọc kinh chúng ta thường đọc tiếng “Amen” để báo hiệu kết thúc lời nguyện hay một kinh. Tiếng này được mượn từ cách đọc của anh em Do thái nhưng nó được dùng làm ngôn ngữ riêng của Kitô giáo nhằm để khẳng định hay chấp nhận một cách chắc chắn điều gì đó trong khi cầu nguyện. Trong bộ Thánh Vịnh, tiếng “Amen” kết thúc 4 Thánh vịnh quan trọng sau: Thánh vịnh 40, 14 nói lên lời cầu khẩn khi gặp gian truân; Thánh vịnh 71,19 diễn tả vương quyền của Đấng Mêssia; Thánh vịnh 88, 83 ca ngợi lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa; và Thánh vịnh 105, 48 chúc tụng lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Israel. Hay nói cách khác, người Do-thái dùng tiếng “Amen” trong nhiều lời kinh khác nhau trong mỗi hoàn cảnh khác nhau của cuộc đời, để nói lên niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa.

            Phụng vụ của Giáo Hội cũng lấy lại và duy trì truyền thống đáng trân trọng này của anh em Do thái, nhưng trong cách sử dụng của Kitô Giáo, tiếng “Amen” được mặc lấy nhiều ý nghĩa sâu xa hơn: “Amen” là tiếng chỉ sự chấp thuận, tán thành về một lời cầu xin hay việc làm nào đó vừa được thực hiện, chẳng hạn khi vị chủ tế đọc xong một lời nguyện thì mọi người thưa: “Amen”. Tiếng “Amen” này cũng diễn tả sự đồng tình, chấp thuận lời cầu xin vừa được một người đọc nhân danh cộng đoàn. Tiếng “Amen” lúc này trở nên vừa là dấu chỉ hiệp nhất của tất cả cộng đoàn, vừa là sự thừa nhận tư cách đại diện của người đọc thay mặt cộng đoàn.

            “Amen” là tiếng diễn tả niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều con người nài xin, hay chính Người sẽ thương đón nhận và ban xuống muôn ơn cho các nhu cầu của con người. Vì thế, tiếng “Amen” thường gặp thấy ở phần kết thúc các lời kinh được đọc chung cũng như riêng. Chẳng hạn với Kinh Tin Kính theo Công đồng chung Nixêa (325) - Constantinople (381): “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, […..] Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen.”; hay kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời […] nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”; ….

        “Amen” là lời tung hô chúc tụng Thiên Chúa vì những việc lạ lùng Chúa đã thực hiện, hay để cảm tạ ơn Người vì những hồng ần Người hằng tuôn đổ xuống cho nhân loại. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Kinh Nguyện Thánh Thể, khi mà vị chủ tế nâng cả chén và đĩa Thánh lên rồi đọc: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa Là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.”[47] và mọi người cùng đáp “Amen”. Tiếng “Amen” ở cuối Kinh Tạ Ơn này có thể được hát hay lặp lại nhiều lần một cách vui tươi phấn khởi để nói lên tâm tình tung hô, chúc tụng, tôn vinh của chúng ta trước hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho nhân loại là chính hy lễ của Đức Kitô. Với lời thưa “Amen” này, mọi người một cách nào đó làm cho các lời kinh và lời cầu được công bố bởi linh mục trở nên chính lời của mình, và qua linh mục, họ kết hiệp với hy lễ đời đời của Chúa Kitô.[48]

  1. “Amen” - Lời tuyên xưng đức tin của người tín hữu

            Lời cuối cùng trong Kinh Tin Kính là “Amen”. Trong tiếng Do thái, từ “tin” và từ “Amen” có chung một gốc, có nghĩa là chắc chắn, đáng tin, trung tín[49]. Cho nên từ đầu tiên trong Kinh Tin Kính “Tôi tin” và từ cuối cùng “Amen” tương ứng với nhau. Tiếng “Amen” củng cố sự đáng tin của những điều chúng ta tuyên xưng. Sách Giáo Lý viết: “Đức tin thì chắc chắn, bời vì đức tin dựa trên chính Lời của Thiên Chúa, Đấng không thể nói dối.”[50] Khẳng định này khiến chúng ta ngỡ ngàng bởi lẽ ta thấy niềm tin của mình sao quá mong manh. Thế nhưng nếu chúng ta nhìn đức tin từ quan điểm của Đấng mà mình tin, thì sẽ thấy đức tin của ta dựa trên nền tảng vô cùng vững chắc. Điều chúng ta tin xem ra mù tối, không hiểu nổi; tuy nhiên nó chắc chắn vì Thiên Chúa là Đấng đáng tin.

            Thánh Kinh thường nhắc đến hai phẩm tính song song của Thiên Chúa: nhân hậu và trung tín, tình yêu và chân lý[51]. Từ “trung tín” và “chân lý” có cùng một gốc với những từ “tin” và “Amen”. “Thiên Chúa là chính Chân lý”[52] và lời của Ngài không lừa dối chúng ta. Chính vì thế các tiên tri nói đến “Thiên Chúa của Amen” nghĩa là “Thiên Chúa của chân lý.”[53]

            Như đã đề cập ở trên về tước hiệu, Đức Giêsu Kitô chính là lời “Amen” của Thiên Chúa[54] bởi vì “Mọi lời hứa của Thiên Chúa đều nên trọn nơi Người.”[55] Người là lời “Amen” dứt khoát của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người[56]. Do đó lời “Amen” kết thúc Kinh Tin Kính là lời chúc tụng, tạ ơn của chúng ta trước tình yêu và sự trung tín của Thiên Chúa.

            Lời “Amen” còn làm vọng lại lời cuối cùng trong Sách Thánh: “Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.”[57] Hàm ẩn trong lời “Amen” này là lời cầu khẩn xin Chúa thực hiện điều Ngài đã hứa, xin Chúa hoàn tất những gì Ngài nói và làm. Đức tin của các tín hữu đang gặp nguy nan, có thể bị nhận chìm[58]. Chính vì thế mà các tín hữu phải luôn kêu cầu để xin ơn bền đỗ[59] nhờ đó có thể trung tín với Chúa đến cùng. Các tín hữu phải nài xin Đức Kitô đưa tiếng “xin vâng” nghèo nàn và yếu ớt của mình vào lời “Amen” của Người[60]. Không có ân sủng của Người, không ai có thể đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu Người đã hứa ban. Chính vì vậy mà Giáo lý Công Giáo dạy rằng “vào cuối kinh Vinh tụng ca, người tín hữu thưa “Amen”, có nghĩa là mong được như vậy, với từ “Amen” đó, người tín hữu đóng ấn mọi điều chứa đựng trong lời kinh này mà Thiên Chúa đã truyền dạy.”[61] Hay nói cách khác, khi người tín hữu thưa “Amen!” để kết thúc Kinh Tin Kính, là biểu thị rõ mình đón nhận các chân lý vừa kể làm của mình. Qua lời tuyên xưng công khai ấy, tín hữu cũng đảm nhận lấy sứ mạng làm chứng cho đức tin và làm chứng cho Thiên Chúa trong Hội thánh, giữa thế gian.

  1. “Amen” – diễn tả hành vi hiệp nhất của nhiệm thể[62]

            Trong phụng vụ bên Đông phương cũng như Tây phương, tiếng “Amen”  được các tín hữu thưa lên nhiều lần trong một buổi cử hành Phụng vụ. Thông thường, “Amen” đọc cuối để kết thúc các lời cầu nguyện. Bên cạnh đó, “Amen” còn nói lên lòng hiệp thông của cộng đoàn với vị chủ sự. Bởi vì trong Phụng vụ, “Amen” là hành vi đồng thuận của Dân Chúa trước Công trình của Thiên Chúa, như các thừa tác viên thi hành. Đó cũng là hành vi gắn kết với những lời cầu nguyện được thực hiện nhân danh Người, do chủ tế cử hành. “Amen” mang ý nghĩa trang trọng nhất khi nó là lời được phát ra từ chính môi miệng của các tín hữu vào cuối kinh Tạ Ơn. Tại nơi đây, người Kitô hữu trình bày sự gắn kết của họ với chính hy tế Thánh Thể, được kết luận bằng vinh tụng ca Per Ipsum. Sự đồng thuận này được ví với sự xác nhận Giao Ước giữa Dân Israel với Thiên Chúa tại đại hội núi Sinai. [63] Điều này đã được Giáo Lý Công Giáo dạy rằng các Kitô hữu tập họp nhau lại một nơi để cử hành Thánh Thể. Trong đó, chính Đức Kitô đứng đầu cộng đoàn, Người là nhân vật hoạt động chính của Bí tích Thánh Thể. Người là Thượng Tế của Giao Ước Mới. Do vậy mà trong Kinh Tạ Ơn của Giáo Hội, vị chủ tế thường kết thúc bằng lời như sau: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời” và cộng đoạn đáp “Amen.” Và như vậy, khi tín hữu thưa “Amen” thì họ được mời gọi vào mầu nhiệm thông hiệp của Ba Ngôi Thiên Chúa – Ngài vừa là khuôn mẫu vừa là nền tảng cho sự hiệp nhất của mọi Kitô hữu và của toàn thể Giáo Hội. [64] Và ở đâu có ai nói “Amen” cho những lời nói, cho đời sống và số phận, cho niềm vui đang chờ đợi họ, thì ở đó có sự hợp nhất giữa đất với trời, giữa con người với nhau. [65]

