Vào lúc 17g 30 ngày 18/4/2014 nhằm ngày
Thứ Sáu Tuần Thánh, nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã được
cử hành cách trọng thể tại giáo xứ Thánh Tâm do cha Gioan Nguyễn Nhơn chủ
tế.
Chiều tối hôm nay bầu không khí trầm lặng khác hẳn mọi khi, cung
thánh không được trang hoàng bởi bất cứ đèn, nến hay những chậu hoa rực rỡ.
Giữa gam màu nhợt nhạt u buồn, chỉ thấy nổi bật lên màu đỏ nơi phẩm phục của vị
Linh Mục chủ tế, tượng trưng cho màu máu Chúa Con sẽ đổ ra vì tội chúng ta.
Người dẫn lễ đọc lời hướng dẫn cho biết về ý nghĩa thứ sáu Tuần Thánh và các
nghi thức sẽ diễn ra bao gồm 3 phần: phần phụng vụ Lời Chúa, suy tôn Thánh Giá
và kết thúc bằng việc rước Mình Thánh Chúa.
Đúng 17g 45, cùng với đoàn giúp lễ, cha
chủ tế tiến ra từ phòng Thánh và sấp mình trong thinh lặng trước bàn thờ. Mọi
vật cứ như ngừng hoạt động cho đến khi Cha chủ tế cất cao lời nguyện: “Chúa
đã vui lòng cho Con Một Chúa đổ máu đào trên Thập Giá…đem lại ơn cứu độ cho
loài người…giờ đây, xin Chúa nhớ lại tình thương ấy mà thánh hóa và che chở đoàn
con luôn mãi…”.
Đến phần Phụng vụ Lời Chúa, ba bài Kinh
Thánh ngày hôm nay xoay quanh cái chết Chúa Giêsu trên Thập Tự Giá, từ những
lời tiên tri Isaia trong sách Cựu ước cho đến bài trích thư gửi các Tín hữu Do
Thái và quan trọng nhất là bài thương khó Đức Giêsu Kitô theo Thánh Gioan. Bài
Phúc Âm như thước phim ngắn tái hiện một cách chân thực và sống động cái chết
đầy đau thương của Chúa Giêsu, thước phim ấy như chững lại khi Người kêu lớn
tiếng và trao hơi thở cuối cùng, cộng đoàn cùng quỳ gối và cúi đầu trong sự xót
xa, chua chát nhìn lại những lầm lỗi, những bất xứng của chính bản thân mình.
Chia sẻ về Tin Mừng, Cha chủ tế nhắc lại
ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể - đó chính là “hy tế của giao ước mới, là hy tế Thập giá, được cử
hành bằng chính mạng sống, thịt và máu chúa Giêsu Kitô”, từ đó ta
thấy được tầm quan trọng của việc cử hành Thánh Lễ và rước lễ. Ngài cũng giải
thích thêm về ý nghĩa của việc hôn chân Thánh Giá mà ta sắp cử hành đây, đó là
dấu chỉ bày tỏ lòng tôn kính của một người con lầm lạc trước sự hy sinh quá đỗi
lớn lao của vị Cha chung. Cũng chính vì thế, Thánh giá mang ý nghĩa rất quan
trọng và linh thiêng đối với người Công giáo. Như một minh chứng: các nữ tu khi
thực hiện nghi thức khấn trọn đời đều nhận lãnh cho mình một cây Thập giá và
các Đức Giám Mục, ai cũng có một dấu Thánh Giá hoặc trước ngực hoặc trên cổ,
nơi áo lễ...Thánh giá ấy sẽ là lời nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm, bổn phận
của mỗi Người để luôn sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đồng thời, kêu gọi ta mỗi ngày
chấp nhận những khó khăn, thử thách mà vác Thánh giá theo chân Chúa như lời
Chúa truyền dạy: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo” (Ga
16,24)
Sau đó, cộng đoàn cùng đứng dậy và chung
“lời nguyện Giáo dân”, lời cầu nguyện tuy thật dài nhưng ai cũng vang vang lời
xin trong sự hiệp nhất, lần lượt là cầu cho Hội Thánh, cầu cho Đức Thánh Cha,
hàng tu sĩ, những người dự tòng, anh chị em trong và ngoài Kitô giáo, những
người lãnh đạo quốc gia và những người đau khổ.
Bước sang phần 2 và cũng là phần linh
thiêng nhất trong buổi lễ – suy tôn Thánh Giá Chúa. Cha
chủ tế giơ cao Thánh Giá - đã được che phủ bằng một mảnh vải tím màu - 3
lần và hô to: “Đây là cây Thánh giá nơi treo Đấng cứu độ trần gian."
Cộng đoàn thưa: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Sau đó, lần
lượt từng người đại diện các hội đoàn và hội đồng mục vụ giáo xứ tiến đến để
hôn chân Thánh Giá Chúa.
Kế đến là nghi thức Rước lễ, Mình Thánh
Chúa đã được truyền phép vào thánh lễ Tiệc Ly hôm qua - từ bàn thờ phụ tiến vào
thánh đường, mọi người đều kính cẩn cúi chào. Trong câu ca du dương: “Calvê
chiều buồn, một trời hoang sơ xác. Calvê chiều buồn, mình dần bóng nhân gian.
Calvê một mình con Chúa Trời gánh lấy tội đời, để giải thoát con người",
đoàn người từ từ tiến lên để nhận lãnh chính Máu và Thịt tình yêu Chúa đã đổ ra
vì nhân loại.
Kết thúc nghi thức tưởng niệm, mọi người
tiến lên hôn chân Thánh Giá Chúa và ra về trong thinh lặng, giữ trọn tâm tình
sâu lắng để tưởng nhớ cái chết thánh thiêng của Chúa Giêsu Kitô và cũng là giữ
trọn sự ăn năn sám hối đang giày xéo tâm can mỗi Người.
“Con xin hối
lỗi tội đời bao năm.
Xin thương tha thứ, từng ngày
đi hoang.
Giờ đây sám hối ăn năn một
lòng.
Nguyện Chúa rủ thương, đừng
chấp tội con”
Mời xem một số hình ảnh: