22 thg 10, 2014

Cảm nghiệm tông đồ

Được đăng bởi: Unknown on 22 thg 10, 2014 | 22.10.14

Chúa Nhật 29 thường niên là ngày Hội Thánh cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo. Thật tình cờ, tôi có kế hoạch đi tham gia tông đồ cùng nhóm Sinh viên Công giáo Sư Phạm Kỹ Thuật Tp. HCM,
kỳ này nhóm tổ chức đến thăm “Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh Tâm Thần Thủ Đức”. Hình ảnh xuất hiện đầu tiên trong tâm trí tôi là một vài bệnh nhân đầu óc không bình thường, họ đang rượt đuổi, chửi bới, la ó um tùm và hình ảnh thứ hai là tôi đang chạy rất nhanh khỏi họ, không biết đang chạy về đâu, rất lo sợ. Nghĩ cũng chẳng có gì vui mà kinh sợ thì nhiều hơn. Nhưng rồi tôi lại tự trấn tĩnh mình, “họ cũng là người, mình chưa tới đó, biết đâu không phải vậy, mà mình đi với nhóm kia mà, sẽ vui đó và có lẽ lại biết được nhiều điều mới về ‘người tâm thần’”.
Rồi một ngày mới đến khi ánh nắng dần bao phủ kín lấy mặt đất, Chủ Nhật 19/10 chúng tôi bắt đầu lên đường bằng nhiều phương tiện khác nhau, nào là Honda, xe buýt… Khi gần tới trung tâm, tâm trạng của tôi bỗng có chút gì đó thay đổi: một chút tò mò về trung tâm Tâm thần, và cả một chút gì đó phấn khởi, vui tươi khi được gặp bạn bè trong nhóm sau một tuần học tập, vui chơi, làm việc chạy đua với thời gian. Rồi khi chiếc xe buýt mang biển số 141 chạm bến, chúng tôi bước xuống. Khung cảnh hiện ra trước mắt tôi cũng không có gì đáng chú ý lắm, chỉ thấy một dãy nhà thẳng tắp không còn mới và hình như lâu rồi chưa được sơn sửa lại… Khi đồng hồ điểm 8h15, tất cả mọi thành viên trong nhóm đã đến đầy đủ. Sau một vài phút sinh hoạt khá vui nhộn ở một góc sân ngay bên trong cổng, chúng tôi nhận được một vài công cụ làm cỏ ở dãy vườn nhỏ ngay trước cửa dãy nhà đầu tiên, rồi chúng tôi cùng nhau tiến đến tranh thủ bắt đầu làm, người thì nhổ, người thì cuốc bới, người thì thu cỏ đi đổ; nhóm khác chừng 15 bạn thì đi phụ nấu cơm, chuẩn bị cho bữa cơm trưa của bệnh nhân. Tôi thì phụ nhổ cỏ cùng một số bạn khác trong nhóm, trời dần nắng gắt hơn nhưng vừa tập trung vào làm cho hoàn thành ô cỏ trong vườn, vừa trò chuyện, tán dóc nên cũng quên đi cái nóng nực của thời tiết. Đến khoảng 10h chúng tôi dừng làm cỏ, bắt đầu vào thăm bên trong.
