“Ai là người lớn nhất?”(Mt 18, 1-5.10.12-14)
1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? “2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo:
“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
12 “Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất, không chỉ lớn nhất trong các ông, như các Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Luca thuật lại : « Một câu hỏi chợt đến với các ông: trong các ông, ai là người lớn nhất? » (Lc 9, 46 ; Mc 9, 34), nhưng còn lớn nhất trong Nước Trời !Như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu :
Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
Có thể nói, đó là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su, của các môn đệ thuộc mọi thời và của cả loài người. Bệnh nghiêm trọng, vì sẽ phải tức tối tranh cãi với nhau gây mất hiệp nhất, ganh tị nhau, loại trừ nhau dưới mọi hình thức, kể cả bằng bạo lực (x. Mt 20, 17-28).
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.
1. Nên như trẻ nhỏ
Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Vấn đề quan trọng không phải ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng là làm thế nào để vào Nước Trời. Và để vào Nước Trời, Đức Giê-su mời gọi:
Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Như thế, Nước Trời là Nước của “trẻ nhỏ” và chỉ có “trẻ nhỏ” mà thôi. Do đó, ai cũng là người “lớn nhất”: “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.” Như vậy trong Nước Trời, sẽ không còn sự phân biệt cao thấp hay lớn bé theo kiểu của người đời, như chính Chúa đã sẽ nói rằng, anh em chỉ có một Cha và một Thầy, còn tất cả đều là anh chị em với nhau, ở đời này cũng như ở đời sau (x. Mt 23, 8-12).
Và để các môn đệ đừng hiểu sai khái niệm « trẻ nhỏ », Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ và đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ». Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này, theo lời kể của thánh Mác-cô : “Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó” (Mc 9, 36). Và Ngài sẽ thực sự trở nên “em bé” đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời nói quyền năng, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá, vốn cũng là một Lời, “Lời Thập Giá” (x. 1Cr 1, 18).
* * *
Nhưng tại sao chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời? Lý do Đức Giê-su nêu ra thật lạ lùng và phải làm cho chúng ta kinh ngạc: “Quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Như thế, các em nhỏ ngay ở đời này đã được Thiên Chúa chọn một cách nhưng không để được vào trong Nhà Chúa và chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người, ngang qua sự hiện diện của các thiên thần. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, người được “chiêm ngắm Thánh Nhan Thiên Chúa” là người được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận và chia sẻ sự sống viên mãn của Người, để yêu mến và ca tụng luôn mãi:
Linh hồn con khao khát Chúa Trời,
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
là Chúa Trời hằng sống.
Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?
(Tv 42, 3)
Khi lắng nghe và suy niệm lời này của Đức Giê-su, Giáo Hội đã nhận ra ơn huệ Thiên Thần Hộ Thủ, hay Thiên Thần Bản Mệnh mà Chúa thương ban cho mỗi người chúng ta, để luôn luôn bảo vệ chúng ta khỏi mọi sự dữ, gìn giữ chúng ta trong tương quan ân sủng với Chúa và thay mặt chúng ta chiêm ngắm Nhan Thánh Chúa. Cùng với Giáo Hội chúng ta cùng diễn tả tâm tình tri ân đối với các Thiên Thần Ban Mệnh của chúng ta. Xin các ngài giúp chúng ta trở nên như em bé trong bình an và niềm vui. Bởi vì, như Đức Giê-su đã công bố:
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
(Mt 5, 8)
2. Những người tội lỗi
Dụ ngôn nhỏ « một trăm con chiên », trong bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu của Thánh Lễ hôm nay, cũng được kể trong Tin Mừng của thánh Luca, nhưng trong một bối cảnh khác, đó là Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi ; như tất cả chúng ta đều biết, một trong những chương được biết đến nhiều nhất trong Tin Mừng Luca, là chương 15 gồm ba dụ ngôn : dụ ngôn một trăm con chiên, mười đồng bạc và hai người con. Các dụ ngôn này mặc khải cho chúng ta về lòng bao dung của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su, đối với những người tội lỗi.
