Chúng ta có thể hiện diện trên cuộc đời này là nhờ có thân xác. Thân xác của chúng ta là một quà tặng vô cùng to lớn của Tạo Hóa. Cho đến nay,
các nhà khoa học chưa tìm thấy nơi bất cứ một sinh vật nào có cấu trúc tinh vi và hoạt động hiệu quả như những kết cấu trên thân xác con người. Đôi mắt giúp ta tiếp nhận những hình ảnh, đôi tai đưa vào trong ta những sóng âm thanh, mọi thứ chạm vào thân thể ta đều được tiếp nhận và đưa về bộ não để xử lý. Dòng máu lưu thông khắp người, vừa để chuyển chất dinh dưỡng cho toàn thân, nhưng cũng là nơi cư ngụ của những lớp bảo vệ giúp ta chống trả với những vi khuẩn gây hại. Từng bộ phận trên cơ thể ta, không có gì là không có công năng hữu ích, giúp thân xác ta được an toàn và ngày một phát triển. Chúng gắn kết với nhau, hòa hợp với nhau, làm nên một thể thống nhất.
Nhưng thân xác ấy cũng mỏng manh yếu ớt trước sức tấn công của thế giới bên ngoài, của những chất gây hại, và của chính thời gian. Vì lý do nào đó, một bộ phận trên cơ thể ta không thể thực thi tốt chức năng của nó, toàn bộ cơ chế vận hành của thân xác bị tổn thương. Có khi đôi mắt bị mờ, thế giới quanh ta như trở nên mù tối. Có khi đôi tai không còn nghe rõ, đến với ta chỉ còn là một mớ hỗn độn những âm thanh. Có khi con tim của ta không hoạt động tốt, lượng máu được truyền đi không nhiều hay không đủ và đúng lượng, các bộ khác bị tê liệt và không thể vận động như trước. Có bấy nhiêu cơ quan trên cơ thể chúng ta thì cũng có bấy nhiêu thứ có thể làm cho ta mỏi mệt, suy yếu.
Chẳng ai trong chúng ta thích bệnh tật. Mỗi khi cơn bệnh ập xuống, ta thấy như sự sống trong mình đang dần dần mất đi. Ta không thể làm những điều mình muốn vì thân thể lúc nào cũng uể oải, nặng nề. Trí óc ta không còn đủ sáng suốt, đôi chân ta không đủ sức chống đỡ cả con người. Bị bệnh, ta phải nương nhờ vào người khác, giúp ta ăn, giúp ta uống, giúp ta chạy chữa. Không những chỉ có ta phải chịu những hậu quả do bệnh tật mang đến, mà nhiều khi người thân, bạn bè, những người ta yêu mến cũng chịu ảnh hưởng lây. Nhưng dù ta không thích, bệnh tật vẫn cứ bám lấy ta, đe dọa ta từng giây từng phút, làm cho ta có khi mất hết niềm hy vọng, mất đi niềm vui, niềm tin vào cuộc sống. Đối với một số người, bệnh tật còn kinh khủng hơn cả cái chết, vì có cứ đằng đẵng kéo dài như thể muốn trêu ghẹo ta, giỡn đùa với ta, khiến ta phải mệt mỏi, chịu đựng, làm vơi đi của ta bao tiền của mà chẳng chịu xa rời.
Có lẽ chẳng mấy người bệnh còn tâm trí và tỉnh táo để suy tư về bệnh tật trên thân xác mình. Nhưng kỳ thực, bệnh tật có thể nói với chúng ta nhiều điều. Nó nhắc nhở ta về thân phận thụ tạo mỏng dòn của mình, rằng ta là loài được dựng nên, từ cát bụi mà ra, và phải chịu cảnh hư nát. Bệnh tật sẽ đập tan hết tất cả những ngạo nghễ của ta, những kiêu căng mà ta ấp ủ trong lòng. Nó như muốn nói với chúng ta rằng công danh, quyền lực, tiền của, dù có khi là rất cần thiết cho cuộc sống, vẫn sẽ chẳng là gì khi thân xác mình đang chịu sự đọa đày của thời gian. Phận người là thế, có sinh thì có diệt. Bởi ta không phải là Tạo Hóa, ta không là chủ nhân của sự sống mà ta đang thụ hưởng, ta cũng không là tác giả của thân xác mà ta đang có đây, nên thay vì tự phong cho mình quyền bá chủ, ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận thấp bé của ta, để mở lòng và ngửa tay xin ơn cứu độ từ Chúa. Bệnh tật khiến ta khiêm nhường hơn vì nó giúp ta thấy mình thật nhỏ bé, và có khi nó khiến ta phải suy nghĩ lại về điểm tựa mà ta đang bám víu trên cõi đời này.
Thân xác mà Tạo Hóa ban cho chúng ta hiển nhiên không phải là một hình nộm chẳng có giá trị gì, bởi chính Thiên Chúa cũng muốn mình có một thân xác như thế khi hạ giới làm người. Ngôi Hai vốn vô hình, nhưng đã trở nên hữu hình chính là nhờ thân xác. Thân xác ấy cũng biết đau khi bị người ta đánh; khi làn da bị xé toạt thì dòng máu bên trong cũng chảy ra; khi mũi đinh đâm vào thì toàn thân như mất đi sức sống; và khi các bộ phận quan trọng bị tổn thương và không thể hoạt động được nữa thì Ngài cũng gục đầu xuống trút hơi. Thân xác của Ngài cũng hệt như những thân xác của bao con người khác trên trần gian này. Thế nhưng, vì là thân phận Thiên Chúa, nên Ngài đã thánh hóa tất cả mọi nỗi đau đớn trên trái đất này. Chỉ cần ta kết hợp với Ngài, những thiệt thòi mà ta chịu trong cơn tật bệnh cũng trở nên một của lễ thật tinh tuyền và đáng giá biết bao.
Cứ mỗi khi có cơn đau như muốn giết chết mình kéo đến, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta nghĩ đến những cơn đau mà Chúa đã chịu trong cuộc thương khó vì tội lỗi của chúng ta. Nghĩ về Chúa, cơn bệnh chẳng những không làm chúng ta sợ hãi, mà có khi còn là dịp để chúng ta lập công phúc, cầu nguyện cho chính chúng ta, cho người thân, và có khi là đền bù lại những lầm lỗi mà chúng ta đã gây ra làm buồn lòng Chúa. Bởi thế, cơn đau của bệnh tật có thể làm ta khó chịu, những nhức nhối có thể làm ta mỏi mệt, nhưng chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta có cái nhìn thiêng liêng về những điều bất trắc ấy.
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