Trên đoạn đường vào thăm nhà bếp, tôi mới bắt gặp được hình ảnh những bệnh nhân ở đây. Trước tiên là một khung sắt kín dài bên ngoài ngăn giữ những bệnh nhân. Ôi! Trông họ như những tù nhân vậy. Họ có người thì khá cao tuổi, có người chỉ đang ở tuổi trung niên và thậm chí cả thanh niên nữa. Họ đứng nhìn xa xăm ra bên ngoài, hai tay bám chặt vào khung sắt, gương mặt buồn không một tiếng nói cười hay trò chuyện gì với người bên cạnh. Không khí khá yên tĩnh và buồn bã. Góc bên tay trái trên đường tôi đi thì không phải một dãy nhà, mà đó là khu vườn, có vài chú thì ngồi hút thuốc lá, mỗi người ngồi mỗi ghế, im lặng. Ở phía xa hơn thì tôi thấy có cả tới hai mươi người toàn nam giới, mấy chú ấy ngồi trên ghế đá, mỗi người quay mỗi hướng, có người thì hướng về chúng tôi, có người thì chỉ ngồi lặng yên. Ngạc nhiên hơn khi tiến dần vào bên trong cuối dãy nhà đầu tiên, tôi thấy có người còn bị trói cột chân lại vào cây cột, họ nằm dài người ra ở hành lang, ánh nắng ban sáng chiếu vào làn da vốn đã đen sạm, có một chút gì đó đượm buồn hiện rõ trên gương mặt gầy gò xương xẩu của họ. Chúng tôi bước vào nhà bếp, ở đây khá rộng và sạch sẽ. Khi trông thấy đội ngũ nhân viên khá đông cộng với nhiều những đồ dùng nhà bếp: nào là nồi cơm, canh, số lượng cá, rau, thịt…tôi tò mò về số lượng bệnh nhân ở đây, nên tôi chạy đến gặp một anh hướng dẫn đoàn chúng tôi để hỏi, anh ấy cho tôi biết ở đây có tới hơn 1200 bệnh nhân – một con số không hề nhỏ với nhiều độ tuổi khác nhau, trong khi còn biết bao nhiêu trung tâm khác ở Việt Nam. Thật đáng kinh ngạc! Nhưng trông kìa, những người làm bếp, họ làm việc rất mau lẹ: chiên cá, nấu canh, làm rau,… rất vội vàng để kịp cho bữa trưa sắp tới cho những bệnh nhân đang đợi ở các khu. Rồi chúng tôi đến thăm khu bệnh nhân nữ, ở đây cửa lúc nào cũng đóng, chỉ khi có đoàn khách đến thăm thì trung tâm sẽ cho người ra mở. Khi bước chân vào, lần đầu tiên trong đời tôi bước chân lại gần những người bệnh tâm thần như thế này, cảm giác sợ hãi xuất hiện. Tôi cố gắng nghĩ họ cũng như mình để quên đi sợ hãi mà tiến lại gần họ. Nhưng ai sẽ sẵn sàng nói chuyện với tôi? Người kia ư? Bà ấy trông gương mặt hơi lạnh lùng, nghiêm nghị? Bà kia ư? Bà ấy không mặc đồ, nằm dài trên chiếc ghế đá ngoài sân, ánh nắng xuyên qua hàng cây chiếu vào lại càng làm cho bà ấy thêm mệt mỏi và ốm yếu. Tôi lại tiến thêm vài bước vào bên trong vì thực sự tôi cũng muốn trò chuyện, lắng nghe suy nghĩ, để hiểu thêm cuộc sống hiện tại của họ. Cố gắng mạnh dạn hơn, tôi thấy có ba bà ngồi gần nhau nhưng không ai nói lời nào, ba bà mang ba vẻ mặt, ba tâm trạng khác nhau nhưng ở họ đều ánh lên một nỗi buồn sâu thẳm. Tôi kiếm chiếc ghế nhựa ngồi xuống và cùng với hai người bạn, tôi chào hỏi trước: “Con chào bà, bà có khỏe không? Bà vào đây lâu chưa ạ?”, một bà gần tôi nhất nói gì đó, dường như câu hỏi nào của tôi bà cũng đáp lại với gương mặt cũng khá vui nhưng bà ấy dường như không thốt ra lời được, tiếng gì đó chỉ thấy trên môi bà mà bà không thể cất lên cho tôi nghe được. Tôi cũng khá ngạc nhiên, và mong giá như mình có thể nghe được điều gì đó. Tôi ngồi với bà thêm một lát rồi xích ghế lại bên bà bên cạnh – một người mà bạn tôi đang nói chuyện. Ôi, bà ấy vui cười, trông rất bình thường, khỏe khoắn. Không ngại ngùng, tôi nói chuyện với bà, đặt khá nhiều câu hỏi và câu nào bà ấy cũng trả lời khá cụ thể, vui vẻ. Ra là bà ấy vào đây được hơn hai tháng rồi, lúc trước bà hay bị đau đầu, rồi đi khám bác sĩ nói có dấu hiệu không tốt về thần kinh nên phải chuyển vào đây; bà ấy khao khát tự do, khao khát sống cùng với gia đình, được về cùng chị em, bà nói rằng ở nhà tự do, thích đi đâu thì đi, ở đây không được tự do ra ngoài; mọi người thường hay cãi nhau, đêm đêm có người bệnh nặng hơn thì lại la lối um tùm khó ngủ; thậm chí còn có cả xô sát, đánh nhau nghiêm trọng… Thấy những chậu nước đầy ngoài kia, tôi hỏi mới biết là nước cho các cô chăm sóc giặt đồ cho những bệnh nhân không thể tự giặt. Sau khi trò chuyện chừng 30 phút, chúng tôi phải chào họ để đi thăm khu khác vì không còn nhiều thời gian. Chúng tôi chào ba bà ấy, cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp cho họ mau khỏi bệnh để được về nhà. Bà ấy cũng vui vẻ tạm biệt chúng tôi. Trước khi ra về, chúng tôi có mời một số cô đến chụp hình chung. Thật dễ thương khi có nhiều cô rất vui vẻ khi chụp hình, lại còn tạo kiểu cho xinh nữa. Tuy họ là bệnh nhân nhưng họ cũng có những cái rất “con người”, rất “yêu đời” như chúng tôi, sinh viên vậy!
Khu thứ 2 tôi được đi thăm là khu nam. Lại còn ngạc nhiên hơn nữa, khi số lượng ở đây đông hơn rất nhiều, mà sao họ chào đón chúng tôi rất mừng rỡ, bắt tay chúng tôi, xếp hàng ngồi ca hát, vỗ tay kể cả những em trai trẻ chừng mười mấy tuổi, kể cả các chú, bác lớn tuổi hơn, họ cùng hát những bài hát sinh hoạt tuổi trẻ. Thật yêu đời! Trong số đó có một em trai chừng 14 tuổi, khi một người bạn nữ đi cùng tôi đứng bên ngoài khi chưa vào, em đó đã bắt tay bạn đó cười, rồi còn nháy mắt có vẻ rất vui và quý bạn ấy. Trông rất dễ thương. Sau khi vào thì em đó và bạn tôi nói chuyện vui vẻ rất lâu, và tôi được biết rằng em ấy bị nghiện xăng. Thật đáng buồn, vì cuộc đời em lẽ ra đang được ngồi trên ghế nhà trường, tự do rong chơi cùng gia đình, bạn bè, tuổi ăn, tuổi lớn, tuổi học, nhưng vì điều gì đã thay đổi cuộc đời em? Bên trong lại thêm có mấy chú bị cột một chân lại, họ im lặng, buồn bã, không nhìn ra, chẳng nói một lời. Chúng tôi thay nhau phát bánh cho các chú, các bác ấy, nhiều người vui vẻ nhận, có người không bóc được vỏ bánh, nhờ tôi bóc nữa; có người lại chẳng nhận bánh, không nói gì cả.
Tôi bắt đầu có cái nhìn mới, hiểu hơn về cuộc sống thực tại của họ – thiếu tự do, bệnh tật, buồn bã; bị nhiều người xa lánh, cho là “tâm thần”… Đột nhiên trong tôi nảy ra nhiều câu hỏi: Họ không hạnh phúc? Điều gì làm thay đổi cuộc sống của họ? Sự khác nhau giữa cuộc đời tôi và họ? Họ cần gì? Động lực nào làm cho những người chăm sóc họ có thể làm việc ở đây?
Đúng vậy, có gì mà vui chứ, đau trong ốm ngoài; 24/24 giờ một ngày, từng tháng, hết năm này đến năm khác họ ở trong một chỗ, có chuyện gì để nói với nhau khi ngày nào cũng thế, ngày nào cũng vậy; muốn ra, muốn gặp người thân, gia đình cũng không được… Nguyên nhân cho cuộc sống buồn tẻ của họ có thể do những tổn thương về tình cảm, hoặc do tai nạn là chủ yếu; suy cho cùng thì cũng là do những người khác gây ra cho họ, con người gây ra cho nhau; một biến cố, một vết thương, một cú sốc nặng nào đó từ một hoặc nhiều người khác đã thay đổi cuộc đời họ hoàn toàn, họ trở nên khác, mang tên khác: “bệnh nhân tâm thần”. Với một chút hối tiếc cho mảnh đời đẩy đưa, mang đầy thương tích của họ, tôi ước gì giá như con người với nhau thương yêu nhau hơn một chút, tha thứ, đón nhận, nâng đỡ, mở rộng thì chắc họ không phải vào nơi này.