Cũng cùng dụ ngôn « một trăm con chiên » nhưng được kể ở đây, trong Tin Mừng Mat-thêu, trong bối cảnh một bài giảng dài của Đức Giê-su, gồm những giáo huấn liên quan đến đời sống cộng đoàn, đặc biệt là cung cách ứng xử đối với « những người bé nhỏ », như chính Chúa kết luận, sau khi kể dụ ngôn này :
Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
Như thế, thái độ yêu thương bao dung của Thiên Chúa, theo Đức Giê-su và nhất là được thể hiện một cách sống động và cụ thể nơi Đức Giê-su (thái độ của Ngài đối với những người tội lỗi và những em bé), được mở rộng hơn nữa, không chỉ dành cho những người tội lỗi, nhưng còn cho tất cả những người bé nhỏ nữa.
* * *
Nhưng ai là những người bé nhỏ ? Bé nhỏ ở đây có thể được hiểu theo nhiều nghĩa : tuổi tác, nguyên quán, thân thế, vóc dáng, tài năng, địa vị, sức khỏe, sự trưởng thành, học thức, của cải… Và điều này phải đánh động chúng ta, vì đụng chạm đến chúng ta ở chiều sâu ; bởi lẽ ai trong chúng ta cũng « bé nhỏ » trước mặt Chúa và cả trước mặt nhau nữa về một phương diện nào đó. Nhưng thật ra, con người tự bản chất là bé nhỏ rồi, như lời Thánh Vịnh diễn tả :
Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ?
phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm ?
(Tv 8, 5)
Cũng như, ai trong chúng ta cũng là « tội nhân », trước mặt Chúa và trước mặt nhau. Cảm nghiệm được điều này sẽ chữa lành cách bền vững những tương quan lệch lạc giữa chúng ta với nhau, nhất là thái độ tự tôn chính mình và coi thường người khác. Và nếu chúng ta cảm thấy mình « lớn lao », thì Chúa mời gọi chúng ta trở nên « bé nhỏ », hay đúng hơn nhận ra sự thật về mình, là bé nhỏ và sống sự thật này trong tương quan với mình, với Chúa và với nhau. Nếu không, sẽ không được vào Nước Trời !
- Hình ảnh con chiên lạc và tình yêu Thiên Chúa
Tuy nhiên, dụ ngôn bé nhỏ mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ có chiều rộng như thế, nghĩa là áp dụng cả cho những người tội lỗi lẫn những người bé nhỏ trong nhóm, gia đình hay cộng đồng, nhưng còn có một chiều sâu khôn dò nữa, vì diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
- Chính người chăn chiên ra đi để tìm con chiên lạc, chứ không phải ngồi chờ cho con chiên lầm lạc tự ý trở về. Chúng ta hãy nhớ lại cách Thiên Chúa đi tìm con người trong Sáng Tạo, trong lịch sử cứu độ, và nhất là nơi Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể.
- Người mục tử bỏ lại chín mươi chín con kia ở lại trên núi trong tình trạng không an toàn, như thể con chiên lạc là duy nhất, là con chiên yêu thương duy nhất đối với mình. Có lẽ trong thực tế, không người chăn chiên lại hành động như thế. Nhưng điều này lại diễn tả cho chúng ta chính yếu tính của tình yêu, là tương quan duy nhất giữa một ngôi vị và một ngôi vị. Thiên Chúa cũng muốn đi vào tương quan tình yêu với từng người trong chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào, tội lỗi hay bé nhỏ.
- Và khi Thiên Chúa chọn yêu thương một dân tộc hay một người, đó là để bày tỏ cho mọi dân tộc và mọi người biết thế nào là tình yêu Thiên Chúa, và Người cũng ước ao đi vào tương quan duy nhất với từng dân tộc và từng người như thế. Bởi vì tình yêu chỉ có thể được bày tỏ và được hiểu trong tương quan duy nhất giữa một người và một người.
- Và niềm vui thật lớn lao, khi người mục tử tìm lại được con chiên lạc của mình. Tin Mừng Luca mở rộng niềm vui này tới tận mức vĩnh hằng : « Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng ».
Chính kinh nghiệm được tìm kiếm, được tha thứ và được tiếp nhận, khi mà chúng ta vẫn là những người tội lỗi, bé nhỏ lạc lối, sẽ giúp chúng ta cũng có thể đi tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận anh em, chị em của chúng ta, dù họ đang trong tình trạng nào. Kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta có thể đi vào trong niềm vui lớn lao của Thiên Chúa Cha trên trời và các thiên thần của Người.
Nơi bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su vẫn luôn tìm kiếm, tha thứ và tiếp nhận từng người trong chúng ta một cách duy nhất trong tương quan một- một, bằng cách trao ban Lời của Ngài và chính bản thân mình cho chúng ta làm của ăn.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc