20 Tháng Tám
Hai Vì Sao Mỉm Cười
Một
vị ẩn sĩ nọ tịnh niệm và chay tịnh đến suốt ngày không động đến thức ăn và nước
uống.Từ trên đỉnh núi cao, ai ai cũng thấy có một ngôi sao xuất hiện giữa ban
ngày: đó là dấu hiệu trời cao chấp nhận của lễ hy sinh của ông.
Ngày
nọ, vị ẩn sĩ quyết định leo lên núi cao. Ông muốn vươn lên cao hơn trong sự khổ
chế. Vừa lúc ông đương leo núi, thì một cô bé trong làng chạy tới xin đi theo.
Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho cô bé đi theo. Họ ra đi khi mặt
trời vừa lên. Nhưng không mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một chói chang, cả vị ẩn
sĩ lẫn cô bé gái đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn
khát của mình, nhưng ông lại giục cô gái hãy uống nước. Cuối cùng, không ai
chạm đến nước. Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề của mình, còn cô gái không
nỡ uống một mình.
Họ
càng đi, cơn khát càng dằn vặt. Ðến một lúc, vị ẩn sĩ không nỡ nhẫn tâm nhìn
thấy cô bé phải quằn quại trong cơn khát. Cuối cùng, ông đành lỗi lời thề. Ông
cầm lấy nước đưa lên miệng và lúc bấy giờ cô bé gái cũng mỉm cười uống nước với
ông. Sau khi đã uống nước, vị ẩn sĩ không dám nhìn lên trời cao nữa. Ông cứ
đinh ninh rằng vì sao hiện ra mỗi ngày như một chứng giám cho sự khổ chế của
ông, giờ đây có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên vỡ lở của ông,
khi ông ngước mắt nhìn lên đỉnh núi, ông thấy có hai vì sao lấp lánh như đang
mỉm cười với ông.
Ðể
mặc khải cho chúng ta bộ mặt thông cảm, nhân từ, yêu thương của Thiên Chúa,
Chúa Giêsu đã không ngần ngại đến ngồi đồng bàn với những người thu thuế, những
kẻ tội lỗi. Phúc Âm ghi lại rằng, khi đi qua dãy bàn thu thuế, Ngài đã nhìn
thấy Matthêô. Ngài đã chọn ông vào số các tông đồ của Ngài. Trong bữa tiệc do
Matthêô khoản đãi, những người bạn của ông ngồi cùng bàn với Chúa Giêsu. Thấy
thế, những người biệt phái đã tỏ ra khó chịu. Chúa Giêsu đã nói với họ như sau:
"Không phải những kẻ khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, mà chính là những người
đau ốm. Hãy đi học hiểu câu nói: Ta muốn lòng nhân từ chứ không phải của
lễ".
Qua
thái độ và lời phát biểu trên đây, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cốt
lõi của Tin Mừng, cốt lõi của Ðạo chính là tình thương. Thực thi bác ái là việc
ăn chay có giá trị nhất, là của lễ cao đẹp nhất mà con người có thể dâng lên
Thiên Chúa. Nếu chỉ có một vì sao mọc lên để chứng giám cho một hành động khổ
chế, thì sẽ có hai vì sao hiện ra để xác nhận cho một hành động bác ái. Thật
ra, bác ái đích thực cũng là một hành động khổ chế, bởi vì nó đòi hỏi con người
phải chết cho bản thân, phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Một hành
động bác ái đích thực phải là một cái chết dần chết mòn trong chính bản thân.
Nói
như mẹ Têrêxa Calcutta: "Khi tôi chia sẻ, khi tôi trao ban cho người một
điều gì làm tôi cảm thấy mát mát, đau khổ, thì sự chia sẻ của tôi mới có giá
trị. Tôi không chia sẻ và trao ban của dư thừa, mà chính là trao ban chính tôi.
Khi
tôi cố gắng chào hỏi một người tôi ghét cay ghét đắng, đó mới thật sự là một
hành động bác ái. Khi tôi có thể đến sống nghèo, chia sẻ kiếp sống nghèo của
người khác, đó mới là một hành động bác ái. Khi tôi có thể tha thứ cho những
người xúc phạm đến tôi, đó mới là một hành động bác ái thực sự. Tôi đã chết đi
một phần và cái chết ấy sẽ được Thiên Chúa của lòng nhân từ đón nhận như là lễ
hy sinh đích thực".
Trích sách Lẽ Sống