Các cô, bác, chú, các em ở đây cần tình yêu thương, sự chăm sóc, chia sẻ, lắng nghe. Bản thân tôi, dù không bệnh tật cũng cần, vì đó là tình thương – nhu cầu căn bản của con người. Ai cũng muốn được yêu thương, quan tâm nhưng ít ai biết mình có thể cho đi một nụ cười hay tiếng nói hỏi han. Tôi có cả một kho tàng nụ cười, một sức trẻ có thể đi đến với họ, với tất cả những người quanh tôi. Nhưng tôi cứ trì hoãn, biếng nhác, lười cho đi, sợ thua thiệt. Kỳ lạ là khi đến với họ, họ vui vì chúng tôi đến thăm thì chính chúng tôi lại vui hơn hết. Phải chăng đó gọi là “cho đi là nhận lấy” – nhận lấy nhiều hơn?
Khép lại một buổi sáng với những hoạt động tình nguyện, chúng tôi trở về Dòng Tên. Bước trên con đường quen thuộc, dưới tán cây rợp bóng, một vài tia sáng chiếu xuyên qua kẽ lá, rớt xuống trên những khuôn mặt vừa mệt mỏi, vừa suy tư khi vừa trải qua những cung bậc cảm xúc dạt dào sau những trải nghiệm vào ban sáng. Tạm quên đi những mệt mỏi, chúng tôi cùng nhau nấu ăn, cùng vui chơi, cùng nhau sẻ chia những khoảnh khắc trong ngày. Với một vài lời gợi mở từ thầy Phong, chúng tôi đã bắt đầu nói ra hết những suy nghĩ, những cảm nhận của bản thân về chuyến công tác tông đồ trong ngày. Đã có những giọt nước mắt rơi, những giọt nước mắt của niềm hạnh phúc khi mình đã làm được một việc có ý nghĩa, hay giọt nước mắt của sự đồng cảm, của tình thương đối với những con người bất hạnh, hoặc đó là những giọt nước mắt của sự mất mát, đau xót vì sự ra đi của người thân đồng cảnh ngộ với những bệnh nhân trong Trung tâm… Cuối cùng, chúng tôi kết thúc hành trình bằng một Thánh lễ đơn sơ nhưng ấm áp bên nhau.
Chuyến công tác tông đồ này đã làm cho những đứa con xa nhà như rất nhiều thành viên trong chúng tôi không ngừng nhớ đến gia đình, quê hương. Cả những bệnh nhân và chúng tôi đều nhớ nhà, nhớ và mong được gặp người thân, nhưng chúng tôi khác họ, chúng tôi có tự do, có bạn bè, học tập làm vơi nỗi nhớ; Bắc hay Trung thì cũng về được ít là 1 năm 1 lần, lại có bố mẹ, người thân hằng quan tâm hỏi thăm. Chúng tôi có tự do và có thể làm được điều mình muốn. Họ thì không thể. Có lúc tôi tưởng mình nhiều bất hạnh khi so sánh với những người giỏi hơn mình, ít ra biết còn quá nhiều người chưa được như ta. Những gì tôi đang có được, cuộc sống hiện tại thật là “Hồng ân”, giá trị biết bao mà nhiều người khao khát một phần còn không được.
Con người sống cần tình thương dù sống trong bất cứ môi trường, hay trong sự khác biệt nào. Tình thương yêu là động lực cho những con người sống, phục vụ ở đây. Tôi có thể ở lại dù nói chuyện với họ thôi cả một ngày không? – Đương nhiên là “không”. Tôi có thể giặt đồ cho mấy bà già ốm yếu, bệnh tật, không lết người lên nổi không? – Sao mà chịu nổi một lần. Tình thương yêu của những người làm việc, chăm sóc bệnh nhân ở đây nhiều hơn tôi cả ngàn lần.
Cuộc sống này, chúng ta cần yêu thương nhau nhiều hơn. Đúng vậy, tôi không làm được như họ, nhưng tôi biết, tôi đã nhận ra một chân lý sống, thật đáng giá cho một chút hy sinh thời gian tôi đến đây. Tôi không làm được những việc lớn lao, nhưng tôi sẽ cố gắng tập sống yêu thương trong môi trường mà tôi đang sống, chỉ với những điều nhỏ bé nhất với những người bạn, những người sống quanh tôi. Tôi được mời gọi để đến với mọi người, và tình thương yêu sẽ làm cho tôi hạnh phúc trong cuộc sống này.
Maria Nguyễn Thị Ngoãn
Nhóm SVCG-SPKT