7 thg 4, 2014

Chuyến Du Hành Mục vụ của Đức Giám Mục Gioan Sion Khâm đến Attopeu-Paksé (năm 1944)

Được đăng bởi: Unknown on 7 thg 4, 2014 | 7.4.14

Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận rất may tìm thấy bài viết tường thuật (bằng tiếng Pháp) về Chuyến Du Hành Mục vụ của Đức Giám Mục Gioan Sion Khâm, Đại Diện Tông Tòa Miền Truyền Giáo Kontum và 2 vị linh mục thừa sai đến Attopeu-Paksé (đi và về từ 13/02 đến 05/03/1944).XIN TẠ ƠN CHÚA. Chúng tôi mạo muội phỏng dịch bài tường thuật này, tuy còn nhiều giới hạn, nhưng vì đúng 70 năm (1944 – 2014) NHƯ DẤU ẤN TRUYỀN GIÁO CỦA TIỀN NHÂN, nên chúng tôi xin phép đăng lên Trang Truyền thông của Giáo phận nhà.
Cũng nhân dịp này, chúng tôi hồi tưởng lại LỘ TRÌNH NÀY NHƯ THẾ NÀO, DỰA VÀO NHỮNG ĐỊA DANH CÁC NGÀI  có ghi trong bài tường thuật này, và chúng tôi xin phép họa lại trên bản đồ năm 1963 được đính kèm trong phần trình bày của chúng tôi sau đây.
Xin mong quí Vị đọc giả góp ý, chỉnh sửa và nếu được, xin cho chúng tôi cũng như cho Giáo phận nhà bản đồ đã ghi CON ĐƯỜNG CÁC NGÀI ĐÃ ĐI QUA.
GPKONTUM (06/04/2014) KONTUM
XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN
.
CHUYẾN DU HÀNH KONTUM-ATTOPEU-PAKSÉ
Đi và về từ 13/02 đến 05/03/1944

Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong 70 năm qua (1944 – 2014), Đức Cha Gioan Sion Khâm, Giám mục Đại Diện Tông Tòa và linh mục đoàn thuộc Miền truyền giáo Kontum kinh lý vùng Attopeu (Hạ Lào). Cuộc hành trình vất vả, hiểm nguy và âm thầm của Đức Giám mục, cha Renaud (chánh xứ Đak Chô)[1] cha Giffard (Chánh xứ Kon Sơmluh), Thầy Gioakim Chế Nguyên Khoa, và một số người dân tộc dẫn đường, bắt đầu chuyến đi vào chiều chúa nhật ngày 13/02/1944.
Lộ trình này cách đây đúng 70 năm về trước, thiếu phương tiện di chuyển, đường giao thông chưa thông thoáng, đã xuyên qua những lối đi nào, và phải ứng xử làm sao trên chuyến đi mạo hiểm này?. Chắc hẳn, đó là những câu hỏi tự đặt ra để tìm hiểu lộ trình mục vụ có một không hai này.
Chúng tôi xin trình bày trong hai phần:
PHẦN MỘT: LỘ TRÌNH
PHẦN HAI: BÀI PHỎNG DỊCH CHUYẾN DU HÀNH
.
PHẦN MỘT: LỘ TRÌNH

Chúng tôi xin trình bày ngược lại dòng thời gian những con đường vượt biên giới Việt nam đến Attopeu trong những năm tháng qua, nhờ đó thiết nghĩ chúng ta nắm bắt dễ dàng hơn lộ trình của Đức Giám mục Gioan Sion Khâm vào đầu năm 1944.
Ngày hôm nay.
Trong thế giới ưa chuộng du lịch, giao thương giữa 3 nước Đông Dương (Việt – Miên – Lào), ngày nay thủ tục giấy tờ dễ dàng qua cửa khẩu Pơ Y. Đường đi cũng không khó với phương tiện di chuyển hiện đại tiện nghi và nhanh chóng, mất 3-4 tiếng đồng hồ tới nơi, trên dưới 120 km từ của khẩu Pơ Y đến thị xã Attopeu. Từ thành phố Kontum đến Attopeu, đoàn du lịch theo quốc lộ 14 (AH 17) đến thị trấn huyện Đăk Tô, đổi hướng, theo đường lộ 40 (AH 132) về phía tây tây bắc (tay trái) đến thị trấn PLEI CẦN (H. Ngọc Hồi).
Từ thị trấn Plei Cần, rẽ về phía tây (bên tay trái), theo trục đường lộ 40 (AH 132) vượt qua Đồn Biên phòng cửa khẩu Bờ Y, tiếp tục hướng thẳng đến cửa khẩu Bờ Y (giáp phần ranh giới Lào) vùng đất tam biên, theo đường lộ 11 (AH 132) bên nước bạn.   Nó nằm trên ngã ba biên giới trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.Đầu tiên đi theo hướng bắc tây bắc xuyên qua rừng núi sinh thái quốc gia, triền dốc khá cao, rồi chuyển hướng về phía tây tây nam, vượt qua những đoạn sông Sê Sou[2] (một nhánh phụ lưu bắt nguồn từ phần đất Việt nam), và đoàn tham quan cứ theo lộ trình con đường lộ 11 này vượt qua sông Sé Kamane, sẽ đến vùng đất Attơpeu.
Những thập niên 60 – 70 (thế kỷ XX)
image004
Nói đến tam biên: Việt nam – nước Campuchia và nước Lào chắc hẳn những người trung niên ai mà không nhớ đến đồn biên phòng BEN HET, vùng núi tam biên này, nơi đây đã chứng kiến biết bao nhiêu xương máu, chôn vùi bao sinh linh con dân người Việt của những bên lâm chiến từ những thập niên 60 – 70 (thế kỷ XX) vừa qua. Bắt đầu tháng 07 năm 1969 trận chiến ác liệt xảy ra trên tiền đồn Ben Het và tiếp tục mãi sau này. Đôi bên ghi lại chiến công trong sử sách của phe mình:
Tử thủ, tấn công, ôi oanh liệt!
Máy bay vũ khí của ngoại lai,
Nhả đạn liên hồi bất kể ai!
Tử thi chẳng phải con Đất Việt”?.
Từ những thập niên đó, dân thường nào ai dám qua cửa ngõ biên giới tam biên này. Mãi khi khai thông được cửa khẩu Pơ Y, con đường qua lại 2 đất nước mới được an bình.
Năm 1957.
Năm 1955-1958: Cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên chánh xứ Plei Kơbei vùng huyện Sa-Thầy ngày nay đã nghe anh em tín hữu thường nói về Attopeu – Lào, nên cũng muốn tìm thời gian thuận tiện đi thưởng ngoạn đất nước người một chuyến. Thời gian thuận tiện là sau tết âm lịch và trước mùa chay năm 1967. Ngài tìm được những người trong giáo xứ biết đường đi Attopeu là ông Hênh, ông Pơi và 2 anh người dân tộc nữa bằng lòng dẫn đường. Chuẩn bị hành lý xong, vào thời gian đã ấn định, 5 cha con lên đường. Cha dùng ngựa cho đỡ mệt và khi cần dùng để chở hành lý, còn các người khác đi bộ đi qua thăm Attopeu trong một tuần lễ đi. Sáng thứ bảy, đoàn khởi hành từ làng Plei Kơbei, ngược suối Ia Sir lên Đak Rơde Ie, đến Plei Khok Kram (Dak Rơde Tih) cách đó 5-6 km; vượt suối Dam Pran, kế tiếp qua núi (cùng tên), tới làng Plei Khok Klong vào buổi chiều. Ngài giải tội và dâng lễ tối thứ bảy. Ngài dâng lễ sáng chúa nhật tại đây, là một họ đạo cực bắc giáo xứ của ngài. Sau đó đoàn người du ngoạn hướng về phía tây và tây bắc đến Attopeu theo đường mòn người dân tộc, người Lào thường qua lại hai nước. Chiều thứ ba, ngài đến một làng người Lào, được người đại diện dân làng tiếp trong nhà rông. Ở đây, ngài không được đi thăm chơi trong làng. Số dân làng khoảng 300 người, ở nhà sàn, mái lợp lá cây, vách ngăn bằng tre nứa. Trong làng không có quán ăn, Dân làng đem cơm dẻo đến tiếp khách và ngài dùng cơm với thức ăn đã mang sẵn. Ngài không biết thổ âm của người địa phương, chỉ có các chú rất thích thú khi nói chuyện trao đổi với họ. Nghỉ qua một đêm và sáng thứ tư ngài trở về và tới Plei Khok Klong dâng lễ vào chiều thứ bảy trong tuần. Sáng Chúa nhật, ngài dâng lễ tại Plei Kơbei.
Trên lộ trình này, ngài không qua một con suối con sông nào. Dựa vào bản đồ, chúng tôi nghĩ ngài đi chưa tới Attopeu, có lẽ đến một làng nào đó trong vùng Tasseng trung tâm huyện lỵ. Ngài đánh giá chuyến đi rất lý thú và hữu ích.
Năm 1944.
Trong lộ trình kinh lý của Vị Đại Diện Tông Tòa Kontum, gồm: Đức Cha Gioan Sion Khâm, cha Gioan Phaolô Renaud (chánh xứ Đak Chô), cha Louis Giffard (Chánh xứ Kon Sơmluh) khởi hành ngày chúa nhật (13/02/1944) vào khoảng 3 giờ chiều. Thời gian này không sợ mưa bom hay gió bão, lụt lội, có thể nằm ngủ giữa trời. Mỗi người có một con ngựa. Cha Renaud mang theo chú Thưởng, Cha Giffard mang theo anh Học đầu bếp và Đức cha mang theo thầy Khoa. Ngoài ra còn có 3 tín hữu: anh Chiang, Joih và Loi.
Tường trình ghi lại chuyến du hành mục vụ kinh lý của Đức Giám mục Gioan Sion Khâm từ Tòa Giám mục Kontum đến Attopeu (Hạ Lào) rất ấn tượng. Trước khi đăng trình cùng quí vị bài phỏng dịch về chuyến du hành này, chúng tôi xin phép có vài lời thưa chuyện với quí vị dựa vào các bản đồ liên quan đến lộ trình của Đức Cha Sion.
Thật vậy, trên đường đi, các Ngài nghỉ đêm tại nhiều làng dân tộc, họ đạo trên phần đất phía bắc vùng truyền giáo Kontum, đã vượt nhiều chặng đường xuyên qua rừng cây rậm rạp trắc trở, băng qua những sông suối, chiếc cầu tạm mong manh nguy hiểm, đồi núi cao cheo leo vất vả. Tuy nhiên, vì các Ngài đi xuyên qua nhiều địa danh giáo xứ, các làng người dân tộc nay đã thay đổi và di dời đến nơi khác, nên chúng tôi thiết nghĩ cần xem lại lịch sử các địa sở đó, và dựa vào bản đồ đã xuất bản vào nhiều thời điểm khác nhau. Mặt khác, chúng tôi thu thập một số lời chứng thực địa của anh em dân tộc bản địa, đặc biệt cha Gioakim Nguyễn Thúc Nên vào cuối thập niên 50 (Thế kỷ XX) CŨNG ĐÃ MỘT LẦN ĐẾN THĂM VÙNG ATTOPEU.
Chúng tôi xin mạn phép trình bày lộ trình chuyến công du mục vụ này trước nhất dựa vào các bản đồ.
I – BẢN ĐỒ 1939.
Bản đồ nguyên gốc năm 1939 không được rõ nét, nên chúng tôi cho họa lại (xin đính kèm, Bản đồ số I). Bản đồ nguyên gốc đã được in trong tài liệu nghiên cứu có tựa đề “LÀM SAO MỘT ĐỊA SỞ NƠI XỨ THƯỢNG ĐƯỢC THIẾT LẬP VÀ NẢY NỞ?”, đượcđăng trong trang Webs của Giáo phận: (giaophankontum.com) và đường dẫn vào tài liệu nghiên cứu:http://giaophankontum.com/Tu-Lieu-143_LAM-SAO-MOT-DIA-SO-NOI-XU-THUONG-DUOC-THIET-LAP-VA-NAY-NO.aspx

Bản đồ I:
image008
Chúng tôi xin trích một đoạn trong tài liệu nghiên cứu trên.
Sau khi trình bày việc xây dựng họ đạo Đak Kơna thời cha Bonnal Bổn (năm 1905), đến khi cha Phaolô CRÉTIN XUÂN nhập cuộc vào cánh đồng mới cực bắc Kontum này:
Ngày 13/07/1923, vị thừa sai trẻ tuổi – Cha Crétin Xuân đến Kontum. Ngài 31 tuổi. Chúa chuẩn bị cho ngài sức chịu đựng nơi rừng rú này. Ngài bị lưu đày khổ sai gần 4 năm tại Đức quốc. Sau một vài tháng học tiếng Bahnar ở Kon Sơlăng và tiếng Rơngao tại Kon-Hơring, ngài được chỉ định đến địa sở Dak-Kơna. Ngày 24-4-1924, ngài đến sống duới mái nhà cũ của cha Bonnal đã bỏ hoang từ nhiều năm. Những năm đau khổ cùng cực, dấu hiệu chắc chắn những thành quả mai sau. Cuối cùng hoa trái của lao công gieo hạt giống Tin Mừng.
Xin trích đoạn theo Echos năm 1939:  “La Mission des Pays-Mois en 1939”:
“Địa sở Đak-Kơna kết thúc cách tốt đẹp
Như người ta đã thấy trước đây, địa sở này trong 25 năm dài, như là một cây nho đáng thương, không phát triển được và hầu như không sinh hoa quả nào, mặc dù những vun trông đã cố gắng nhiều. Và dầu vậy, trong một thời kỳ lâu dài, không không trơ trơ như vỏ bề ngoài của nó, mà gốc rễ nó âm thầm mạnh mẽ dần và càng đâm sâu hơn vào lòng đất Sêđang.
Cũng vậy, từ năm 1932 trở đi, khi sương trời tưới xuống, lập tức sức sống nó phát triển và bắt đầu lớn to thấy được, đâm cành ra tứ phía, đến độ tàng nó che phủ cả một mảnh đất rộng mênh mông.
Trước sự lớn, huy hoàng này, một công trình của Thiên Chúa hơn là của nhân loại, chúng ta chỉ ca tụng, cám ơn và góp phần hợp tác đơn sơ của chúng ta vào thôi.
Để đà lớn này lan rộng hơn nữa, chắc hẳn một vị thừa sai không thể lẻ loi lo lắng cho một địa sở như thế được; ngài phải lo lắng quá nhiều cho 4000 linh hồn không cùng một nơi mà còn phân tán trong 20 làng cách xa nhau. Vậy cần phải chia địa sở được chúc phúc này ra làm đôi.
Cha Renaud, linh mục trẻ tuổi, hăng say, đến địa phận tháng 10-1934, xin phép Đức cha nghĩ đến việc thực hiện dự định này. Nhưng người chính thức, thực hiện chương trình vào tháng 3-1936. Lúc đó, mới có quyết định chia địa sở Đak-Kơna ra làm hai:
1. Một ở phía đông, có quốc lộ 14, xuyên từ đầu này qua đầu khác mà họ Đak-Chô như trung tâm điểm.
2. Và địa sở ở phía tây ngã sông Pơkô, có làng Đak-Môt quan trọng làm trung tâm.
Thực tế, trung tâm cũ Đak Kơna đã trở nên một họ đạo lẻ sát nhập vào địa sở Đak-Môt.
Cha Phaolô Crétin nhận địa sở phía tây gồm trung tâm cũ Đak-Kơna và 8 họ hoàn toàn mới, với 917 giáo hữu và 952 chầu nhưng.
Cha trẻ Phaolô Renaud đặc trách địa sở phía đông gồm 13 họ đạo, có 4 họ đạo cũ và 9 họ đạo mới, với 1108 tín hữu và 894 chầu nhưng.
Địa sở Đak-Kơna chấm dứt được kể là trong vui sướng, và thực tế, đã sung sướng hạnh phúc rồi, vì Đak-Kơna khởi đầu cho việc truyền bá Phúc Âm trong vùng này, bằng một lịch trình biến hoá không kém phần vui mừng hạnh phúc. Xin đọc giả giúp chúng tôi cảm tạ tác giả của mọi sự đẹp đẽ.
Chúng tôi có thể ngừng bút nơi đây, vì lịch sử của địa sở Đak-Kơna đã hết. Dẫu sao, chúng tôi cũng thêm một vài hàng nói về những khởi đầu của hai địa sở mới, tiếp tục công trình đã khởi đầu quá đẹp đẽ này.
“KHỞI ĐẦU ĐỊA SỞ ĐAK-MOT
Trung tâm địa sở phía tây đặt tại một địa điểm đẹp tại một làng lớn nhất cả vùng, và hầu như nằm ở tâm địa hình của địa sở. Làng này nằm trên những sườn đồi đẹp gần sông Pơkô. Các mái nhà nhô lên trên đỉnh đồi như ngọn đèn soi sáng cho cả góc trời này biết Đấng tác thành sự sáng.
Cha thiết lập trước tiên nơi đây một túp lều thượng nghèo nàn, nhưng rộng rãi để ở và có thể bắt đầu dạy giáo lý cho các người mới trở lại. Vậy trước nhất, là làm một nhà nguyện nhờ tiền cúng giới từ Pháp đến, khang trang, sạch sẽ hết sức có thể cho Thánh Thể ngự. Một khi Chủ đã có chỗ ở, ngài mới nghĩ đến những người giúp việc, thượng cũng như kinh và ngài xây cho họ một mái nhà đơn sơ nhưng vững chắc. Đối với ngài, ngài luôn luôn ở trong lều cũ. Chỉ 2 năm sau, ngài mới nghĩ đến mình xây một ngôi nhà không xa lạ với chúng ta, nhưng xếp đặt tiện dùng.
Quý vị chắc hỏi chúng tôi làm sao có thể xây những toà nhà này trong hoang dã được? Xin hãy nhớ không phải ngày nay người ta mới nói: “ai xây cất phải chịu vất vả”. Cha có kinh nghiệm đôi chút về vấn đề này, và chỉ có Chúa mới biết Cha đã chịu lao khổ, dày vò, mồ hôi để đến thành quả như đã đạt, bất kể mọi bất trắc xảy ra.
Nhưng, cộng đoàn Kitô giáo trong vùng này thăng tiến, thật tuyệt đẹp. Nếu quý vị đến đây cách 4 hay 5 năm thôi, quý vị đã không gặp một Kitô hữu, năm 1936, đã gần 1000.
Hiện nay, cuối năm 1939, địa sở còn tăng lên nhờ bình an nội giới và ngoại cảnh của 3 làng mới: Đak-Rao, Đak-Tang và Đak-Phun; có 12 họ đạo chiếm bên hữu ngạn sông Pơkô, và 3 bên tả ngạn sông, với 1328 tín hữu và dự tòng, tổng số lên tới 2256 linh hồn, mà Cha phải dẫn họ đến đường Đức tin về Thiên Chúa và hạnh phúc. Cha hăng say thực hiện; con số 5335 lần rước lễ năm 1939 là một bằng chứng.
Cuối tháng 3 năm này, Đức cha Jannin đã đi thăm chính thức địa sở mới này và ban cho 410 người chịu phép Thêm Sức. Như thế, công trình của Thiên Chúa tích cực tiếp nối mãi.
“KHỞI ĐẦU CỦA ĐỊA SỞ ĐAK-CHÔ
Đak-Chô là một làng gồm 250 dân nằm cách tây bắc Kontum 60 cây số, ven quốc lộ 14, con đường giao thông quan trọng tại Việt Nam nối Sài Gòn –  Đà Nẵng – Huế qua các cao nguyên xứ thượng.
Dân cư trong địa sở này gồm những người Sêđang, một chủng tộc thiện chiến, có những phong tục khác với người Bahnar một ít, và chẳng may có một thứ ngôn ngữ riêng biệt, với bao nhiêu là thổ ngữ khác nhau từ làng này đến làng khác.
Địa sở mới còn đâm chồi nảy lộc nhờ sự trở lại đạo của làng mới: Đak-Hrâp, Đak-Brei gồm những xóm Đak-Kơna, Đak-Kơmo và Đak-Rơia iê. Vậy năm 1939, dân số lên tới 2313 người gồm 1324 tín hữu và 989 dự tòng. Tất cả những sứ ngoại lân cận chính họ tự ý xin trở lại nữa. Nếu chúng ta có nhân lực và vật lực như ý muốn, còn có thể thành lập một địa sở tốt đẹp tại nguồn sông Tơkan.