  1. “Amen” - Tiếng thưa “Vâng” của người tín hữu

            “Amen” còn là tiếng thưa “xin vâng” của người Kitô hữu khi tham dự vào phụng vụ cử hành Thánh Lễ nhất là khi rước Mình Thánh Chúa. Thừa tác viên vừa trao Mình hay Máu Thánh Chúa vừa đọc: “Mình (Máu) Thánh Chúa Kitô”, người lãnh thưa: “Amen”. Tiếng “Amen” ngoài việc diễn tả một lời tuyên xưng rằng: tôi tin thật Chúa Kitô hiện diện trong bánh Thánh Thể mà tôi rước, tôi thờ lạy Chúa và tôi kính cẩn rước lấy Người; còn có một chiều kích của sự “vâng phục”. “Amen” là tiếng nói “Vâng” diễn tả một sự chấp nhận hoàn toàn hơn cả một sự lựa chọn nghĩa là trước tình yêu quá lớn lao của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô – Người vừa là nguồn mạch và vừa là cùng đích của muôn loài muôn vật. Do vậy, người tín hữu không có nhiều thái độ chọn lựa hay không chọn lựa mà chỉ có thể thuần phục bằng tiếng “vâng”. Đặc biệt tiếng “vâng” của người tín hữu này khi rước chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô: Vị chủ tế cầm Mình Thánh Chúa lên và nói “Mình Thánh Chúa Kitô” thì người chịu lễ thưa lại là “Amen”. Việc thưa tiếng “Amen” hay “Vâng” như muốn diễn tả hành vi riêng của toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Một thực tại cốt yếu của Phụng vụ thánh.[66]

            Quả vậy, một khi người tín hữu thưa tiếng “Amen” lúc rước Mình Thánh Chúa thì ngay lập tức Đức Giêsu cũng đến ngự vào trong lòng của kẻ tin. Tiếng “Amen” này cũng được móc nối với tiếng “Fiat” của Đức Maria năm xưa khi Mẹ cất lên sau lời truyền tin của sứ thần Gabriel thì Con Một Thiên Chúa – Ngôi Lời Nhập Thể đã ngự vào cung lòng của Mẹ. Điều này đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị trình bày rất tinh tế như sau: “Khi thưa tiếng Fiat, Thiên Chúa đòi hỏi Đức Maria phải tin rằng Đấng mà Mẹ thụ thai “nhờ hoạt động Thánh Thần” là Con Thiên Chúa.[67] Khi thưa tiếng Amen, Thiên Chúa cũng đòi hỏi chúng ta tin rằng, trong mầu nhiệm Thánh Thể, cũng Đức Giêsu đó, Con Thiên Chúa và Con Đức Maria, hiện diện cách trọn vẹn gồm cả nhân tính lẫn thần tính của Ngài dưới hình bánh và rượu.”[68] Với lối trình bày trên, thánh Giáo Hoàng đã cho thấy có một mối tương quan không thể tách biệt giữa tiếng “xin vâng” của Đức Maria năm xưa với tiếng “Amen” của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa mỗi ngày.

            Tiếng “Fiat” và “Amen” sẽ được nhấn mạnh hơn khi ta trở lại với truyền thống của Giáo Hội thời sơ khai mà tác giả sách Công Vụ tường thuật cho chúng ta biết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.”[69] Và trong cộng đoàn sơ khai này, Đức Maria với vai trò là một người tín hữu tiêu biểu[70]. Mẹ đã hiện diện cùng với các Tông đồ và những người tín hữu đầu tiên trong những lần hội họp cùng nhau bẻ bánh thánh. Mẹ cũng đã thưa tiếng “Amen” sau mỗi lần nhận lãnh Thánh Thể. Tiếng “Amen” của Mẹ toát lên một niềm tin mạnh mẽ. Tiếng “Amen” cô đọng một chiều dài lịch sử Con của Mẹ luôn ở với Mẹ, và giờ đây Mẹ được cưu mang lại người Con ấy trong một thái độ nội tâm đầy thánh thiện sốt mến của Mẹ, và chính vì vậy mà Mẹ xứng đáng để được tôn xưng là “người nữ Thánh Thể.”[71]

            Tiếng “Amen” không chỉ được cất lên một lần rồi chấm dứt nhưng nó luôn vọng vang trong cả đời sống của Mẹ cũng như trong đời sống của mỗi người tín hữu. Tiếng “Amen” này thúc đẩy người tin hướng theo hai chiều kích: Một mặt, “Amen” là sự xác tín ở Đấng đang ngự trong lòng mình là Thiên Chúa; mặt khác, “Amen” cũng là lời mời gọi phải loan báo niềm tin ấy cho những ta gặp gỡ gặp gỡ. Cũng vậy, tiếng “Amen” của người tín hữu, tiếng “Amen” của Giáo Hội đã không ngừng vang vọng trong suốt cuộc lữ hành ở trần gian. Tiếng “Amen” nói lên niềm tin của Giáo Hội vào Bí Tích Thánh Thể về sự hiện diện của Đức Giêsu dưới hình bánh và rượu, là Con Thiên Chúa hiện diện cách trọn vẹn với tất cả sự thuần phục, yêu mến và tri ân.[72]

Tạm Kết

            Sau khi tìm hiểu về ý nghĩa của từ “Amen”, người viết mới thấy được sự phong phú trong cách sử dụng, cũng như ý nghĩa thâm sâu của từ ngữ này. “Amen” không đơn thuần chỉ là một từ báo hiệu cho một sự kết thúc của một lời kinh, một lời nguyện của cá nhân hay cộng đoàn mà còn cho thấy được chiều kích hiệp thông với những ý nghĩa thánh thiêng của nó. “Amen” vừa thể hiện sự đồng thuận, một sự xác quyết của cá nhân vừa mang tính cộng đoàn khi tham dự Phụng vụ thánh. Dó đó, ta có thể xác quyết rằng tiếng “Amen” chính là tiếng đặc trưng trong cử hành phụng vụ của Hội Thánh theo suốt chiều dài lịch sử của mình. Điều này đã được Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước minh chứng ở trên. Chúng ta nói được như vậy là vì, từ “Amen” được nhắc đến nhiều nhất trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Điều này được nhấn mạnh hơn nữa trong Phụng vụ Thánh Thể. Ngoài ý nghĩa là sự chấp thuận, sự tán thành, sự đồng tình, mong ước thành sự thật từ lời cầu xin, “Amen” còn là dấu chỉ hiệp nhất của tất cả cộng đoàn, và sự vâng phục tuyệt đối mỗi khi người tin rước Mình Thánh Chúa.

            Trong Thánh Lễ, từ “Amen” đã xuất hiện trong công thức mở đầu và kết thúc như sau: “Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen” như muốn nói đến tính xuyên suốt của niềm tin mà người Kitô hữu mọi thời đã tin nhận, vâng phục, tuân giữ, chấp nhận, yêu mến, xác quyết vào Đức Giêsu Kitô – Đấng Amen, Đấng là Anpha và Ômêga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng.[73] Tất cả niềm tin ấy được đặt trọn vào từ “Amen” ở câu kết của Kinh Tin Kính[74] và của Kinh Thánh với tâm tình “Fiat” của Đức Maria xưa.

