Đức Phanxicô tiếp tục bị hiểu lầm
Gần đây, tờ Wall Street Journal cho biết lý do tại sao Đức Phanxicô là một trong “Những Người Cần Quan Sát” trong năm 2014:
“Sau khi nâng cao nhiều ước vọng đối với việc thay đổi quan điểm về đồng tính luyến ái, ly dị, môi trường, và bổn phận của xã hội đối với người nghèo, Đức Giáo Hoàng cũng đang được mong đợi sẽ cải tổ nền hành chánh của Vatican, cũng như việc có thể mở rộng vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội”.
Theo nhận định ngày 15 tháng Giêng của George Weigel, câu trên có ít nhất 4 sai lầm và một sự hiểu sai ý nghĩa chữ “vai trò” trong Giáo Hội.
Dù đối với những người nhìn Đạo Công Giáo dưới lăng kính chính trị, thật khó mà nắm được điều này, nhưng các vị giáo hoàng quả không như các tổng thống hay các thống đốc tiểu bang, và tín lý không phải là chính sách công. Điều này có nghĩa: thay đổi triều đại giáo hoàng không có nghĩa, và không thể có nghĩa là thay đổi các “quan điểm” Công Giáo. Giáo Hội hiểu tín lý không phải là chuyện “quan điểm” của bất cứ ai nhưng là chuyện hiểu “một cách đã thành sự” (settled) các chân lý về sự vật.
Các vị giáo hoàng cũng không phải là những tác nhân tự do có thể cai trị dựa vào trực giác hay kinh nghiệm, bất cần phương pháp. Trước khi hoàn tất Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Đức Phaolô VI đề nghị thêm vào văn kiện có tính khai phá này một câu đại ý cho thấy Đức Giáo Hoàng “chỉ chịu trách nhiệm trước Chúa mà thôi”, một cố gắng nhiều người cho là để bảo vệ thẩm quyền và quyền tự do của Đức Giáo Hoàng khỏi bị các thế lực dân sự hay giáo sự xâm lấn. Nhưng Ủy Ban Thần Học của Công Đồng đã bác bỏ đề nghị tu chính này, vì cho rằng “Giám Mục Rôma… bị giới hạn bởi chính mạc khải, bởi cơ cấu nền tảng của Giáo Hội, bởi các bí tích, bởi xác định của các công đồng trước, và bởi các trói buộc khác nhiều đến kể ra không xuể”.
“Các trói buộc khác” đây bao gồm việc phải tôn trọng sự thật vốn được ghi khắc nơi thế giới và nơi ta. Tại một hội nghị của giới khoa bảng mấy năm trước đây, một triết gia Công Giáo nổi tiếng cho hay: ‘nếu Đức Giáo Hoàng nói 2 x 2 là 5, tôi vẫn tin ngài’. Nhưng một triết gia Công Giáo khác cho hay: ‘nếu Đức Giáo Hoàng nói thế, về mặt công khai, tôi sẽ cho mọi người biết tôi hiểu sai ý của ngài; còn trong tư riêng, tôi sẽ cầu nguyện để ngài được minh mẫn’.
Nói cách khác, các vị giáo hoàng không phải là những người độc đoán muốn dạy ra sao tùy ý. Các ngài là người gìn giữ truyền thống có thẩm quyền mà các ngài vốn là người phục dịch, chứ không phải chủ nhân. Đức Phanxicô biết rõ điều đó như bất cứ ai khác, khi ngài nhấn mạnh rằng ngài là “con cái của Giáo Hội” nghĩa là tin và dạy các điều Giáo Hội tin và dạy.
Như thế, ý niệm cho rằng triều giáo hoàng này sắp sửa thay đổi giáo huấn Công Giáo về luân lý tính của các hành vi đồng tính luyến ái, hoặc về các hậu quả của ly dị và tái hôn đối với việc hiệp thông của người ta với Giáo Hội, chỉ là một ảo tưởng, mặc dù Giáo Hội chắc chắn sẽ khai triển một phương thức mục vụ thích hợp cho các người đồng tính và ly dị. Còn về môi sinh và người nghèo, giáo huấn xã hội của Giáo Hội từ lâu vốn dạy rằng ta là người quản lý mọi tạo vật và những người nhỏ mọn nhất trong các anh chị em ta đều có quyền tinh thần đòi ta phải liên đới và yêu thương họ; học thuyết xã hội này để ngỏ cuộc tranh luận về các phương thế cụ thể và chuyên biệt nhờ đó người có thiện chí, và các chính phủ, thực thi việc quản lý trên, cũng như sự liên đới và tình yêu thương kia.