Cha Renaud đến Đak-Chô vào Phục Sinh 1936, ở trong một túp lều tranh, do bàn tay các tín hữu sở họ tương lai của ngài làm nên; rất đơn sơ, gồm 2 phòng nhỏ, 1 dành cho cha sở, một dành cho người giúp việc. Cách đó 100 thước là một nhà nguyện nhỏ, đơn sơ như trong bao sở họ khác. Cha sống chật chội, nhưng ngài vui sống trong hoàn cảnh của ngài. Dẫu vậy, cơ sở đó không hợp và không đủ cho một trung tâm của một địa sở lớn; cần làm khá hơn nữa.
Cha đầy hăng say và đủ khả năng bắt tay vào việc một cách dứt khoát, xây cất một ngôi thánh đường – nhà vuông, rộng rãi và chắc chắn. Làm nhà nguyện và nhà Cha ở cùng một mái nhà, rẻ tiền hơn và thực dụng hơn. Một gác chuông nhỏ, ít có trong địa phận chúng tôi với một ngọn tháp, đơn sơ thẳng hướng trời cao. Cha đã thành công trong việc này với bao mỏi mệt… chỉ mình Chúa thấy rõ. Qua những bản đồ trang sau, độc giả có thể nhận định được việc này như thế nào. Họ sẽ thấy như chính Cha đã thấy công trình này sau khi đã gọi đến lòng thiện chí của bổn đạo, những người đồng một lòng góp công góp sức xây cất nhà nguyện theo khả năng, nhất là họ đem từ rừng về hàng ngàn khúc gỗ cần thiết cho việc kiến trúc này.
Thứ tư Phục Sinh 1939, Đức Cha Jannin với các Linh mục khác đến để làm phép trọng thể ngôi thánh đường này, Hai ngày sau, Đức Cha ban Bí tích Thêm Sức cho 314 người. Đây là một dịp chưa hề nghe thấy cho xứ này.
Hy vọng những ngày tốt đẹp chỉ khai mào cho một tương lai dồi dào hoa trái và vinh dự cho địa sở này.
Sau khi đọc xong những trang này, ước chi đọc giả giúp chúng tôi ca ngợi và cảm tạ Thầy Chí Thánh đã đoái thương đổ tràn đầy cho những vùng này hồng ân toàn năng của ngài, hầu làm cho những người Sêđang kiêu hùng ma quỷ đến ngày nay được chiến thắng và cũng trở nên con cái Thiên Chúa.
Thấy sự chúc lành này, làm sao chúng tôi không tin tưởng vào tương lai của địa phận chúng tôi.
JANNIN MARTIAL, Đại diện Tông Tòa Kontum”.
3 – Cha Crétin xây dựng và phụ trách địa sở Đak Môt, còn được gọi Đak Môt Kram. Ngài thường tiếp xúc với anh em dân tộc từ phía Hạ Lào đến Đak Tô để trao đổi hàng hóa. Có lần ngài đi đến Attopeu, như trong thông tin tường trình cuộc kinh lý của Đức Cha Sion: “Nhân dịp một nhà thám hiểm tên Bouvier đi ngang qua, Cha Crétin[3] đã không ngăn nổi tính tò mò của mình và đã tháp tùng ông tới Attopeu”.
II – BẢN ĐỒ NĂM 1963
Chúng tôi xin đối chiếu bản đồ năm 1939 và dựa vào một số bản đồ khác, nhất là bản đồ Sàigon in lần thứ 2, năm 1963 để tạm phát hoạ lại con đường Kinh lý đến Attopeu, của Đức Giám mục Gioan Sion Khâm tháng 2 năm 1944.
* Bản đồ I (năm 1939).
Chúng ta có thể nối kết một số địa danh, những làng Đức cha Gioan Sion đã đi qua trong cuộc hành trình này. Từ Kontum theo đường quốc lộ 14 hướng phía bắc, qua địa sở KON HƠRINGlên DAK TÔ, vượt qua sông DAK TƠKAN (có lúc ghi Dak Kan)[4], hướng đến DAK CHÔ. Nhà thờ DAK CHÔ nằm trong vùng địa sở tiên khởi phía bắc cách nhà thờ DAK CHÔ hiện nay độ hơn một hai cây số. Từ địa sở này đi ngược trở lại đến D. Tong, qua D. Môt Loh (có nghĩa:nhỏ), nằm tả ngạn sông Krong Pơkô, qua sông đến DAK MÔT KRAM ( Kram có nghĩa là trên, hoặc lớn) nằm ngã ba sông Krong Pơkô và suối Dak Kal. Cha Crétin Xuân phụ trách Dak Môt Kram. Từ Dak Môt Kram theo hữu ngạn sông Krong Pơkô ngược lên D. RƠLANG, và từ đây hướng phía tây nam đến D. TANG. Người Lào thường đến DAK MÔT KRAM liên hệ buôn bán đổi hàng hóa với những người dân tộc vùng DAK TÔ.
Bản đồ II (năm 1963).
Theo bản đồ II, chúng tôi có lưu ý những làng phía tây DAK MÔT KRAM (trong vòng tròn màu xanh), được tờ tường thuật CHUYẾN KINH LÝ QUA ATTOPEU của Vị Đại Diện Tông Tòa Miền truyền giáo Kontum nhắc đến như: Kai Yối, Dak Yang Lốh, Bung Ngai… Phía bên Lào có huyện lỵ Tasseng, có làng Sane Louang bên bờ suối nước cùng tên, làng Phia Ha bên bờ sông Sé Sou, sông Sé Kamané, Mương Câu trong vùng Attopeu. Nhờ những địa danh này, chúng ta có thể vạch được lộ trình của Đức Cha đã đi qua (xin xem bản đồ số III)
image009
Địa sở Dak Môt đã phát triển mạnh cho đến năm 1972. Sau đó vì chiến tranh, bà con giáo dân phải đi di tản về Phú Bổn và Dak Lak. Từ sau 1975, người dân dần dần trở về làng cũ. Đồng thời cha Giuse Võ Văn Dũng, hiện chánh xứ Đak Môt (thị trấn PLEI KẦN, H. NGỌC HỒI) sau khi tìm hiểu cho chúng tôi biết vùng giáp giới với Lào (nằm trong vòng khoanh màu xanh) sau năm 1975 là nông Trường Cao su 732 (Doanh Trại Trung Đoàn 732), năm 2010 đã chuyển qua cơ chế dân sự, thành lập xã DAK KAN, một phần thuộc xã BƠ Y [5]. Đây là cửa ngõ từ DAK MÔT KRAM qua LÀO cũng như có một con đường từ trục đường qua LÀO này ngược xuống phía nam đến tỉnh Ratarakiri – Campuchia. Do đó, sau năm 1975, khu vực nhà thờ thời cha Crétin xây dựng trước kia bị san bằng bình địa, nằm gần cầu bên hữu ngạn sông PơKô ngày nay, phía nam cách thị trấn Plei Kần khoảng 4 km. Các làng dân tộc thuộc giáo xứ DAK MÔT KRAMxưa kia cũng phải di dời về thị trấn PLEI KẦN. Nhà thờ DAK MÔT hiện nay mới được xây dựng lại. Giáo xứ Đak Môt đã khởi công xây dựng nhà thờ mới với diện tích 980m2, vào ngày thứ tư lễ tro 25 tháng 2 năm 2009. Và sau hơn 2 năm tiến hành, năm 2011, giáo xứ khánh thành nhà thờ mới cũng là dịp mừng 75 năm tuổi đời với tước hiệu  “ĐỊA SỞ” thực thụ tách từ địa sở Đak Kơna (1936-2011).
BẢN ĐỒ III (năm 1963)
Chúng tôi xin mạo muội thử đánh dấu LỘ TRÌNH CHUYẾN KINH LÝ này trên bản đồ năm 1963 sau đây, lần theo các làng được nêu lên trong tờ thông tin về cuộc hành trình của Ngài sau đây:
image010
Sau khi tìm hiểu lộ trình mục vụ của Đức Cha Gioan Sion Khâm đi kinh lý Attopeu – Paksê, chúng tôi xin chuyển qua Phần II: bài phỏng dịch tờ tường trình chuyến đi hiện lưu giữ tại thư viện Giáo phận.

PHẦN HAI:
CHUYẾN MỤC VỤ KINH LÝ
KONTUM – ATTOPEU – PAKSÉ
Đi và về từ 13/02 đến 05/03/1944

Ngắn gọn- Từ 18 Giêng 1932, Toà Thánh quyết định ranh giới của địa phận mới truyền giáo KonTum. Trong một bản thống kê với 3 tờ giấy đơn giản, phải chăng toàn bộ miền Attopeu đã ở dưới gốc cây cổ thụ đầy hoa trái chín đỏ này? Nhân dịp một nhà thám hiểm tên Bouvier đi ngang qua, Cha Crétin đã không ngăn nổi tính tò mò của mình và đã tháp tùng ông ta tới Attopeu. Một tài liệu thông tin khác của địa phận Quy Nhơn đã ghi lại những chi tiết của chuyến đi này. Từ đó, trong tâm tưởng của chúng ta, Attopeu như là một miền xa xôi bên kia những dãy núi hầu như không thể đến được trong công cuộc truyền giáo. Đức Cha, người gánh nặng việc loan báo Tin Mừng trong toàn địa phận, cách riêng miền Attopeu, đã mong ước đến tại chỗ để tìm hiểu hoàn cảnh của miền này.
Cha Renaud và Cha Giffard rất muốn đi theo Ngài, và chuyến đi được ấn định vào ngày 13/2/1944. Thời gian này chắc chắn sẽ không mưa, có thể nằm ngủ giữa trời. Một hội đồng gồm 3 người quyết định các công việc cần phải chuẩn bị và những chi tiết của chuyến du hành. Mỗi người có một con ngựa, Cha Renaud mang theo chú Thưởng, Cha Giffard mang theo anh đầu bếp tên Học, và Đức Cha mang theo Thầy Khoa. Cả ba đương nhiên đi ngựa. Họ đem theo dụng cụ cần thiết làm bếp, gạo, đồ ăn hộp, v.v…, một bàn thờ di động, 1 cái đèn gió đá (acetilen), một khẩu súng. Ba tín hữu Chiang, Joih và Loi cùng đi với chúng tôi. Chiang nổi tiếng am hiểu cả vùng, người thứ 2 là thợ săn và người thứ 3 đi theo người thứ nhất.
Chủ Nhật, ngày 13/2/1944, vào khoảng 3 giờ chiều, chiếc ôtô của ông Césarini, thanh tra ở Dak Tô đã giúp chở chúng tôi đến Dakchô, địa sở của cha Renaud cách Kon Tum 58km., những người đi theo chúng tôi sẽ cởi ngựa đến Dakchô vào sớm hôm sau.
Gần tới Dak Tô, chúng tôi được tin một con ngựa trong bầy bị tai nạn và sắp chết. Chúng tôi vội vàng xin ông thanh tra cho mượn hai con ngựa. Thật vậy khi đến Dakchô, chúng tôi thấy con ngựa đứng run rẩy, đau đớn lúc lắc đầu, hàm răng nghiến chặt, và không ăn được nữa. Điều gì đã xảy ra? Không biết được! và người ta đã kể lại: Gần tới Dak Kan có dòng nuớc trong, những người điều khiển cho ngựa uống nước. Khi họ muốn móc hàm thiếc vào, con ngựa đã vùng vẫy, rơi xuống dưới cầu, đầu chúc xuống va vào đá. Cuối cùng con ngựa ở lại Dak Chô, và may thay, khi chúng tôi quay trở về, nó đã chạy nhảy bình thường. Ông Thầy của chúng ta đã phải cầu nguyện và khấn với các thánh trên Thiên Đàng.
Tối Chủ Nhật, chúng tôi chuẩn bị những chiếc gùi, sáu người khuân vác, và chúng tôi sẽ thay đổi ở mỗi chặng đường sẽ đi theo chúng tôi được ông Chiang trông coi. Sáng hôm sau ông đã xuất hiện rất hài hước với chiếc áo vét trắng, cái khố và cái mũ nhỏ bằng vải trắng trùm kín nửa đầu.

NGÀY THỨ NHẤT CHUYẾN ĐI

Thứ Hai, ngày 14 tháng hai, lúc 7g45’ đoàn du hành bắt đầu theo đường Dak Sut trong 40 phút, chếch qua trái ngang qua làng Dak Tong và đến PơKô lúc 10g15’; đoạn đường dài khoảng 11km. Sau khi qua sông PơKô, chúng tôi ghé thăm cha sở Dak Môt, nhà của Cha chênh vênh bên bờ sông. Cần phải ăn trưa. 13g20, chúng tôi lại lên đường, xuyên rừng đi tới Dak Rơlang lúc 14g20’, rồi tiếp tục đi ngang qua nhiều đám rẫy Thượng và những cánh đồng mênh mông hình vòng cung, vài chú trâu đang gặm cỏ. Lúc 16g5’, làng công giáo Dak Tang Kai Jôi hiện ra trên triền cao, chúng tôi nhanh chân đến đó để qua đêm trong cung thánh Nhà Nguyện. Chúng tôi đã đi khoảng 14 cây số trong buổi chiều, như thế cả ngày đi được 25 cây số. Mọi người đều khoẻ trừ Cha Renaud thường đặt tay lên chỗ lá gan của mình.
Bệnh đậu mùa đã hoành hành trong mấy tuần vừa qua, chúng tôi nhìn thấy ở cổng làng vùng Dak Mot và nhiều làng khác đủ loại hình nộm, linh vật, bùa ngãi để ngăn chặn sự lây lan bệnh khủng khiếp.
Làng Dak Tang mới tòng giáo gồm 49 tín hữu và 100 tân tòng. Ông chủ làng dễ mến và tự nguyện giúp đỡ những việc chúng tôi cần. Hai ông biện vẫn còn ngoại giáo cũng rất tận tâm với chúng tôi. Tội nghiệp! Chú yao phu đi tĩnh tâm vẫn chưa về và e rằng sẽ không trở về lại nữa. Những con người đáng thương này cần sự có mặt của ông ta để không mất đi chút tâm tình tôn giáo họ đang có.
Trong lúc những chú ngựa ăn uống, chúng tôi đọc kinh Nhật Tụng, rồi ghé lại nhà Rông; ở đó, một đoàn người Lào đang nghỉ ngơi. Họ nói chuyện với chúng tôi rất dễ thương bằng tiếng Kinh, tiếng Pháp, tiếng Sédang; họ tặng chúng tôi một miếng thịt trâu và chỉ dẫn cho chúng tôi những nơi sắp đi qua. Ông chủ làng mang cho chúng tôi một con gà, nhưng không chịu để chúng tôi trả tiền. Và rồi ăn tối, thực đơn gồm: dăm bông, bí , thịt trâu, cơm, trà, hoặc rum và đến 8giờ tối chúng tôi đi ngủ. Đức Cha ngã lưng trên một chiếc ghế dài được Ngài mang theo cho tới cuối cuộc hành trình; các Cha Renaud và Giffard nằm trên những chiếc “puk” Lào ( Puk: cái chăn dày và rộng của người Lào) do người làng mang tới. Ông Thầy và các chú cuộn queo trong chăn. Tiếng sáo hoà tiếng hát của những người Lào trong đêm khuya.

NGÀY THỨ HAI CỦA CHUYẾN ĐI

Buổi sớm mai không khí se lạnh đánh thức chúng tôi. Lúc 5 giờ, chúng tôi dâng Thánh lễ trên bàn thờ trong Nhà Nguyện, chừng 30 giáo dân tham dự Thánh lễ và đọc kinh trong khi các chú nấu cơm trong nhà chú yao phu. Bữa cơm sáng có cơm, pa-tê gan, cá trích, cà phê và trà. Bầy khỉ hú vang rừng, những người khuân vác xếp hành lý của chúng tôi. 8 giờ 10’, các vật dụng nhà bếp đã được xếp gọn trong những cái gùi, chúng tôi lên đường. Lại vượt qua những cánh đồng rộng, những đám rừng le, một con chim công tuyệt đẹp đã làm chậm bước chân của chúng tôi một cách vô ích vì nó đã kịp bay đi khi ông thợ săn đưa súng lên ngắm. Tại làng Kyong Bungai, lại thay người khuân vác. 10g20’chúng tôi dừng lại ở Plei Khônh, ông chủ làng đem đến vài quả trứng và chúng tôi buộc phải đưa ra một ít vàng cám; một Già làng đề nghị đổi chiếc nhẫn của Đức Cha bằng một con trâu!. 10 giờ 30 phút, chúng tôi lại tiếp tục đi theo đường rừng trên núi cao và bắt đầu đi xuống dốc nên buộc phải xuống ngựa đi bộ. Khi xuống ngựa, Đức Cha ôm cổ con ngựa; nó cúi xuống, Đức Cha bị lộn đầu khỏi yên ngựa và nặng nề rơi xuống đất. Rủi thay, Ngài đeo ống nhòm choàng qua vai và lúc ngã xuống bị cấn gây một vết bầm tím bên sườn trái. Vết bầm đã làm ngài đau đớn. Con đường bằng phẳng hơn, chúng tôi lên ngựa nhưng chẳng mấy chốc lại một con dốc mới. Con ngựa của Đức Cha trượt chân ngã, chàng “kỵ sỹ” rơi bệt bên cạnh, không đau đớn gì. 11g15’, tới làng Dak Kal, một cánh rừng thưa với cỏ thơm và nước trong, chúng tôi xuống ngựa, ngồi trên chiếc cầu tre đọc kinh trưa. 11g45’ lên đường, chúng tôi đi theo đường rừng tới làng Kyong Ek lúc 13g30’.
Trời nóng, ngôi nhà Rông nhỏ, dơ dáy. Chúng tôi nấu cơm, làm con gà hôm trước, mở hộp pa-tê, và kết thúc bằng một ly ca-phê thơm lừng để cho vững đôi chân. Các chú ngựa kiếm một chút cỏ bên bờ suối gần đó. 15g20’, lên đường với những người khuân vác của làng Khônh, những người của làng Kyong Ek ở lại. Và chúng tôi tới một con dốc đáng sợ như một cái thang dựng đứng bằng đá và rễ cây. Thật ngán ngẫm khi phải leo lên rồi lại xuống. Thật ra chúng tôi có thể đi vòng thay vì vựợt qua ngọn núi, nhưng phải chăng nên đi xem cho biết?! Dưới chân dốc, suối Dak Rơleai âm thầm chảy. Chúng tôi đi dọc theo con suối suốt cả ngày hôm sau, vượt qua 18 cái cầu vắt vẻo. Đó là cách thông thường nhất khi xuôi theo dòng một con suối: điều đó cho thấy không thể đi được trong mùa mưa, nhất là đi bằng ngựa. Ở vài chổ, cha Renaud nhanh nhẹn nhảy xuống ngựa khi nó bị sa lầy. Lúc qua suối Dak Rơleai, chúng tôi gặp một tấm bia đề: ATTOPEU và cách đó không xa một cọc số ghi 100. Chúng tôi còn cách ATTOPEU nổi tiếng, mục đích của chuyến du hành, chừng ấy cây số.
Con đường trở nên tốt hơn, rộng hơn… Chúng tôi đoán chừng lãnh đạo tỉnh Attopeu biết và quan tâm đến con đường này. Và rồi lại lên ngựa men theo bờ suối Dak Rơleai tưởng như dài vô tận và luôn với cảnh rừng giống nhau. Đôi khi chúng tôi nhận xét có vài nơi giống như ở Kon Mahar hay Kon Bah. Tại cây số 92, chúng tôi đột ngột tới làng Tasseng, trung tâm huyện lỵ. Đã 18g45 phút, một ngày dài vất vả. Chúng tôi đã cuốc bộ 8 giờ liền trên một con đường chông gai. Ông Huyện trưởng, bà con với Chiang, người dẫn đường của chúng tôi, đã tiếp chúng tôi ban đầu với vẻ lạnh nhạt, nhưng sau đó hoà nhã hơn và chuẩn bị cho chúng tôi ở trong một ngôi nhà dành riêng cho những phái đoàn nào đi ngang qua. Người ta mau mắn mang lá le tới cho lũ ngựa đang đói. Anh đầu bếp bắt đầu công việc và tới 9 giờ tối chúng tôi ăn cơm với dăm bông và thịt bò nhúng dấm.Vào 22g30’ người làng mang cho chúng tôi những chiếc chăn Lào (puk).

NGÀY THỨ BA CỦA CHUYẾN ĐI

Đêm se lạnh; cái lạnh làm chúng tôi thức dậy muộn. Họ dậy sớm từ 4g 40’. Chỉ một mình Đức Cha dâng thánh lễ. Anh đầu bếp nấu cơm gấp đôi khẩu phần. Chúng tôi ăn một phần với thịt gà và trứng còn lại mang theo để khỏi mất thời gian trên đường đi.
Khởi hành lúc 7g40’ với những người giúp mang hành lý của làng Tasseng. 8g 5’ dừng chân cho ngựa gặm tí cỏ. 8g25’ lên đường. Lên xuống liên tục bên bờ Dak Rơleai giữa rừng với vô số những chiếc cầu buộc chúng tôi phải xuống ngựa. Ông Thầy của chúng tôi thả con ngựa, thay vì nó xuống suối lại mạo hiểm đi trên cầu. Nó bị sụp chân và đã cố sức để rút lên đứng dậy. Dắt theo sau mình một con ngựa gãy chân hay trật khớp là một chuyện thật bực bội. Nhưng không sao, ông Thầy đã có một thiên thần tốt bảo vệ thầy và cả con ngựa nữa. 9g 25 phút dừng nghỉ cho ngựa ăn vì không biết liệu có cỏ chỗ khác không. Đọc kinh Nhât tụng.
10g10’ lên yên. 11g45’ tới làng Seng Luang Kơtu, nơi cha Crétin nói có mối quan hệ; làng đã di dời lên cao, xa hơn chỗ cũ một cây số. Chúng tôi ngồi bên vệ đường ăn cơm với pa-tê và cá trích, rồi đi tới làng theo con đường tắt đầy khó khăn khủng khiếp. Ông Huyện trưởng đi theo chúng tôi đã bỏ quên cái túi xách đựng giấy thuế bên vệ đường. Ông ta hoảng hốt lục lọi những người Thượng mà ông ta gặp. Trong lúc bối rối ông ta đã chỉ cho chúng tôi con đường này. Thật tội nghiệp cho ông Huyện, cuối cùng ông ta cũng tìm lại được món đồ của mình và rất vui vẻ khi tới làng Seng Luang. Chúng tôi lên nhà Rông. Một ông già làng mang nước trong ống tre đến cho chúng tôi. Mới 13 giờ 15 phút, chúng tôi đã đi được15 cây số trong 3 tiếng 15 phút và đang ở tại cây số 77. Người ta dắt ngựa cho ăn uống, các Cha đi tắm rửa và bắt cá. Các Ngài trở về với mẻ cá lớn, phân chia cho các chú, những người thượng đi theo, cho mấy anh khuân vác và cũng không quên cho ông già làng mà chúng tôi đã nhờ cậy. Buổi tối chúng tôi tận dụng nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức lực với dăm bông, cá tươi, mì ống, sốt cà chua.. Chúng tôi đi ngủ, Đức Cha nằm trên chiếc ghế dài, gác chân lên cái trống nhà Rông. Cha Renaud và Giffard cuộn trong tấm chăn Lào. Một đêm thật tuyệt vời và êm ả ngoài cuộc hoà âm nho nhỏ của con lợn nái và bầy con của mình.
Những ngôi nhà ở đây xấu hơn nhiều nhà của người Sédang và Bahnar, mái phía trước thấp xuống lè tè, đàn bà giã gạo bằng một tay, xăm trổ hai bên miệng, đàn ông xăm đầy mình, họ hút ống điếu dài, trắng với ống ngậm bằng đồng. Ở đây cũng vậy, người ta sợ bệnh đậu mùa; bởi vì trước cổng làng vừa mới làm lại, chúng tôi thấy treo đầy những vật thờ cúng lạ lùng, những khay gỗ nhỏ đặt trên đầu cây gậy, và bắt một cây gậy khác khắc răng cưa dùng như một cái thang để tới cái khay, những cái hàm súc vật treo lủng lẳng trên nhiều loại giàn tre,.v.v.. Không một ai hiểu chúng tôi nói, chỉ một mình Chiang có thể nói chuyện với họ. Anh ta dè dặt từng lời và khi nói giọng rất to, rỏ ràng, ngắn gọn. Chúng tôi thay người khuân vác.

NGÀY THỨ TƯ CUỘC HÀNH TRÌNH

Buổi sáng trời ít lạnh hơn. 4 giờ 40 phút thức dậy và mọi người dâng Thánh lễ trên bàn thờ đặt trong góc nhà Rông, chỉ có chúng tôi đứng. Chúng tôi ăn phần cá còn lại của ngày hôm trước và một ít pa-tê. Họ nấu hai phần cơm. Và 7giờ 30 phút, mọi người lên ngựa, trời se lạnh. Chúng tôi phải vượt qua Dak Hrei lởm chởm những tảng đá to. Ngựa lội qua còn chúng tôi đi trên chiếc cầu tre tưởng như sắp gãy theo đúng con đường ngày hôm qua với vô số cầu, đèo dốc lên xuống, vực thẳm hố sâu, tuy nhiên vẫn là con đường qua lại được. Một điểm mới: có vô số dấu chân voi khô cứng và chúng tôi nhìn thấy tận mãi đến cây số 24. Hai lần chúng tôi gặp người Lào cùng với đoàn phu dịch của họ. Họ đi buôn bán tới tận Dak Tô. Chúng tôi hỏi chuyện bằng tiếng Pháp. Trên vài đoạn đường phẳng và tốt, chúng tôi cho ngựa phi. Tội nghiệp cha Giffard, ngài bị ngã nhưng không việc gì; Coco, con ngựa của ngài vấp phải cây tre nằm ngang qua đường. Ở đàng xa, một bầy khỉ trên cây náo động nhìn chúng tôi đi qua. Chúng tôi dừng nghỉ 15 phút cho ngựa ăn. 14 giờ 40’, tới một cánh rừng thưa gần Dak Wal, chúng tôi xuống ngựa, hân hoan nhấm nháp một hộp bánh và thưởng thức những giọt nước mát, rồi lại lên đường. Chúng tôi đang ở cây số 52. Con đường trước mặt mở rộng đến 4 mét và cứ thế đến Attopeu. Ông Đại Biểu nói với chúng tôi đã bắt đầu làm con đường nối liền Attopeu với Kontum. Đây là cây số 50 và vào mùa này, dòng sông SéSou khô cạn mệt mõi chảy giữa những tảng đá. Chúng tôi dừng lại bên bờ sông. 15 giờ 10’. Chúng tôi đã đi được 27 cây số trong 6 tiếng. Tất cả đều mạnh khoẻ trừ lá gan của cha Renaud.
Các Cha đi kéo cá để cải thiện bữa ăn. Ông Thầy tự tin vào khả năng bơi lội của mình nên suýt bị đuối hai lần khi muốn bơi qua sông. Chú Học bắt chước, nhưng may có một thiên thần tốt phù trợ đặc biệt ông Thầy. Chuyến đánh cá rất khả quan.
Trong khi đó, các người khuân vác đến nơi. Họ ở Seng Luang. Hai người đến từ làng Plei Rơhuan đã trở về Seng Luang và không quay lại nữa. Chúng tôi sẽ trả tiền cho họ lúc quay về để cho họ thấy chúng tôi là những người ngay chính. Hai người đàn ông làng Phia Ha gần bên đến chào Đức Cha đã được Chiang giới thiệu như là người có uy quyền nhất KonTum. Một người nguyên là lính Bảo An Attopeu mang biếu Đức Cha hai quả trứng gà, nhưng đoán được mưu mẹo, Đức Cha bảo chỉ nhận quà vào sáng hôm sau lúc lên đường để chắc chắn họ không trốn đi. Hai người khuân vác là tất cả những gì chúng tôi có thể tìm được nơi những người dân tộc Brâu cứng đầu và rất ít phục tùng này. Ông Đại Biểu thú nhận rất khó buộc họ vâng lời mình. Bằng bất cứ giá nào, chúng tôi phải đem theo những người khuân vác của làng Seng Luang cho tới Mương Câu. Họ đồng ý. Chúng tôi đã cho họ phần cá nhưng suốt đêm phải canh chừng để chắc chắn họ không bỏ việc. Không có một nơi nào trú ngụ cho đoàn, chúng tôi đốt lửa với vài khúc củi mục và dùng cành lá khô làm giường. Ở đây không còn có chăn Lào, chúng tôi cắm trại xa mọi làng mạc, đốt lửa suốt đêm, thắp sáng chiếc đèn gió đá để cọp không đến gần. Sau bữa ăn tối, chúng tôi cột ngựa sát bên trại, phân phát mền cho người giúp, rồi đi ngủ.

NGÀY THỨ NĂM CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH

Một đêm ngon giấc trừ những người phải canh gác. Những người phụ dịch có mặt đầy đủ. Mọi người dâng Thánh lễ trên bàn thờ di động đặt trên hai cái gùi, mặt quay về hướng sông SéSou
Trời chưa sáng hẳn; ngoài kia, màn sương mù dày đặc bao trùm bay là là trên mặt sông. Những chiếc mền của chúng tôi bị ướt đẫm nước từ trên cây nhỏ xuống, bầy khỉ kêu chí choé vang khắp khu rừng. Bữa ăn sáng mau chóng kết thúc, chúng tôi đem theo gói cơm mới. 7giờ 40’, chúng tôi bắt đầu vượt sông Sé Sou, người ngồi trên lưng ngựa, kẻ cởi giày. Nước sâu tới thắt lưng. Đức Cha qua sông, tay vịn Chiang đang lội một cách khéo léo. Dòng sông đầy những viên đá cuội đen trơn trợt. Phía bên kia, toàn những tảng đá đen to nằm dọc bờ sông khoảng 20 mét. Chúng tôi thay đồ, mang giày rồi lên ngựa, sẽ còn phải vất vả cả ngày vì lúc này đang ở cây số 50 mà Mương Câu nằm ở cây số 12. Chúng tôi tìm ra được đường lớn rải đá rộng 4mét nhưng phải dừng ngay lại để cho ngựa ăn vì chúng đã chẳng ăn gì từ hôm qua. Tất cả đều khô cháy. Khoảng 15 phút sau, (8g30’) chúng tôi lại lên đường, xuyên qua một cái vực khá sâu để tránh những chiếc cầu mục nát, và đi trong rừng dưới tàn cây; những dấu chân voi lại xuất hiện. Tại cây số 42, chúng tôi tiến nhanh trong cánh rừng thưa độ 3 cây số, vượt qua 3 nhóm người Lào với đoàn phu khuân vác của họ. Ở cây số 36, dòng suối cuối cùng chúng tôi múc nước đựng trong ống tre mang theo. Ở cọc số 32, lại có một cánh rừng thưa kéo dài mãi tới Attopeu. Trời đã trưa, chúng tôi xuống ngựa ngồi trên cái cọc cây số bị voi xô ngã do mấy con số màu trắng chọc ghẹo chúng, để nuốt vội miếng cơm với thịt gà và mẫu pa-tê. Mấy anh phu dịch của chúng tôi chưa thấy tới. Sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi và giờ kinh, đến 14 giờ chúng tôi lại lên ngựa. Mấy chú ngựa có vẻ chậm chạp hơn vì trời nóng; không có một bóng mát nào trong cánh rừng thưa mênh mông bất tận này; dấu vết cháy rừng ở khắp nơi, thậm chí còn vài đám cháy nhỏ; cây bị cháy thành tro nhưng còn giữ lại hình dáng thân cành nằm trên đất; đây đó những ụ mối và những tảng đá đen. Chúng tôi đang đi trên đỉnh núi. Luôn là một quang cảnh, một độ nóng bức, một con đường thẳng băng: thật chẳng oai hùng cũng không thoải mái. Bầy ngựa đi tới 5 giờ chiều, con ngựa của Đức Cha loạng choạng, đó là dấu hiệu của sự mệt mỏi, và rồi nó đi khập khiểng. Đức Cha leo lên con Coco, ngựa của Cha Giffard và ngược lại. Con Arbalèthe, ngựa của cha Renaud vẫn khoẻ và nhân dịp này nó còn tìm cách chọc ghẹo mấy con kia. Thình lình xuất hiện hai con heo rừng chạy đằng xa. Đó là tất cả những con thú rừng mà chúng tôi đã gặp thấy ở đây. Thật thế, các loài thú chẳng có gì để ăn trong cánh rừng khắc nghiệt này. Cuối cùng cũng tới Sé Kamane lúc 18 giờ 15’, chúng tôi hân hoan uống đầy một bụng nước sông và gọi những người chèo đò ở bờ bên kia. Gọi mãi và rồi họ cũng đã nghe tiếng chúng tôi, chiếc đò sáp lại gần. Chúng tôi nói chuyện với người Lào nhưng họ không hiểu cả tiếng Thượng lẫn tiếng Kinh. Chỗ này là cây số 15, vẫn còn ba cây số nữa để đến được Mương Câu hay tốt hơn là Fang Deng. Chúng tôi tìm được một anh người Lào rất chải chuốt. Anh có thể nói một ít tiếng Kinh và dẫn chúng tôi tới quán của một người Kinh trong làng. Chúng tôi đi ngang qua làng với những mảnh vườn và ngôi nhà nhỏ ở giữa. Thoạt đầu, những ngôi nhà trông thảm hại, giống kiểu nhà của người thượng nhưng trong tình trạng hư nát. Người ta nấu cơm bằng cái nồi cổ dài loe miệng (nồi gọ, nồi chỏ) trong sân, rồi tới những ngôi nhà có vẻ khá hơn, làm bằng gỗ, ván và lợp ngói.
Chúng tôi đến cây số 12, nhà một người Kinh, nhưng không thể ở được trong một cái trại rộng bằng chiếc khăn tay vì đoàn chúng tôi có 15 người và 6 con ngựa. Một người Lào ăn mặc chỉnh tề bất chợt đến nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp. Chúng tôi được cứu rồi! Ông ta mang nước uống trong một cái khay bằng bạc. Chúng tôi ngồi ghế đặt bên lề đường. Vì chòi làng đã bị phá, chúng tôi hỏi thăm ở nơi nào được, họ đề nghị vào ở trong chùa, điều không thể cười nổi. Chúng tôi nói thấy có một ngôi nhà gạch lợp ngói. Họ cho biết đó là trường học nhưng chỉ có thể trú tạm ngoài hiên mà thôi. Đã là một cái gì rồi! Đức Cha thử nêu danh ngài là Giám Mục Kontum, v.v.. và ông thầy giáo cho chúng tôi nghỉ lại bên trong nhà trường. Chúng tôi nhanh nhẹn tháo yên ngựa, ông Huyện trưởng Tasseng xuất hiện. Đó là một người Lào đứng tuổi, đầu trọc và chỉ nói tiếng Lào: ông ta có một giọng nói vang, lúc ông nói, người ta tưởng ông ta nổi giận. Người ta mang đến một ngọn đuốc cháy bằng nhựa cây, chiếu, nệm và mấy bầu nước. Họ mời chúng tôi ăn cơm ở nhà ông người Kinh. Người đã đưa ông huyện trưởng đến gặp chúng tôi tại trường học. Chúng tôi ngồi ăn cơm dưới đất theo kiểu người Kinh. Chúng tôi ăn cơm với nĩa, điều đã không làm từ bốn ngày rồi. Mối lo lắng cuối cùng cũng biến mất khi nghe Chiang nói lớn tiếng là những người phục dịch đã tới, khiêng theo một con heo rừng, chính con heo chúng tôi đã thấy nó chạy trốn. Chúng tôi đưa ra dự định chương trình cho ngày mai và đi ngủ, nghĩ mình là tên lính quèn trong chiến tranh. Đã 22 giờ đêm; chắc chắn các bạn đồng nghiệp ở KonTum không tưởng tượng nổi chúng tôi qua đêm ở nơi nào.

NGÀY THỨ SÁU CUỘC HÀNH TRÌNH

Một đêm ngon giấc. 5 giờ thức dậy. Chúng tôi ở trong một ngôi trường đẹp, rộng 12m x 6m, sạch sẽ. Hình ông Pétain treo trang trọng trên cao, phía sau bàn thầy giáo; danh sách học sinh, thời khoá biểu dán ở góc bảng; trên bảng viết chữ hoa các nguyên âm, phụ âm và những bài tập của học trò. Thầy Khoa đã dọn bàn thờ trên bàn thầy giáo, và mọi người dâng Thánh lễ. Chắc chắn chưa có một Thánh lễ nào được dâng ở vùng này. Nước Cha trị đến! Adveniat regnum tuum! Chúng tôi nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể: xin Người hãy làm chủ đất nước này mà Chúa Cha đã ban cho Người làm gia sản. Sau Thánh lễ, chúng tôi đi xem xét nhiều chỗ, cũng như ở vùng người thượng, có rất hiếm nhà giàu có; một chút phiền toái là chúng tôi mặc áo dòng v.v.v… Trường học nằm cách bờ sông chừng 50m, phía bên trái có một đài hình kim tự tháp cụt ngọn tưởng niệm ông Eugène Robert bị thương ngày 27-3-1901 và chết ngày 28-6-1901, và ông Henri Hubert bị sát hại ngày 15-4-1901 ở Nong Noi khi đến cứu viện đồn Nong Poi trên cao nguyên Boloven. Bên cạnh tháp là nhà thương do một y-tá lai làm quản lý. Làng Mương Câu nằm bên kia sông. Rồi chúng tôi cho ngựa ăn lúa, còn chúng tôi ăn cơm với trứng chiên và thịt heo rừng ở nhà ông người Kinh, người chẳng tốn gì khi dọn một bữa ăn ngon. Chúng tôi cho ông Huyện trưởng một cái đùi heo, ông ngạc nhiên trố mắt nhìn. Chúng tôi cũng không quên ông thầy giáo và ông người kinh, còn lại đưa cho người thượng và những người khuân vác trong đoàn.
Chúng tôi lại có những phục dịch mới, người làng Fang Deng. Khi vừa ra khỏi nhà, chúng tôi sửng sốt thấy một đám phụ nữ Lào quỳ giữa đường, tay trái nâng cao một cái rổ nhỏ bằng tre. Điều gì vậy? Có phải để cho chúng tôi không? Không! Không phải cho chúng tôi! Và chúng tôi chợt nhận ra có nhóm thầy chùa đầu cạo trọc, mặc áo vàng xếp hàng dọc im lặng đi tới. Khi đến gần, họ mở nắp bình bát và đám phụ nữ kính cẩn bỏ vào đó một nắm cơm to bằng quả trứng vịt; một số khác đem nhiều thứ thức ăn đến cho các thầy chùa trong những chiếc mâm đồng. Thần Phật làm chủ ở xứ này và không bị ai quấy rầy. Ít nhất thánh lễ sáng nay đã đánh động chúng. 9 giờ chúng tôi tới cây số 10, trong khi cho ngựa ăn chúng tôi ngồi bên lề đường đọc kinh phụng vụ. Rồi tiếp tục đi 12 cây số dưới nắng gắt trên con đường đất trắng, hai bên là rừng thưa hoặc ruộng lúa khô cháy. 13 giờ chúng tôi qua phà SéKong rộng chừng 100mét, tới Mương Mai, một ốc đảo nhỏ có cây xanh, cỏ lúa chét, một xóm nhà người kinh buôn bán và nhà người Lào. Chúng tôi hy vọng tìm được một quán trọ nhưng không có một nơi nào thích hợp. Chúng tôi đến Toà Hành Chánh, một toà nhà lớn có tầng lầu, nằm cạnh trại lính Bảo An Đông Dương. Ông Đại Biểu đồng thời cũng là Thanh Tra. Chúng tôi đến một cách bất ngờ (như sợi tóc rơi trong bát súp ). Ông Fendler, đại biểu Attopeu đón mời chúng tôi vào văn phòng. Chúng tôi giải thích cho ông là đã gởi điện tín từ Bưu Điện Kontum nhưng rồi bị trả lại, bảo không liên lạc với Attopeu được. Ông Đại biểu kể cho chúng tôi ông đã đánh điện đi Paksé nhưng điện tín lại đến chỗ mình vì điện tín được truyền đi bởi Radio Saigon. Chúng tôi trình bày ước muốn đi Paksé và được khuyến cáo là Paksé cách xa 220 cây số và chỉ có xe tải chở muối với giá 500 đồng bạc…v.v.v… Vấn đề treo lơ lửng; chúng tôi xin ngụ lại Toà Hành Chánh ít là tới thứ Ba vì cả người và ngựa đều đã mệt. Ông Fendler nhã nhặn chấp nhận và đưa chúng tôi tới mấy căn phòng để tắm rửa, rồi xuống ăn cơm. Ông Đại biểu là người trầm lặng; ông bảo không thích kẻ ba hoa và chúng tôi lại cũng chẳng phải người nói nhiều, khi đó cuộc chuyện trò lại trở nên thú vị. Chúng tôi biết được rằng: rất khó quản lý được người Brâu, các dấu vết đàn voi để lại đã bị phát hiện và săn bắt bởi đàn voi nhà cách đây hai tháng, 12 con voi con đã bị bắt sống. Attopeu là tên chung của một số làng chứ không phải là tên một địa phương hiện đang trực thuộc tỉnh Paksé. Ông Fendler là người Alsace-Lorrain, thích săn bắn, đã 24 năm chưa quay về Pháp, năm tới ông sẽ nghỉ hưu, các con ông đang học trường Pellerin Huế, ông cưới vợ người Lào, có hai con gái đến chào chúng tôi trong trang phục Lào. Chính ông là người giám sát con đường đẹp mà chúng tôi đã đi từ Sésou, và còn nhiều điều khác rất hấp dẫn nữa. Chúng tôi trở về phòng, mấy con ngựa ở trong vườn và người của chúng tôi nằm dưới mái hiên.
Chuyến đi tới Paksé tưởng như bị huỷ và Đức Cha đã thảo một điện thư thăm hỏi ông Tỉnh trưởng Paksé xin lỗi không đến chào thăm ông ta được. Nhưng lúc ăn tối, chúng tôi biết được ngày mai Chủ nhật có chuyến xe tải chạy Paksé. Phó thác chuyến trở về vào sự Quan Phòng, chúng tôi quyết định leo lên chiếc xe tải Tàu do một người Sàigòn lái và để lại mọi vật dụng cùng những người đi theo tại Toà Hành Chánh cho tới lúc quay trở lại vào thứ Ba hay muộn hơn, chúng tôi nghĩ vậy. Buổi sáng chúng tôi lên xe. Nó bò chậm chạp trên đường từ độ cao 80mét lên 1200mét so mặt biển. Xe dừng lại ở Tà Heing, một thanh niên người Huế phục vụ bữa ăn miễn phí. Tới Pak Song, cây số 50, chúng tôi cố gắng nhìn xem “Quán ăn cướp” miền cao nguyên Boloven mà không được. Từ Pak Song vùng đồn điền cà phê, xe liên tục đi xuống Paksé ở cao độ 80 mét. Đã 8 giờ tối, chúng tôi dùng cơm trong một ngôi nhà sàn, có vài sĩ quan đang ở ngoài sân, một vài khuôn mặt không xa lạ gì với chúng tôi. Và Đức Cha nói với cha sở của Paksé xin một chỗ trú ngụ. Cha Gayet trả lời cũng vừa mới gặp Đức Cha Gouin và Cha Berthéas. Còn vừa đúng ba cái giường. Sau bữa ăn, chúng tôi về nhà xứ. Đêm đã khuya, mọi người đều đã ngủ; chỉ còn cha Gayet đưa chúng tôi đến phòng rồi quay đi.
Sáng hôm sau, trong bữa ăn, chúng tôi gặp Đức Cha Gouin minh mẫn và nhân hậu, nói chuyện thân mật; tóm lại Đức Cha đến Paksé ban bí tích Thêm Sức thay cha Thibaut, bề trên truyền giáo miền Thakhẹt; cha Bertheas coi sóc 80 giáo dân Lào; cha Bayet quản hạt, tuyên uý quân đội, nói hơi nhiều về hàng giáo phẩm mà không để ý đến tầm ảnh hưởng của lời nói. Buổi sáng, chúng tôi đến thăm ông Bonamy, quan toàn quyền Paksé; ông mời chúng tôi ăn cơm tối hôm đó. Điều rõ ràng là chúng tôi đã ở Paksé và không biết làm sao trở về lại Attopeu: không có xe tải nữa. Ông Bonamy và phu nhân rất dễ mến. Chúng tôi ngồi đồng bàn với ông Favre ngành an ninh, một vị bên ngân hàng và vợ, ông Tỉnh trưởng người Lào. Chúng tôi đề nghị ông Bonamy tìm giúp một chiếc xe. Ông hứa một cách rất dễ thương là rất có thể chúng tôi sẽ đi chiếc xe tải nhỏ của Toà Hành Chánh Attopeu. Chúng tôi đã để ý thấy nó nằm trong ga-ra của ông Fendler; chúng tôi không dám hỏi mượn. Phải đợi tới thứ hai sau mới đi. Thật sung sướng khi trở về lại một cách dễ chịu như thế này. Chiếc xe chở những vật dụng cần thiết cho Toà Hành Chánh Attopeu, có hai anh lính theo xe; chúng tôi đi nhờ xe với sự gởi gắm ánh mắt vào túi tiền.
Paksé! Người ta hình dung điều gì đó thật tuyệt vời và người ta chỉ gặp một trung tâm khá nhỏ hẹp bên bờ sông Mékong gần biên giới mới của Xiêm La. KonTum duyên dáng hơn nhiều! Thật vậy, trong mùa nắng nóng tất cả đều khô và đêm không ngủ được. Nhà thờ thì quá nhỏ cho 300 tín hữu người kinh do một cha sở người kinh coi sóc và 80 tín hữu người Lào của cha Berthias, không kể người châu Âu; ông Toàn quyền không bỏ lễ ngày Chúa nhật. Khi lụt lội, nước dâng lên đến nửa bàn thờ. Cả Paksé đều bị ngập: Toà nhà Toàn quyền, các văn phòng, bệnh viện và nhà bác sĩ Lacroix, bưu điện, nhà khách, Bảo An Đông Dương, nhà của các ông chủ đồn điền thuộc địa (chúng tôi đã ăn một bữa tối tại nhà ông Rique nào đó, một ông chủ có nhiều đồn điền ở Pak Song, có nếm dâu và uống rượu vang đỏ), chợ, cửa hàng tạp hoá, toà nhà tầng cạnh nhà xứ dành riêng cho các nữ tu người Pháp, có một thời gian là Tiểu Chủng Viện do cha Fraix làm Bề Trên. Vì hiểu lầm, cha đã gởi học trò và cha Pigéan đến Chủng Viện An Ninh Huế làm giáo sư trợ giảng. Nhà xứ là một công trình xây dựng khá lớn bằng gạch lợp ngói, có tầng với 5 phòng ở dưới và 5 phòng lầu trên, nhà Nguyện ở tầng trệt. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá làm bếp theo khả năng của mình. Trong các phòng có tủ sách và đồ đạc của các linh mục đồng sự ở gần đó; thỉnh thoảng các cha Excoffon, Dégavelles, Meinier về nghỉ ở đây. Chúng tôi đã gặp cha Excoffon đến từ một đồn điền ở cây số 42 và cha Meinier làm cha sở ở cách đó 60 cây số; ngài nói với chúng tôi nhà xứ là một cái chái rộng 2m x 8m, bếp núc chẳng ngon lành gì; giáo dân mang cho cha các bữa ăn. Các đồng sự có vẻ không hoà hợp với nhau lắm. Chúng tôi cũng cảm thấy phiền lòng và ngượng ngùng vì những ngày lưu trú kéo dài tại nhà xứ. Trước khi đi, chúng tôi kính biếu một chút gì cho 7 ngày trú ngụ, cha chấp nhận 720 đồng bạc.
Các tín hữu Lào đến chào thăm Đức Giám mục Gouin và các cha nhân dịp lớp giáo lý và lễ Thêm Sức, vài người đến từ đất Xiêm. Họ quỳ trước mặt các cha suốt buổi viếng thăm. Đó là tập quán của người Lào vì dọc đường Paksé, người Lào, người Kha mỗi lần gặp chiếc xe tải nhỏ của ông Đại Biểu đi ngang qua, họ đều quỳ và chấp tay giống như kiểu lạy của người Kinh. Chúng tôi kết luận ông Đại Biểu sợ điều đó ở vùng đất này. Người ta không thấy như vậy nơi chúng ta. Chúng tôi cũng đã gặp bà nữ tu nổi tiếng. Bà nói bà đã có những lúc xuất thần, khuôn mặt đầy máu vào ngày thứ Sáu và chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa mà thôi. Nhưng rồi bà đã thú nhận đó chỉ là trò lừa bịp: bà đã giấu ăn lén lút, máu trên tay và mặt bà là máu gà. Hiện bà vẫn là nữ tu dòng Mến Thánh Giá. Cộng Đoàn tín hữu của Paksé gồm 4 phần người Kinh, một phần người Lào. Nhiều nơi người ta bảo ông Toàn quyền ưu đãi người Kinh trong khi ông Đại Biểu Attopeu không thích điều đó trong lãnh địa của mình, lấy cớ là người Kinh luôn muốn lãnh đạo người khác. Chỉ có khoảng 2 gia đình người Kinh làm nhà và buôn bán tại Attopeu; có hai gia đình công giáo không dám tuyên xưng có đạo vì đôi hôn nhân không kết hôn theo luật Hội Thánh. Ông bác sĩ người Saigòn là công giáo nhưng có hai vợ. Một người Lào rất đáng mến và lịch sự đến thăm Đức Cha. Đó là một thanh niên công giáo độc thân, làm nhân viên Kiểm lâm.
Và như thế chúng tôi đang trên đường trở về, hoan hỉ vì cuối cùng cũng đã có thể rời khỏi Paksé. Tại Tattein, dừng nghỉ ở một trạm bảo an để ăn trưa. Chúng tôi lấy bánh mì và đồ ăn nguội dọn ra bàn, cha Renaud không ăn được, lá gan của cha có vấn đề. Chúng tôi về tới Toà Hành Chánh lúc 18 giờ. Ông Đại Biểu trở nên dễ mến hơn trước. Dường như ông thích tiếp đón những nhân vật như chúng tôi và sự trở về đột ngột đã làm ông lúng túng. Ông cười khi Đức Cha bảo sẽ đi ngay bằng ngựa tới Mương Câu; ông đề nghị sáng hôm sau sẽ đi bằng chiếc xe tải của ông trong khi người ngựa của chúng tôi và những phục dịch người Lào sẽ đi trong chiều nay. Tất cả đều hoàn bị và chúng tôi nhìn đoàn lữ hành ra đi trong khi những tiếng rên của cha Renaud làm chúng tôi lo lắng. Cha đang ở ngoài sân, đi đi lại lại, oằn oại ôm bụng. Ông Đại Biểu gọi bác sĩ cũng là đại diện chính quyền ở Balladone. Cha đã bớt đau một chút; chúng tôi để cha lại trong phòng và đi ăn tối ở Toà Hành Chánh bên kia đường. Lúc quay lại, cha Renaud lại rên rỉ hơn trước; cha không tìm được tư thế nào để giảm đau nhức; cha quỳ hai tay chống xuống đất và cố gắng ói. Một cơn đau gan cấp tính. Chúng tôi chỉ còn một ít trà, toàn bộ hành lý đã mang đi. Cha Giffard giữ đầu người bệnh đang ói và đang rên rỉ. Đức Cha đi đi lại lại trong phòng lần hạt. Làm gì bây giờ? Cha Giffard đi gọi bác sĩ một lần nữa; ông ta cũng đang lên cơn sốt, gởi y- tá đến tiêm một ống móoc-phin. Cơn đau giảm dần và một giờ sau đó cha ngủ yên. Đức Cha và cha Giffard đi ngủ ở phòng bên cạnh. Đêm không ngon giấc được, mặc dầu có nệm êm và tấm drap trắng đẹp. 5 giờ chúng tôi dậy, cha Renaud đã đỡ hơn nhưng đi lom khom và lá gan còn làm cha đau đớn lắm. Làm sao đây? Chúng tôi còn phải đi ngựa 38 cây số nữa trong rừng thưa, không thể nào dừng nghỉ giữa chừng bởi không có nước và không có nơi trú chân. Chúng tôi lưỡng lự hồi lâu, không ai dâng lễ cả. Lo buồn của chúng tôi quá lớn e bị chia trí. Chúng tôi nghe tiếng xe của Toà Hành Chánh đến tìm. Đã 6giờ, chúng tôi quyết định: nếu ông bác sĩ đồng ý cho một ống tiêm và lọ móc-phin, chúng tôi sẽ đi. Thật may, ông bác sĩ đã cho những gì chúng tôi xin và chúng tôi lên xe đi tới Mương câu (12km), gặp lại những người giúp việc, ngựa, ông hướng dẫn người thượng và những người khuân vác ở đó. Sau khi ăn xong vài miếng ga-tô, chúng tôi lên ngựa: nhờ ơn Chúa giúp! Thiên Chúa nhân lành đã tuôn đổ ân sủng của Ngài. Phần còn lại của cuộc hành trình diễn ra suôn sẻ, những cơn đau của cha Renaud dịu lại và dễ chịu hơn.
Tôi không kể lại chuyến trở về vì nó giống mọi điều lúc đi, nếu chúng tôi đã đi nhanh hơn một chút thì hoặc do chúng tôi hoặc là do ngựa đã nhớ chuồng. Chúng tôi đến cùng một nơi, dừng cùng một chỗ trừ chỗ sông Sésou nơi cha Giffard bị cảm. Ông Đại Biểu Attopeu đã ra lệnh làm lại cái chòi bên bờ sông Sesou; đó là một cái nhà đẹp bằng tre rộng 4m x 6m với một chái bếp nhưng chúng tôi đã đóng trại ở cây số 42 dưới đáy một cái vực. Mỗi sáng cả ba chúng tôi đều dâng Thánh lễ. Chúng tôi đi như thế ngày thứ Ba, Tư, Năm, Sáu và 13giờ10 phút chiều thứ Bảy chúng tôi đã tới Dak Chô. Xin lỗi, cha Renaud còn phải đi kẻ liệt ở Dak Mot, về hướng đồn Dak Tô thay cha Ngọc bị bệnh và tới 16 giờ mới quay về.
Ngày hôm sau, Chủ nhật thứ V mùa chay, ông Cesarini mời chúng tôi ăn cơm trưa và cho xe đưa tất cả chúng tôi và cha Stutzmann[6] về KonTum. Chuyến kinh lý Attopeu kết thúc.
Kết luận là vùng Attopeu phải trở về lại miền truyền giáo của Lào theo quan điểm của Giáo Hội, chính các cha của Lào cũng xác nhận như vậy. Về phía KonTum không có đường đi đến đó. Hơn nữa tại Attopeu và vùng phụ cận người ta nói tiếng Kha và tiếng Lào. Chúng ta đã có khá nhiều thổ ngữ của người Thượng, không thêm chi vào đây ngôn ngữ của họ nữa. Mặt khác, miền Truyền giáo Lào và một phần miền đông Xiêm La có đủ nhân lực cho cả vùng.
Nhưng hoan hô! chúng ta có thể khẳng định rằng các vị Thừa Sai đáng được tôn vinh biết bao khi họ tới miền Truyền giáo Kontum này cũng như việc họ đã xây dựng nên. Mỗi một Trung tâm đều đầy đủ tiện nghi, có nhiều người Kinh phục vụ, mỗi buôn làng đều có yao phu được đào tạo tại trường Giáo lý (Cuênot), các linh mục không ở quá xa nhau, có thể gặp gỡ nhau mỗi tháng, và hoà hợp với nhau.
Hãy đặt ngược lại các thuận lợi trên, quý vị sẽ thấy rằng họ chưa bao giờ có sự tốt đẹp như vậy trong vùng Truyền giáo của họ. Còn một lợi ích mang lại từ chuyến du hành mục vụ, đó là trao lại cho họ tổ ấm mà họ cho là hấp dẫn hơn.
Phỏng dịch dựa trên tài liệu viết tay đang được lưu tại thư viện Tòa Giám mục Kontum.

Mùa chay, tháng 3 năm 2014
Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum
[1]   Cha Jean Paul Renaud, sinh 21/06/1909 tại Malbuisson (Doubss), Pháp; Giáo phận Besancon; linh mục: 01/07/1934. Lên đường vùng Truyền giáo Kontum : 16/09/1934; đến Kontum, ngài học tiếng Việt và được gởi đến vùng Sơđăng (Đak Chô); Đức cha Jannin đã giao cho cha trọng trách coi quận Dak To, một vùng rộng lớn bao gồm cả vùng đất phía bắc địa phận cho đến Attơpeu (Hạ Lào).
[2]Bản đồ Việt nam ghi: Dak Su hoặc Dak Xou, bên Lào ghi: Sé Sou
[3]Bản đồ Saigon, xuất bản lần 2, năm 1963, ghi Pơlei Lang Lò Kram.
[4]Khi Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung đến đảm trách chánh xứ họ đạo vùng này (năm1957), ngài đổi tên Tơkan thành tên TÂN CẢNH, và còn giữ đến ngày nay.
[5] Có lúc viết Pơ Y, có khi viết Bơ Y.
[6] Cha Stutzmann chánh xứ Kon Hơring năm 1934.