            Ý thức được ý nghĩa sâu xa của từ “Amen”, chúng ta hãy siêng năng đọc, học hỏi và suy gẫm về nó nhất là lúc chúng ta rước Mình Thánh Chúa. Để qua đó, chúng ta biết được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa, thể hiện qua việc trao ban chính Thân Mình của Đức Giêsu làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta khi chúng ta thưa một cách long trọng “Amen – Vâng” mỗi lần chúng ta chịu Lễ. Chính tiếng “Amen” này của chúng ta làm cho mầu nhiệm Nhập Thể được mở rộng mãi trong lịch sử nhân loại mà Đức Maria là người tín hữu tiêu biểu đầu tiên đã lãnh nhận vào trong cung lòng của Mẹ khi Mẹ thưa tiếng “Fiat”.

            Như vậy, một lần nữa có thể nói rằng tiếng “Amen” của người tín hữu, cũng là tiếng “Amen” của Giáo Hội, nó đã không ngừng vang vọng trong suốt cuộc lữ hành ở trần gian. Tiếng “Amen” nói lên niềm tin của Giáo Hội vào Bí Tích Thánh Thể về sự hiện diện của Đức Giêsu - Con Thiên Chúa dưới hình bánh và rượu, với tất cả sự thuần phục, yêu mến và tri ân.[75]


*****************

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Kinh Thánh
Kinh Thánh. Bản dịch Việt ngữ của nhóm GKPV. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

  1. Tài liệu Huấn quyền
Công Đồng Vaticanô II. bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch Việt ngữ của Ban Giáo Lý thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 1998.
Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Bản Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin Thuộc Hội Đồng Giam Mục Việt Nam. Hà Nội: Tôn Giáo, 2012.
Sách Lễ Rôma. bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc HĐGMVN, 1992.
YOUCAT – Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dành cho người trẻ, bản dịch Việt Ngữ của Linh mục Antôn Nguyên Mạnh Đồng từ bản Tiếng Pháp của Du Cerf, Paris. Hà Nội: Tôn Giáo, 2013.

  1. Sách
A.S.Hornby. Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, 7th Edition, Oxford University Press. USA.
Dom, Robert le Gall. Phụng vụ của Giáo Hội (Mầu nhiệm, Dấu chỉ và Hình ảnh). Bản dịch của cha Giuse Nguyễn Cao Luật, OP. Tp HCM: Học Viện Đa Minh, 2009.
Đặng Xuân Thành (nhóm Chánh Hưng). Từ Điển Công Giáo Phổ Thông được dịch từ cuốn “Pocket Catholic Dictionary” của Cha John A. Hardon. Tp. HCM: Phương Đồng, 2008.
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Từ Điển Công Giáo 500 mục từ. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.
Nguyễn Thế Thủ. Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ theo các văn kiện của Giáo Hội,tập I. Hà Nội: Tôn Giáo, 2001.

  1. Trang mạng

Edward McNamara. “Giải đáp phụng vụ: Cộng đoàn quỳ gối đến hết Vinh tụng ca không?”. Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Trọng Đa. Truy cập ngày 06-01-2015,http://www.vietcatholic.net/News/Html/121321.htm.
Hoàng Thị Hòa. “Fiat và Amen”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://daminhtamhiep.net/2012/08/14/fiat-va-Amen.
Lê minh Thông, “Giới thiệu bản văn Khải Huyền, Hy Lạp – Việt”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com.
Tú Nạc. “Amen: Một từ lưỡng nghĩa”. Truy cập ngày 01-01-2015,http://thanhlinh.net/node/45891.




[1] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, “Từ Điển Công Giáo 500 mục từ”, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2011), tr. 5.
[2] Xc. Ds 5, 22.
[3] Xc. Is 65,16.
[4] Xc. Gr 28,6.
[5] Xc. Gr 11,5.
[6] Xc. Ds 5,22
[7] A.S.Hornby, “Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English, 7th Edition”, (Oxford University Press), tr. 44.
[8] Xc. Tv 41, 14.
[9] Xc. Mt 6,2.
[10] Xc. Kh 3,14.
[11] Xc. Lê minh Thông, “Giới thiệu bản văn Khải Huyền, Hy Lạp – Việt”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com.
[12] Xc. 2 Cr 1, 19-20.
[13] Xc. GLHTCG số 1345.
[14] Kh1,4.
[15] Kh3,4.
[16] Xc. Lê minh Thông, “Giới thiệu bản văn Khải Huyền, Hy Lạp – Việt”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com.
[17] 1V 1,36.
[18] Nkm 5, 13.
[19] Tv 41,14.
[20] Tv 89, 53.
[21] Tv 106, 48.
[22] YOUCAT – “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dành cho người trẻ”, bản dịch Việt Ngữ của Linh mục Antôn Nguyên Mạnh Đồng từ bản Tiếng Pháp của Du Cerf, Paris, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2013), tr.141.
[23] Xc. Gr 28,6.
[24] Xc. Is 65,16.
[25] Xc. Đnl 27.14-26.
[26] Xc. Gr 11, 3-5.
[27] Tv 41,14.
[28] Tv 72,19.
[29] YOUCAT – “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dành cho người trẻ”, bản dịch Việt Ngữ của Linh mục Antôn Nguyên Mạnh Đồng từ bản Tiếng Pháp của Du Cerf, Paris, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2013), tr.141.
[30] Xc. Kh 3,14.
[31] Ga 8,51.
[32] Xc. Ga 13,38.
[33] 2Cr 1,20.
[34] Tm 6,16.
[35] Kh 3,14.
[36] Kh 1,18.
[37] Kh 3,14.
[38] Kh 1,7.
[39] Kh 7,12.
[40] Xc. Kh 5, 13-14.
[41] Mt 6,2.
[42] Ga 1,51.
[43] Kh 22,21.
[44] Rm 11:36.
[45] Xc. Mt 1, 21; Is 7,14.
[46] Nguyễn Thế Thủ, “Giải đáp các vấn nạn về Phụng vụ theo các văn kiên của Giáo Hội, tập I”, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2001), tr.151-153.
[47] Xc. Kinh Tạ Ơn IV.
[48] Xc. Edward McNamara“Giải đáp phụng vụ: Cộng đoàn quỳ gối đến hết Vinh tụng ca không?”, bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Trọng Đa. Truy cập ngày 06-01-2015,http://www.vietcatholic.net/News/Html/121321.htm.
[49] Xc. GLHTCG số 1062.
[50] Xc. GLHTCG số 157.
[51] Xc. GLHTCG số 214.
[52] Xc. GLHTCG số 215.
[53] Is 65,16.
[54] Kh 3,14.
[55] 2Cr 1,20.
[56] Xc. GLHTCG số1065.
[57] Kh 22,20.
[58] Xc. GLHTCG số162.
[59] Xc. GLHTCG số 2016-2017.
[60] Xc. GLHTCG số 1065.
[61] Xc. GLHTCG số 2860.
[62] Xc. GLHTCG số 1396.
[63] Xc. Dom. Robert le Gall, “Phụng vụ của Giáo Hội (Mầu nhiệm, Dấu chỉ và Hình ảnh)”, Bản dịch của cha Giuse Nguyễn Cao Luật, OP., (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh 2009), tr 65.
[64] Xc. Dom. Robert le Gall, “Phụng vụ của Giáo Hội (Mầu nhiệm, Dấu chỉ và Hình ảnh)”, Bản dịch của cha Giuse Nguyễn Cao Luật, OP., (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh 2009), tr 65.
[65] YOUCAT – “Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dành cho người trẻ”, bản dịch Việt Ngữ của Linh mục Antôn Nguyên Mạnh Đồng từ bản Tiếng Pháp của Du Cerf, Paris, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2013), tr.383.
[66] Xc. Dom. Robert le Gall, “Phụng vụ của Giáo Hội (Mầu nhiệm, Dấu chỉ và Hình ảnh)”, Bản dịch của cha Giuse Nguyễn Cao Luật, OP., (Tp. HCM: Học Viện Đa Minh 2009), tr 65.
[67] Xc. Lc 1, 30-35.
[68] Xc. Ecclesia De Eucharistia số 55.
[69] Cv 2, 42.
[70] Xc. Vatican II, Lumen Gentium số 54.
[71] Xc. Hoàng Thị Hòa, “Fiat và Amen”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://daminhtamhiep.net/2012/08/14/fiat-va-Amen.
[72] Xc. Ibid.
[73] Xc. Kh 21, 6-7.
[74] Xc. GIÁO LÝ HỘI THÁH CÔNG GIÁO, Bản Việt Ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin Thuộc Hội Đồng Giam Mục Việt Nam, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), tr. 857.
[75] Xc. Hoàng Thị Hòa, “Fiat và Amen”. Truy cập ngày 06-01-2015,http://daminhtamhiep.net/2012/08/14/fiat-va-Amen.