Ðaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Ðaminh đã tập quen sống hãm mình.
Ngoài ra, Ðaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.
Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Ðaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Ðức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.
Ðaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Ðaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.
Vào năm 1216, Ðức Hônôriô thứ 3 đã phên chuẩn dòng do cha Ðaminh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" thưo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Ðaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Ðaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.
Trong suốt cuộc sống, Ðaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Ðức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.
Cha Ðaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Ðức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.
Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Ðaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Ðức Maria. Ðức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Ðaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.
Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Ðaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Ðaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Ðaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.
Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Ðaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.
Lý tưởng mà dòng Ðaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Ðó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.
Trích sách Lẽ Sống