16 thg 10, 2014

Giải đáp phụng vụ: Các vị đồng tế có bái gối trước khi rước lễ không?

Được đăng bởi: Unknown on 16 thg 10, 2014 | 16.10.14

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 


Hỏi: Trong một cuộc họp linh mục gần đây, có người hỏi liệu các linh mục đồng tế có cần bái gối trước khi cầm Chén thánh không, nhất là nếu họ đã rước Mình Thánh Chúa trước rồi. Xin cha giải thích cho. - J. F., Boston, bang Massachusetts, Mỹ.

Đáp: Việc rước lễ của các linh mục trong thánh lễ đồng tế đã được qui định bởi một số luật cơ bản, nhưng đôi khi vài sự thích nghi được thực biện theo hoàn cảnh cụ thể địa phương, chẳng hạn không gian chật chội và số lượng đông linh mục.

Trước hết, chúng ta có thể xem xét các quy tắc cơ bản, như được tìm thấy trong Qui chế Tổng quát Sách lễ Rôma (GIRM).

"240. Trong khi hát hay đọc "Lạy Chiên Thiên Chúa", các phó tế và vài vị đồng tế có thể giúp chủ tế bẻ bánh thánh để cho các vị đồng tế và giáo dân rước lễ.

“241. Khi hoà bánh thánh vào rượu thánh xong, một mình chủ tế đọc thầm kinh "Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (Domine Iesu Christe, Fili Dei vivi)" hay kinh "Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, con sắp rước (Perceptio Corporis et Sanguinis) ".

“242. Sau khi đọc xong lời nguyện trước rước lễ, chủ tế bái gối, lui ra một chút. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và kính cẩn cầm lầy Mình Thánh Chúa tại bàn thờ, và tay phải cầm Mình Thánh, có tay trái đở phía dưới mà lui về chỗ của mình. Tuy nhiên, các vị đồng tế có thể đứng tại chỗ và nhận lấy Mình Thánh từ đĩa do vị chủ tế hoặc một hay nhiều vị đồng tế cầm đi ngang qua trước mặt các ngài, hay, chuyền đĩa cho người kế tiếp cho đến người cuối cùng.

“243. Sau đó, chủ tế cầm lấy Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ ấy, nâng cao lên một chút trên đĩa hay trên chén, hướng về giáo dân và nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa", rồi đọc tiếp cùng với các vị đồng tế và giáo dân: "Lạy Chúa, con chẳng đáng (Domine, non sum dignus )".

“244. Rồi chủ tế hướng về bàn thờ, đọc thầm: "Xin Mình Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con" (Corpus Christi custodiat me ad vitam aeternam ) và kính cẩn rước lấy. Các vị đồng tế cũng làm như vậy khi các ngài rước lễ. Tiếp theo, chủ tế cho thầy phó tế rước lễ.

“245. Có thể rước Máu Thánh hoặc uống trực tiếp Chén thánh, hoặc bằng cách chấm, hoặc bằng thìa, hoặc bằng ống hút.

“246. Nếu rước Máu Thánh bằng cách uống trực tiếp Chén thánh, có thể theo một trong hai cách sau đây:

a. Chủ tế cầm lấy chén và đọc thầm: "Xin Máu Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con", rồi uống một chút, đoạn trao chén cho phó tế hay một vị đồng tế. Sau đó ngài cho giáo dân rước lễ (x. các số 160-162).

Các vị đồng tế, từng người một, hay từng hai người nếu có hai chén, tiến đến bàn thờ, quì gối, rước Máu Thánh, lau miệng chén và trở về chỗ.

b. Chủ tế đứng tại giữa bàn thờ rước lấy Máu Thánh.

Các vị đồng tế có thể rước Máu Thánh tại chỗ mình từ Chén thánh do phó tế hay một vị đồng tế đưa tới, hoặc chuyền Chén thánh cho nhau. Chén thánh luôn luôn được lau bởi vị vừa uống hay bởi người trao chén. Ai đã rước Máu Thánh, thì trở về ghế mình.

“247. Thầy phó tế kính cẩn rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, nếu cần thì nhờ vài vị đồng tế giúp đỡ. Sau đó, đem Chén thánh về bàn phụ, tại đây chính thầy hay thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt như thường lệ (x. số 183).

“248. Các vị đồng tế cũng có thể rước Mình Thánh đặt trên bàn thờ và liền sau đó, rước Máu Thánh.

Trong trường hợp này, chủ tế rước lễ dưới hai hình như thường lệ (x. số 158), nếu ngài chọn cách thức rước Chén thánh nào thì các vị đồng tế khác theo cách ấy.

Sau khi chủ tế rước lễ, Chén thánh được đặt bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác. Các vị đồng tế từng người một đến giữa bàn thờ, quì gối và rước Mình Thánh, sau đó đi qua bên cạnh bàn thờ và rước Máu Thánh, theo nghi thức rước Chén thánh đã chọn, như nói trên.

Việc thầy phó tế rước lễ và tráng chén được thực hiện cùng một cách như trên.

