Phải lên án thái độ bất khoan dung nhân danh khoan dung
WHĐ (28.05.2013) – Hôm thứ Hai 27-05, trang Twitter @newsva_en của Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã gửi đi dòngtweet: “Bất khoan dung đối với các Kitô hữu, nhất là lại nhân danh ‘khoan dung’, phải bị công khai lên án”.
Tweet này có ý nói đến tuyên bố của Tòa Thánh qua phát biểu của Đức giám mục Mario Toso, SDB, tại Hội nghị Cấp cao vềlòng khoan dung và không phân biệt đối xử (bao gồm việc giáo dục người trẻ về nhân quyền), diễn ra trong hai ngày 21 và 22tháng Năm 2013 tại Tirana, Albania.
Hội nghị được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Kể từ Hội nghị Cấp cao lần trước, Đức cha Toso nói, “các trường hợp đối xử bất khoan dung và phân biệt đối xử chống lại các Kitô hữu đã không hề giảm đi, trái lại còn tăng thêm ở nhiều nơi thuộc khu vực OSCE”.
Đức cha Toso lên án mưu toan tách biệt niềm tin tôn giáo với việc thực hành tôn giáo. Ngài phát biểu, người ta nói với các Kitô hữu rằng “họ có thể tin bất cứ điều gì họ muốn ở nhà mình hoặc trong suy nghĩ của mình, và tha hồ cử hành phụng tự trong nhà thờ của mình, nhưng chỉ đơn giản là không được biểu lộ niềm tin ở nơi công cộng”. Ngài nói tiếp, sự phân biệt này “là một sự bóp méo và hạn chế ý nghĩa thực sự của tự do tôn giáo một cách chủ ý”.
Trong bài phát biểu, Đức cha Toso xác định hai lĩnh vực cụ thể mà người Kitô hữu bị đối xử bất khoan dung: ngôn luận và lương tâm Kitô giáo, đặc biệt là tại nơi làm việc. Ngài nói, sự phân biệt đối xử chống lại người Kitô hữu –cả khi họ là đa số–phải bị coi là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn xã hội, và do đó cần phải chống lại, như đã làm, và điều đó là chính đáng, như trường hợp chống Do Thái và Hồi giáo.
Đức cha Toso nói, “Phải gọi đúng tên của chủ trương bất khoan dung nhân danh ‘khoan dung’ và công khai lên án nó. Phủ nhận chỗ đứng của lập luận luân lý mang tính tôn giáo ở nơi công cộng là bất khoan dung và phản dân chủ”.
Và ngài kết luận: “Để phòng ngừa và đối phó với tình trạng bất khoan dung, phân biệt đối xử và những tội ác chống lại người Kitô hữu, Phái đoàn [Tòa Thánh] tin rằng cần phải xem xét điều này trong mối liên hệ chặt chẽ với việc thúc đẩy tự do tôn giáo. Quyền tin vào Thiên Chúa và thực hành niềm tin ấy là một quyền cơ bản của con người, điều này là trọng tâm các cam kết của OSCE”.
(Vatican Radio 27-05-2013)
Minh Đức
NGUỒN: WHD