Còn “vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội” thì sao? Chắc chắn một số cơ cấu của Giáo Hội sẽ được hưởng nhờ nếu có thể lôi kéo được một loạt các tài năng rộng rãi hơn, bất kể phái tính, hơn là chỉ dựa vào nguồn tài năng mà Giáo Hội xưa nay vẫn thường dựa vào. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa trước Lễ Giáng Sinh, Đức Phanxicô đã nói rõ: đồng nhất hóa vấn đề lãnh đạo trong Giáo Hội với việc phong chức vừa là một hình thức giáo sĩ trị vừa là một cách thế khác biến phụ nữ Công Giáo thành dụng cụ. Ngài cho rằng chiếm giữ một chức vụ tại Tòa Thánh không phải là đỉnh cao của việc làm môn đệ.
Báo chí “hiệu đính” Đức Phanxicô
Trong khi ấy, theo Terry Mattingly, không một ngày nào qua đi mà không có một học giả hay một người viết xã luận nào không cho ý kiến về điều Đức Phanxicô nói về một vấn đề gây tranh cãi nào đó. Đã đành, mọi vị giáo hoàng, cũng như mọi nhà lãnh đạo tôn giáo và thế tục, đều có những nhận định bị soi mói, nhưng Đức Phanxicô nói lời nào cũng bị người ta “lạng” (sliced) và “thái” (diced) hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào của ngài. Thành thực mà nói, mục tiêu của nhiều nhà bình luận là biến các tuyên bố của Đức Phanxicô thành những lời ủng hộ nghị trình ý thức hệ của họ.
Việc biến cải ấy xẩy ra cả ở bên phe hữu lẫn ở bên phe tả. Phe hữu thì nhạy cảm khi có ai phê phán chủ nghĩa tư bản. Còn phe tả, quả không có gì hứng thú cho họ bằng quyền lợi của dân đồng tính. Sự ám ảnh của họ thấy rõ khi họ tường thuật lời bình luận của Đức Phanxicô vào mùa Hè qua: “Tôi là ai mà dám phê phán".
Điều Đức Phanxicô thực sự nói là “nếu ai đó là một người hoạt động đồng tính (gay) nhưng biết tìm kiếm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai mà dám phê phán?”. Sự khác nhau giữa điều người ta bảo ngài nói và điều ngài thực sự nói không phải là chuyện nhỏ. Những người cắt xẻ lời ngài hẳn đồng ý như thế, chính vì thế họ đã cắt xẻ chúng. Điều quan trọng cần lưu ý là Đức Phanxicô không nói hai câu, ngài chỉ nói có một câu nhưng đã bị người ta cắt xẻ để thay đổi hẳn sứ điệp của ngài.
Điều đáng giật mình là cuộc nghiên cứu Lexis-Nexis tiết lộ rằng có tất cả 907 bài báo trích dẫn câu “tôi là ai mà dám phê phán” và “Đức Giáo Hoàng Phanxicô”. Khi loại các thư gửi chủ bút và các bài sao chép ra, thì số còn lại vẫn là 799. Trong số này, 494 bài, tức 62 phần trăm, chỉ chứa có các chữ “tôi là ai mà dám phê phán?”. Chỉ có 305, hay 38 phần trăm, là tường trình trọn cả câu. Đàng khác, càng ngày người ta càng có thói quen bóp méo điều ngài nói nhiều hơn, chứ không ít đi.
Thực ra nếu đọc câu ấy trong ngữ cảnh cuộc phỏng vấn trên chuyến bay từ Rio de Janeiro về Rôma, người ta sẽ hiểu tại sao Đức Phanxicô nói câu trên. Ngữ cảnh ấy dài đến cả một trang giấy lận, không phải chỉ là một câu mà thôi.
FB: Tin tức Giáo Hội Toàn cầu
18 thg 1, 2014
Đức Phanxicô tiếp tục bị hiểu lầm
Được đăng bởi: Unknown on 18 thg 1, 2014 | 18.1.14
Giáo Xứ Thánh Tâm:Mời các bạn tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài viết này. Đóng góp ý kiến, để trang nhà được hoàn thiện và phát triển hơn. Đóng góp ý kiến
Bài Liên Quan
Đăng nhận xét
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Hôm nay:
Giờ Thánh Lễ
NGÀY CHÚA NHẬT:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 30.
- Thánh Lễ II: 9 giờ 30.
- Thánh Lễ III: 17 giờ 30.
NGÀY THƯỜNG:
- Thánh Lễ I: 5 giờ 00.
- Thánh Lễ II: 17 giờ 30.
ĐC: 542 Hùng Vương - Pleiku - Gia Lai.