“249. Nếu các vị đồng tế rước bằng cách chấm, thì chủ tế rước Mình và Máu Thánh Chúa như thường lệ, tuy nhiên chú ý để lại trong chén đủ Máu Thánh cho các vị đồng tế rước. Sau đó, thầy phó tế, hay một vị đồng tế, đặt Chén thánh ở giữa bàn thờ hay bên cạnh bàn thờ trên một khăn thánh khác, cùng với đĩa đựng Mình Thánh.

Các vị đồng tế, từng người một, tiến đến bàn thờ, quì gối, cầm lầy Mình Thánh, nhúng một phần vào chén, rồi cầm đĩa hứng dưới miệng, rước lấy Mình Thánh đã nhúng đó, sau đó trở về chỗ ngồi lúc đầu lễ.

Phó tế cũng rước bằng cách chấm. Một vị đồng tế nói khi trao: Mình và Máu Chúa Ki-tô (Corpus et Sanguis Christi ), phó tế đáp: A-men. Phó tế rước hết tại bàn thờ Máu Thánh còn lại, có thể nhờ vài vị đồng tế giúp, nếu cần, rồi đem Chén thánh đến bàn phụ, và chính thầy hay một thầy có chức giúp lễ tráng, lau và xếp đặt Chén thánh (Bản dịch Việt ngữ của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang).

Như vậy, theo số 246, các các vị đồng tế phải bái gối trước khi cầm Chén thánh, mặc dầu họ đã rước Mình Thánh Chúa trước đó.

Điều này có nghĩa rằng, trong các trường hợp mà các các vị đồng tế cầm Mình Thánh Chúa trước khi vị chủ tế nói: “Đây Chiên Thiên Chúa" (số 242) và cũng rước Máu thánh tại bàn thờ, họ thực hiện hai bái gối.

Nhưng không có qui định liệu linh mục thực hiện một bái gối, nếu Mình Thánh Chúa và/hoặc Chén thánh được đưa đến cho họ tại chỗ không. Trong hầu hết trường hợp, chắc là việc đưa Mỉnh Thánh Chúa đến cho các linh mục tại chỗ cũng đòi hỏi rằng mỗi linh mục phải bái gối trước khi cầm Mình Thánh Chúa.

Luật chữ đỏ không giải thích lý do cho các lần bái gối trước Mình và Máu – trong khi vị chủ tế không bái gối. Tôi liều đoán rằng, bởi vì có thể rằng khi các linh mục nhận Mình Thánh, họ quên bái gối, nên việc qui định bái gối trước khi cầm Chén thánh tại bàn thờ bảo đảm rằng họ có thể làm một cử chỉ hữu hình về sự tôn kính và thờ phượng ít là một lần.

Mặc dầu điều tốt hơn là các vị đồng tế nên tiếp cận Chén thánh tại bàn thờ, có nhiều trường hợp mà số vị đồng tế là đông còn không gian lại chật, nên việc đến bàn thờ là không tiện và chiếm nhiều thời giờ. Thí dụ, ngay cả các đại vương cung thánh đường Thánh Phaolô và thánh Gioan Lateranô ở Rôma có bàn thờ tương đối nhỏ, nên người ta khó tiếp cận bàn thờ từ cả hai phía.

Do đó, mới có các cách thức khác cho số lượng đông vị đồng tế rước lễ. Các thầy phó tế hoặc các vị đồng tế đi từng cặp đến với các vị đồng tế khác. Một người cầm Đĩa thánh có Mình Thánh Chúa, một người cầm Chén thánh và khăn thánh. Các các vị đồng tế hoặc rước Mình Thánh Chúa trước, rồi cầm Chén thánh sau, hoặc là phổ biến hơn trong trường hợp này, họ nhúng Mình Thánh vào Chén thánh rồi rước lễ. Trước khi rước lễ, mỗi vị đồng tế đọc thầm "Xin Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô gìn giữ con...".

Một trường hợp hiếm gặp là khi không gian giữa các hàng của linh mục là quá chật, người ta không thể di chuyển giữa các hàng này, chẳng hạn nếu linh mục đứng ở hàng của ca đoàn hoặc một nơi sắp xếp kiểu khán đài sân vận động. Khi ấy, mặc dầu không được qui định cách nào trong các sách phụng vụ, tôi nghĩ rằng các cặp phó tế hoặc cặp đồng tế đứng ở một chỗ cố định, để cho các vị đồng tế có thể tiếp cận, bái gối nếu có thể được, và cầm Mình Thánh nhúng vào Chén thánh để rước lễ. Tôi đã nhận thấy phương pháp này được sử dụng với sự kính cẩn tại một số sự kiện lớn.

Trong trường hợp này, các người cầm Đĩa thánh và Chén thánh không nói lời gì. Các vị đồng tế tự mình cầm Mình Thánh từ đĩa thánh, chứ không tiếp nhận Mình thánh từ một thừa tác viên khác. (Zenit.org 14-10-2014)